Giả Quân Giải phóng tiến công Kon Tum

Cuối tháng 12-1974, khi đang tập trung huấn luyện chuẩn bị cho các trận đánh lớn, một số cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn bộ đội địa phương thị xã Kon Tum được điều sang Tiểu đoàn 16, Sư đoàn 10 (Binh đoàn Tây Nguyên) làm nhiệm vụ thay cho lực lượng chủ lực di chuyển khỏi xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum). Đây là địa bàn giáp ranh giữa vùng giải phóng và bị địch tạm chiếm.

Đã từng thực hiện nhiệm vụ “thay thế” vài lần, nhưng yêu cầu của lần chuyển quân này rất đặc biệt: Cán bộ, chiến sĩ địa phương phải thay đổi hoàn toàn trang phục như bộ đội chủ lực từ Bắc vào, với mũ cối, quần áo màu xanh, phải cố nói giọng Bắc. Những người đặc tiếng địa phương thì không nói hoặc hạn chế nói trong khi thực thi nhiệm vụ.

Biết được tính chất quan trọng của nhiệm vụ, là chỉ huy đại đội, U Nhiêu (sau này là Đại tá, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Kon Tum) quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ: Đây là một bước trong kế hoạch nghi binh của trên, vì vậy, mọi người phải giữ nghiêm kỷ luật, thực hiện đúng mệnh lệnh của người chỉ huy.

Trong cả tháng 2 và tuần đầu tháng 3-1975, đơn vị mới của U Nhiêu lúc nào cũng làm các động tác giả chuẩn bị tiến đánh các mục tiêu địch ở vùng phụ cận thị xã và trong nội thị. Đồng thời, tích cực tham gia cùng bộ đội, các lực lượng du kích, dân công địa phương chở vũ khí, lương thực, thực phẩm giống như chuẩn bị cho trận đánh lớn vào thị xã Kon Tum. Đơn vị còn phối hợp với người dân làm hai bến phà gỗ, cho chiến sĩ giả vờ vào tìm “người thân" trong khu vực tạm chiếm để tranh thủ phao tin Quân Giải phóng sắp đánh lớn vào thị xã Kon Tum.

Cùng lúc đó, các đơn vị đứng chân trên địa bàn cũng thực hiện di chuyển các loại pháo hạng nặng có tầm bắn xa và sức công phá lớn (trong đó phần lớn là pháo 130mm giả) tới các vị trí, thỉnh thoảng lại cơ động tới lui. Các đơn vị xe tăng, xe xích kéo pháo, xe vận tải được tổ chức cơ động liên tục suốt ngày đêm quanh phòng tuyến để gây chú ý. Để khiến địch tin tưởng hơn, ta còn tổ chức cho người dân các xã vùng giải phóng làm nhiều cờ, hoa, biểu ngữ với nội dung chuẩn bị chào mừng Kon Tum được giải phóng. Chính vì vậy, địch đã bị lừa, hút hoàn toàn lên hướng Pleiku, Kon Tum. Do đó, khi Chiến dịch Tây Nguyên chính thức mở màn vào Buôn Ma Thuột, nơi đây hoàn toàn bị cô lập và chỉ sau 32 giờ đồng hồ đã bị thất thủ.

VĂN CHIỂN (Theo Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Kon Tum)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/gia-quan-giai-phong-tien-cong-kon-tum-611168