Ghi nhận từ phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm của ngành Giáo dục - Đào tạo Vĩnh Linh

Những năm qua, ngành Giáo dục- Đào tạo (GD- ĐT) Vĩnh Linh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có việc đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) và đã đạt được những kết quả nhất định. Sau mỗi năm học lại có thêm hàng trăm SKKN ra đời, áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng GDĐT ở địa phương.

 Một giờ học của cô và trò Trường THCS Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh

Một giờ học của cô và trò Trường THCS Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh

Để phong trào được triển khai sâu rộng, hiệu quả, ngay từ đầu các năm học, Phòng GD-ĐT huyện phối hợp với các nhà trường phát động và triển khai phong trào đến toàn thể cán bộ, giáo viên. Chú trọng tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của phong trào. Động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên mạnh dạn đưa ra các ý tưởng, tìm tòi các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác. Gắn việc thực hiện phong trào viết SKKN với những cuộc vận động chung của toàn ngành như: Thi đua “Hai tốt”, “Đổi mới quản lí và nâng cao chất lượng giáo dục”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Đồng thời chú trọng công tác thi đua, khen thưởng. Nhờ vậy, đã khơi dậy lòng yêu nghề, yêu trò của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển.

Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Linh Lê Thanh Hải khẳng định: “Với việc coi trọng chất lượng SKKN, tránh chạy theo số lượng, chạy theo tiêu chí đánh giá thi đua, ngành không đòi hỏi các sáng kiến phải như một đề tài nghiên cứu với những lập luận trừu tượng, mà yêu cầu SKKN là cái có thực, được tích lũy từ thực tế công việc. Đó có thể là một kinh nghiệm hay, một cách làm hiệu quả cần được nhân rộng, cũng có thể là một sự thất bại, để đồng nghiệp cùng chia sẻ, rút kinh nghiệm”. Một trong những điển hình của phong trào viết SKKN là thầy giáo Tạ Quốc Khánh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi. Sau nhiều năm đứng lớp, với niềm đam mê nghiên cứu, thầy đã có nhiều sáng kiến áp dụng vào thực tiễn đem lại kết quả cao. Trong đó có thể kể đến sáng kiến “Rèn kĩ năng giải bài tập về cấu trúc và cơ chế di truyền cấp độ tế bào” để bồi dưỡng cho đội tuyển Sinh học của huyện đi thi tỉnh năm học 2016 - 2017, kết quả có 1 học sinh đạt giải Nhì, 3 học sinh đạt giải Ba và 3 học sinh đạt giải Khuyến khích. Năm học 2018 - 2019, áp dụng sáng kiến “Giải pháp nâng cao chất lượng đội tuyển học sinh giỏi bộ môn Sinh học”, kết quả có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 1 giải Khuyến khích cấp tỉnh.

Được đánh giá cao bởi nhiều SKKN hay, cô Võ Thị Kim Dung, giáo viên môn Toán, Trường TH&THCS Vĩnh Hòa là một trong những nhân tố tích cực trong phong trào này. Cô Dung có kinh nghiệm nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm, thấu hiểu được thực trạng giáo dục hạnh kiểm cho học sinh hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Ở lứa tuổi này, các em có nhiều biến đổi về tâm sinh lí, dễ mắc phải những sai sót mà các em khó nhận ra được. Chính vì vậy, các em rất cần sự quan tâm, uốn nắn kịp thời của những người làm công tác giáo dục mà đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Năm 2015, cô Dung viết sáng kiến: “Một số biện pháp giáo dục học sinh chậm tiến” với nhiều nội dung khá hấp dẫn, phản ánh đúng thực trạng và đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu trong quản lí, rèn giũa cho học sinh. Nhờ vậy đã hạn chế những khuyết điểm của học sinh, khắc phục những tồn tại ở học đường, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh giúp học sinh phát triển toàn diện… Sáng kiến này của cô được Hội đồng chấm SKKN huyện Vĩnh Linh xếp loại tốt, trở thành tài liệu tham khảo đối với các trường học trên địa bàn.

Qua các năm tổ chức, phong trào viết SKKN không ngừng được mở rộng về quy mô và số lượng, chất lượng. Từ năm 2016 đến năm 2019, Hội đồng chấm SKKN cấp huyện đã nhận được 700 sáng kiến. Trong đó, ở cấp huyện có 268 sáng kiến được xếp loại A, 125 sáng kiến xếp loại B, 163 sáng kiến được xếp loại C và ở cấp tỉnh có 23 sáng kiến được xếp loại A. Nhiều trường học tham gia có hiệu quả phong trào như: Trường THCS Nguyễn Trãi (thị trấn Hồ Xá), Trường TH&THCS Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hòa), TH&THCS Vĩnh Long (xã Vĩnh Long)…

Đánh giá chung các SKKN đều xuất phát từ nhiệm vụ và mục tiêu của các cấp học, bậc học, tình hình thực tế của từng đơn vị, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm của từng năm học. Nhiều sáng kiến tập trung vào giải quyết những vấn đề mới, có ý nghĩa thực tiễn như: Một số biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn; hình thành kĩ năng sống cho học sinh; ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; nâng cao năng lực quản lí của đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục, giáo viên, nhân viên... Phần lớn các SKKN được trình bày khá hoàn chỉnh về nội dung, cách lập luận khá chặt chẽ, mạch lạc, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với phong cách khoa học, tạo được sự dễ hiểu, dễ tiếp cận cho người đọc.

Sau tổng kết ở cấp huyện, với những sáng kiến hay, được đánh giá cao về khả năng ứng dụng vào thực tiễn, Hội đồng chấm SKKN cấp huyện tham mưu, đề xuất UBND huyện công nhận và áp dụng trong toàn ngành, đồng thời gửi sáng kiến đi tham dự ở các cuộc thi cấp cao hơn. Qua nhiều năm tham dự ở cấp tỉnh, Vĩnh Linh được đánh giá là đơn vị có nhiều sáng kiến dự thi được đầu tư kĩ, chất lượng cao. Đây là tín hiệu đáng mừng nhằm động viên, khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần lao động sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành.

Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Linh Lê Thanh Hải cho biết thêm: “Có thể khẳng định, nhờ phong trào viết sáng kiến, đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên của các trường học trên địa bàn huyện đã có thêm điều kiện để học tập, trao đổi những cách làm hay, những biện pháp hiệu quả trong công tác quản lí, giảng dạy. Thời gian tới, ngành GD-ĐT Vĩnh Linh tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, kêu gọi sự hưởng ứng đông đảo của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn”.

Anh Khoa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143915