Gia Lai mở rộng đào tạo lao động theo nhu cầu địa phương

Những năm qua, cấp ủy, các cấp chính quyền ở Gia Lai luôn quan tâm đến công tác dạy nghề cho người lao động, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số, giúp người lao động có thêm kiến thức, thuận lợi tìm việc làm để có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chú trọng “đầu ra” cho sinh viên

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt xu thế chung của xã hội, tập trung đào tạo nghề gắn với nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.

Hiện toàn tỉnh có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với gần 1.000 giáo viên đã được chuẩn hóa về chuyên môn. Thạc sĩ Phạm Văn Điều - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai cho hay, nhiều năm qua, nhà trường đặt ra nhiệm vụ đào tạo nghề bám sát thực tiễn, kết nối với doanh nghiệp đào tạo nghề có địa chỉ, gắn với nhu cầu xã hội.

Sinh viên ngành Điện CN thực tập tại NM điện mặt trời Krông Pa (Ảnh: đơn vị cung cấp)

Sinh viên ngành Điện CN thực tập tại NM điện mặt trời Krông Pa (Ảnh: đơn vị cung cấp)

Trường Cao đẳng Gia Lai ngoài trụ sở chính tại TP. Pleiku còn có các địa điểm đào tạo tại thị xã An Khê và Ayun Pa. Với hơn 7.000 học sinh và sinh viên, trường có chức năng đào tạo đa ngành nghề với nhiều trình độ, bao gồm cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dạy nghề cho lao động nông thôn, đào tạo thường xuyên và dạy nghề phổ thông. Trường đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn để tuyển dụng nguồn lao động và đảm bảo cho học viên có thể tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Theo đại diện nhà trường, bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, những năm qua, nhà trường luôn chủ động, linh hoạt trong tổ chức triển khai chương trình đào tạo tại đơn vị. Hiện các ngành nghề đều phù hợp với định hướng phát triển của địa phương và nhu cầu xã hội được chú trọng, bao gồm nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp, du lịch, công nghệ-kỹ thuật, thú y, may mặc, sức khỏe, văn hóa-nghệ thuật.

Hiệu trưởng Phạm Văn Điều cho biết, với hơn 70% học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, nhà trường luôn chú trọng đến định hướng đào tạo và đầu ra sau tốt nghiệp. Mục đích hướng đến là giúp các em dù dấn thân ở các tỉnh, thành phố lớn hay học xong quay trở về làng vẫn sống tốt với nghề. Sắp tới, nhà trường sẽ mở thêm mã ngành đào tạo nghệ thuật biểu diễn truyền thống trình độ sơ cấp gắn với đẩy mạnh đào tạo về du lịch cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số phát huy được sở trường, có môi trường làm việc ổn định sau này và gìn giữ được truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Lan, giảng viên Khoa Nghiệp vụ - Du lịch chia sẻ, nhiều học sinh thích học ngành quản lý khách sạn nhà hàng vì phù hợp với xu hướng phát triển du lịch sắp tới của tỉnh. Đa số các em hứng thú trong học tập, nhất là khi được thực hành, trải nghiệm thực tế.

Cùng với Trường Cao đẳng Gia Lai góp phần xây dựng kế hoạch đào tạo và từng bước mở rộng ngành nghề đào tạo theo nhu cầu của địa phương, Phân hiệu Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai cũng đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực và cán bộ quản lý, khoa học trình độ cao để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại khu vực.

Đào tạo nhân lực theo nhu cầu doanh nghiệp

Các doanh nghiệp tại Gia Lai hiện đã tận dụng nguồn lao động được đào tạo tại địa phương bằng cách đến các trường tư vấn định hướng nghề nghiệp và tuyển dụng lao động theo nhu cầu thực tế. Hơn nữa, một số doanh nghiệp còn đầu tư cho các sinh viên giỏi từ năm thứ ba để giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cho đơn vị mình.

Ví dụ như Công ty TNHH Toyota Gia Lai có nhu cầu tuyển dụng hàng năm và luôn ưu tiên lực lượng lao động tại địa phương. Hiện nay công ty cùng Trường Cao đẳng Gia Lai hợp tác, tạo điều kiện cho sinh viên của trường đến thực tập và làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp. “Đa số các em có kiến thức khá chắc chắn, thích ứng và tiếp cận nhanh với công việc. Tôi đánh giá cao việc đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu thị trường lao động tại chỗ, bởi nó không chỉ giúp các đơn vị doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn dễ dàng tuyển dụng lao động mà còn góp phần giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường”, đại diện công ty cho biết thêm.

Theo dự báo của ngành chức năng, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nhu cầu đào tạo, đào tạo lại và đào tạo thường xuyên của tỉnh hàng năm khoảng 25.000 người, tập trung vào các ngành, nghề phục vụ cho phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo hiện chiếm khoảng 69,6% lao động đang làm việc.

Vì vậy, để tạo bước chuyển biến thực sự trong đào tạo nghề trong tình hình mới, thì ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành, người dân và sự đồng hành của doanh nghiệp về phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Chú trọng nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong các kế hoạch, chương trình phát triển ngành, địa phương; dự báo, xây dựng, cập nhật dữ liệu mở về nhu cầu lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với việc làm của doanh nghiệp, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới, như: điện, điện tử, cơ khí chế tạo, dịch vụ.

Nhờ chia sẻ của doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục đại phương, cùng trang bị kiến thức cho người lao động được nâng từ quá trình đào tạo, tỉnh Gia Lai hiện đã tận dụng khá tốt nguồn nhân lực tại chỗ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế tại địa phương.

Thanh Trúc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/gia-lai-mo-rong-dao-tao-lao-dong-theo-nhu-cau-dia-phuong-i317561/