Gia Lai đối thoại doanh nghiệp, gỡ vướng sau sắp xếp chính quyền

Ngày 29/7 tới đây, tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe, ghi nhận và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh sau khi mô hình chính quyền hai cấp chính thức vận hành.

Hướng tới mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong giai đoạn phát triển mới, UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành kế hoạch tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai kiểm tra, khảo sát dự án khu đô thị CK54 (phường Pleiku).

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai kiểm tra, khảo sát dự án khu đô thị CK54 (phường Pleiku).

Hội nghị dự kiến diễn ra lúc 14 giờ ngày 29/7, tại hội trường 2/9 (phường Pleiku), dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. Khoảng 300 đại biểu sẽ tham dự, gồm lãnh đạo các sở, ban ngành, hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp tiêu biểu.

Trọng tâm của hội nghị là lắng nghe doanh nghiệp phản ánh những khó khăn trong thực tiễn hoạt động, đặc biệt là các vướng mắc nảy sinh khi chính quyền hai cấp bắt đầu đi vào vận hành sau điều chỉnh địa giới hành chính. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng sẽ báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm và đề xuất các giải pháp cho giai đoạn cuối năm.

Theo kế hoạch, Sở Công Thương sẽ trình bày báo cáo tổng hợp về tình hình doanh nghiệp, đồng thời làm rõ những nội dung đã và đang được các sở, ngành giải quyết theo phản ánh trước đó. Ngay tại hội nghị, các kiến nghị cụ thể sẽ được giải đáp trực tiếp; các nội dung phức tạp hơn sẽ được rà soát và phản hồi bằng văn bản trong thời gian sớm nhất.

Tinh thần chủ đạo của hội nghị là cầu thị, thẳng thắn, xây dựng, thể hiện rõ vai trò của chính quyền tỉnh trong việc đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua thách thức, duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh mới.

Trong bối cảnh Gia Lai chính thức vận hành bộ máy chính quyền hai cấp sau điều chỉnh địa giới, việc thiết lập kênh đối thoại định kỳ và hiệu quả với doanh nghiệp là cần thiết, nhằm bảo đảm sự thông suốt trong xử lý thủ tục, giải quyết kiến nghị và khơi thông nguồn lực phát triển. Qua đó, củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào chính quyền, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh thu hút 117 dự án đầu tư mới. Trong đó có một số dự án quy mô lớn như: Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester của Tập đoàn Syre với vốn đăng ký 1 tỷ USD; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phù Mỹ - giai đoạn 1 với tổng vốn đăng ký hơn 4.569 tỷ đồng; đầu tư mở rộng nhà máy thép Hoa Sen Nhơn Hội – Bình Định với tổng vốn đăng ký 2.333 tỷ đồng; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật mở rộng cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Mang Yang với tổng vốn đăng ký 399 tỷ đồng…

Hoạt động đăng ký doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Nửa đầu năm 2025 toàn tỉnh có 1.356 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng gần 24% so với cùng kỳ. Những kết quả trên cho thấy sự chủ động, quyết liệt của chính quyền tỉnh và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ngay từ những tháng đầu năm 2025.

Minh Thảo

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/gia-lai-doi-thoai-doanh-nghiep-go-vuong-sau-sap-xep-chinh-quyen/20250725105520027