Gia Lai gồng lưng chống hạn

Chỉ mới vào đầu mùa khô, tình trạng hạn hán trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã trở nên khốc liệt. Mực nước các hồ chứa, sông suối đều ở mức thấp. Nhiều diện tích cây khô cong vì thiếu nước. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, thì tình trạng hạn hán năm nay khắc nghiệt nhất trong vòng 18 năm trở lại đây.

Đợt hạn hán kỷ lục khiến nhiều ao hồ ở Gia Lai trơ đáy.

Đợt hạn hán kỷ lục khiến nhiều ao hồ ở Gia Lai trơ đáy.

Trắng đêm chờ nước tưới

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 340 công trình thủy lợi, trong đó, 112 công trình hồ chứa, 188 đập dâng và 40 trạm bơm với tổng năng lực thiết kế tưới tiêu cho 54.684ha cây trồng các loại. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết bất lợi, thiếu hụt nguồn nước tưới, dự kiến diện tích tưới vụ Đông Xuân 2015-2016 là 23.950ha lúa nước, 21.381ha hoa màu và cây công nghiệp, giảm so với vụ Đông Xuân 2014-2015 khoảng 2.670ha lúa.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa mưa năm nay kết thúc sớm, trong khi lượng mưa ít hơn từ 20-30%. Đặc biệt, lượng mưa tại khu vực Bắc Tây Nguyên chỉ đạt 50-60% so với quy luật nhiều năm. Hiện các hồ đập, sông suối, mực nước đã giảm sút nghiêm trọng và một số địa phương đã gặp hạn nặng.

Tại thôn 7 và thôn 8, xã Ia Tô, Chư Prông, cảnh hàng trăm máy bơm dùng để tưới cho cây cà phê dọc theo suối Ia Châm đều nằm bất động, hàng trăm ha cây cà phê đang héo úa, ngắc ngoải chờ tưới, khiến người nông dân nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa. Hơn 1 tuần nay, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng đã thay phiên nhau túc trực, mắc võng trắng đêm chờ nước để tưới cà phê. "Nếu mình không tranh thủ tưới thì không còn nước tưới, vườn cây sẽ chết cháy. Nhà tôi chỉ có 1ha cà phê, nhưng tưới hơn chục ngày vẫn chưa xong" - ông Hùng nói.

Tương tự, tại huyện Chư Pưh, hàng trăm ha cà phê, hồ tiêu và lúa cũng đang gặp "đại hạn", người dân nhìn cây trồng đang dần héo úa mà bất lực. Anh Lê Văn Phương (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, chua chát nói:"Người dân ở đây chuẩn bị nhổ trụ tiêu đi bán hết rồi, giờ nước không có để tưới thì tiêu chỉ có chết thôi. Chưa năm nào khu vực này hạn nặng đến vậy. Cây hồ tiêu, cà phê không có nước tưới khiến nhiều hộ dân chẳng còn tâm trí nào ăn Tết. Có hộ đón giao thừa trên rẫy, mồng 2 Tết đã ra rẫy chờ nước. Nhiều hộ đào 2 đến 3 giếng, sâu hơn 100m mà vẫn không có nước".

Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chư Pưh cho biết: Hàng nghìn ha cà phê, hồ tiêu trên địa bàn huyện đang thiếu nước trầm trọng, nguy cơ cây bị chết là rất cao. Riêng cây lúa đã có hơn 300ha mất trắng, không chỉ cây trồng thiếu nước, mà nhiều làng ở các xã Ia Phang, Ia Le, Chư Đôn... còn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Trong khi đó, tại vùng "chảo lửa" Krông Pa, dự báo tổng diện tích có thể bị hạn là 446ha, chủ yếu là lúa nước (406ha); cá biệt, chỉ riêng tại hồ thủy lợi Ia Dreh có đến gần 345ha lúa nước bị ảnh hưởng. Theo ông Siu Thin, buôn Nông Siu, xã Ia Rmok, thì vụ trước 4 sào ruộng của ông cũng bị thiếu nước vào cuối vụ nên năng suất lúa đạt rất thấp, chỉ thu chưa đầy 5 tạ thóc. Năm nay, ông vẫn chưa hết lo lắng khi mực nước trong hồ quá thấp so với trước đây, khiến không đủ nước tưới cho ruộng lúa.

