Gia Lai quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội

Mặc dù đối mặt với không ít khó khăn, song những năm qua, Gia Lai đã phát huy tinh thần đoàn kết, hành động quyết liệt, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Những thành tựu đó chính là tiền đề để Gia Lai quyết tâm phấn đấu đạt thành tựu cao hơn trong thời gian tới.

Những thành tựu nổi bật

Những năm qua, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tỉnh Gia Lai cũng gặp không ít khó khăn, thách thức đan xen. Riêng năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội; biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, hạn hán, mưa bão, giông lốc, lũ lụt... gây thiệt hại, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của nhân dân toàn tỉnh, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đạt được những thành tựu quan trọng, hoàn thành đạt và vượt 16/18 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 7,83%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (đến năm 2020, tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm 36,75%, công nghiệp-xây dựng chiếm 28,74%, dịch vụ chiếm 34,51%). Quy mô kinh tế tăng đáng kể, GRDP đến năm 2020 đạt 80.990 tỷ đồng (gấp 1,65 lần so với năm 2015). Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 51,9 triệu đồng (tăng 1,5 lần so với năm 2015). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 114.403 tỷ đồng (tăng bình quân 13,95%/năm).

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tặng bằng khen cho Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10). Ảnh: Đức Thụy

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tặng bằng khen cho Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10). Ảnh: Đức Thụy

Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hình thành và phát triển các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, có tính cạnh tranh, gắn với xây dựng thương hiệu nhãn hiệu sản phẩm. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có chuyển biến rõ nét; các chỉ tiêu về giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu, tổng nguồn vốn huy động, cho vay, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đều tăng. Đầu tư công có nhiều tiến bộ, vốn được bố trí tập trung, có trọng tâm, trọng điểm.

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được chú trọng. Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp bước đầu có chuyển biến. Phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư đạt kết quả, tăng trên 5 lần số dự án và 36 lần về vốn đầu tư so với giai đoạn trước. Thành phố Pleiku được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư, thúc đẩy sự kết nối và lan tỏa giữa các địa phương.

Song song với đó, tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến năm 2020, toàn tỉnh có 88 xã và 97 thôn, làng đạt chuẩn NTM (vượt 18 xã so với mục tiêu kế hoạch đề ra); TP. Pleiku được công nhận đạt chuẩn NTM; thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa đã hoàn thành xây dựng NTM năm 2019, đang lập hồ sơ trình Chính phủ xem xét công nhận. Toàn tỉnh có 149 sản phẩm OCOP.

Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,5%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 6,25%. Duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập THCS. Trên 91% người dân tham gia bảo hiểm y tế, 90% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Có 65% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung, 95% dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh.

An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Công tác cải cách tư pháp đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí chuyển biến tích cực. Hoạt động đối ngoại của tỉnh được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định: Tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế thị trường. Tập trung phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch; phát triển khu vực kinh tế tư nhân; xây dựng năng lực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.

Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, các nguồn vốn đầu tư để phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Giữ vững quốc phòng-an ninh. Xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; năng động, sáng tạo. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc; phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên.

Đô thị Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên

Đô thị Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên

Để thực hiện được những mục tiêu cơ bản trên, Nghị quyết đã xác định việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện 5 chương trình trọng tâm gồm: Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực; Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch; Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của tỉnh về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, về giao thông đi lại với các tỉnh trong khu vực, trong những năm tới, Gia Lai sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với công nghệ tự động, thông minh; phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp; phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với chế biến, xuất khẩu. Phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Phát triển nhiều loại hình du lịch phong phú như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư mạnh mẽ. Quan tâm phát triển các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp. Huy động ngân sách, tài chính, ngân hàng, khai thác tốt các nguồn thu phục vụ cho phát triển. Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển vùng trong tỉnh, liên kết vùng khu vực Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong khai thác, sử dụng đất, nước, rừng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn.

Nhà máy của Công ty cổ phần Sản xuất bê tông 26 Gia Lai ở Khu công nghiệp Trà Đa. Ảnh: Hà Duy

Nhà máy của Công ty cổ phần Sản xuất bê tông 26 Gia Lai ở Khu công nghiệp Trà Đa. Ảnh: Hà Duy

Cùng với đó, tỉnh cũng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo. Thực hiện tốt các chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chỉ số phát triển con người, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất và đời sống. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng. Khai thác, bảo tồn và tôn tạo các di sản văn hóa tiêu biểu gắn với phát triển du lịch. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao.
Đồng thời, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong đảm bảo quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Tập trung xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ. Tăng cường công tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động; chủ động phát hiện các loại tội phạm mới, tội phạm sử dụng công nghệ cao và các vấn đề trên không gian mạng, không để bị động, bất ngờ.

Đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở đạt chuẩn về trình độ, có năng lực thực tiễn, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới việc sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đảm bảo kỷ cương hành chính, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao chất lượng tham mưu, phối hợp của các cấp, các ngành.

Chặng đường trước mắt có những thuận lợi mới và những cơ hội mới, đồng thời cũng đầy khó khăn và thách thức mới, đòi hỏi toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân trong tỉnh đoàn kết một lòng, cùng nhau nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

VÕ NGỌC THÀNH
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/581/202101/gia-lai-quyet-tam-thuc-hien-thang-loi-cac-muc-tieu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5716999/