"Bốn tại chỗ, ba sẵn sàng"

Trước thực trạng hạn hán nghiêm trọng xảy ra trên diện rộng ở Tây Nguyên, ngành Nông nghiệp huyện Krông Pa đã chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình thủy lợi thường xuyên theo dõi mực nước trên sông Ba, nắm chắc lịch xả nước của các nhà máy thủy điện để đảm bảo mực nước vận hành máy bơm đạt hiệu suất cao. "Ngay từ đầu vụ, đối với những diện tích lúa nước có khả năng không đủ nước, kể cả bơm nước từ các sông, chúng tôi đã khuyến cáo người dân chuyển sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày như bắp lai NK66, CP501, đậu các loại..." - ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Pa cho biết.

Không có nước tưới tiêu, nhiều diện tích cây công nghiệp đang bị đe dọa. Ảnh: Quốc Dinh

Không có nước tưới tiêu, nhiều diện tích cây công nghiệp đang bị đe dọa. Ảnh: Quốc Dinh

Tương tự, ông Lữ Phú Phong, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ia Pa chia sẻ: Trước nguy cơ khoảng 110ha lúa bị cháy, bị khô hạn do không đủ nước tưới, huyện đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Gia Lai đề nghị các công ty thủy điện phía thượng nguồn sông Ba và suối Đăk Pi Hao chia sẻ nguồn nước cho các trạm bơm trên địa bàn huyện nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất.

Theo số liệu mới nhất từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai: Hiện tại, có 9 huyện, thị xã đã có báo cáo nhanh gửi lên, trong đó, có hơn 2.500ha cây trồng bị ảnh hưởng do hạn và diện tích lúa có thể bị mất trắng lên đến 500ha. Các địa phương khác cũng đang tích cực kiểm tra, thống kê cụ thể báo cáo lên UBND tỉnh Gia Lai để có hướng xử lý, khắc phục kịp thời.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do tác động của hiện tượng El Nino mạnh kỷ lục trong mùa khô 2015-2016, UBND tỉnh Gia Lai đã liên tục chỉ đạo các cơ quan, ban ngành và các địa phương tập trung các giải pháp phòng, chống hạn. Theo kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu tất cả các ngành, các cấp phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm phòng chống hạn như chống bão lũ với "Bốn tại chỗ" gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ. Phương châm "Ba sẵn sàng" cũng được chú trọng, gồm sẵn sàng chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời và khắc phục khẩn trương, hiệu quả.

Trước mắt, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường phối hợp với các đơn vị quản lý thủy nông để xác định khả năng cung cấp nước tưới của các công trình thủy lợi, từ đó có những phương án bố trí tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước. Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi cũng được chỉ đạo thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, mực nước tại các hồ chứa, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương lập kế hoạch sản xuất, khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những nơi không chủ động được nguồn nước tưới.

Ông Nguyễn Văn Lượng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai khuyến cáo: Mực nước năm nay thấp hơn các năm trước rất nhiều so với thiết kế ban đầu, các hồ đập trên địa bàn tỉnh bị hụt từ 1 đến gần 6 mét. Do đó, biện pháp trước mắt là khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, tận dụng các nguồn nước có thể để tưới cây, hạn chế tối đa thiệt hại. Đồng thời, các ban, ngành và địa phương cần huy động, hỗ trợ nhân dân sử dụng máy bơm nước từ các ao hồ, đập để phục vụ chống hạn. Về lâu dài, cần quy hoạch vùng cây trồng hợp lý, xây dựng mới và duy trì các công trình thủy lợi để đáp ứng nhu cầu nước tưới, chống hạn trong mùa khô.

Quốc Dinh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gia-lai-gong-lung-chong-han/