Gia tăng bệnh nhi mắc vi-rút hợp bào hô hấp

Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản – Nhi hiện đang tiếp nhận điều trị nhiều trẻ mắc vi-rút hợp bào hô hấp (RSV), trong đó có nhiều trẻ dưới 1 tuổi.

 Nhiều bệnh nhi mắc vi-rút hợp bào hô hấp.

Nhiều bệnh nhi mắc vi-rút hợp bào hô hấp.

Bệnh nhi Nguyễn Phúc K., 8 tháng tuổi, ở phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) được gia đình đưa vào viện trong tình trạng sốt, ho nhiều đờm, thở khò khè, rút lõm lồng ngực nhẹ… Bác sĩ chỉ định thực hiện test nhanh và cho kết quả trẻ dương tính với vi-rút hợp bào hô hấp.

Nhiều bệnh nhi ở các huyện Bảo Thắng, Bát Xát, Văn Bàn... cũng đến điều trị tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh do nhiễm vi-rút này. Bệnh nhi Vũ Hải Đ., 4 tháng tuổi, ở xã Tân An (Văn Bàn) sau khi điều trị kháng sinh tại nhà 3 ngày chẳng những không đỡ mà còn tăng nặng các triệu chứng nên gia đình đã nhanh chóng đưa em đến Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh. Sau khi khám, thực hiện test nhanh, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm phế quản phổi do RSV.

 Trẻ nhỏ điều trị tại Khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.

Trẻ nhỏ điều trị tại Khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.

Những bệnh nhi mắc vi-rút RSV được sắp xếp điều trị tại khu vực riêng. Chị Nguyễn Thanh Hoa, ở Phong Hải (Bảo Thắng) chăm con nhỏ 1,5 tháng tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh chia sẻ: Ban đầu, con chỉ khò khè, tôi nghĩ con bị cảm cúm nên mua thuốc về cho uống nhưng không thuyên giảm. Sau đó, con sốt cao 39 độ C, tôi vội đưa con nhập viện điều trị. Sau khi được bác sĩ thông báo con mắc vi-rút hợp bào hô hấp, tôi rất bất ngờ bởi lần đầu tiên nghe đến vi-rút này.

 Triệu chứng sốt, khò khè của bệnh nhi đã giảm sau điều trị.

Triệu chứng sốt, khò khè của bệnh nhi đã giảm sau điều trị.

Đa số bệnh nhi nhiễm vi-rút RSV đều đã uống kháng sinh tại nhà không đỡ mới được gia đình đưa đến bệnh viện. Chị Cao Ngọc Anh, phường Bắc Lệnh (thành phố Lào Cai) chia sẻ: Tôi ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con uống nhưng con ngày càng có biểu hiện khó thở, nhiều dịch mũi. Tôi đã được bác sĩ tuyên truyền không nên tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị mà phải đưa con đến cơ sở y tế khám, chẩn đoán nguyên nhân mắc bệnh và có phác đồ điều trị cụ thể thì con mới sớm khỏi bệnh.

 Nước sát khuẩn tay được bố trí trước buồng bệnh.

Nước sát khuẩn tay được bố trí trước buồng bệnh.

Vi - rút hợp bào hô hấp RSV (respiratory syncytial virus) là một loại vi rút gây nhiễm trùng phổi và đường hô hấp, gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi.

Bác sĩ Nguyễn Hà Trang, Khoa Truyền nhiễm cho biết: Giao mùa, số lượng trẻ mắc vi-rút hợp bào hô hấp tăng lên. Thời điểm đông nhất, Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận điều trị 30 bệnh nhi. Hiện khoa đang có 5 phòng với 20 giường bệnh sắp xếp cho bệnh nhi mắc RSV, tránh lây nhiễm chéo sang bệnh nhi khác.

 Nhiều trẻ dưới 1 tuổi nhiễm vi-rút hợp bào hô hấp.

Nhiều trẻ dưới 1 tuổi nhiễm vi-rút hợp bào hô hấp.

Vi-rút RSV có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua nhiều nguyên nhân: Dịch tiết đường hô hấp bị nhiễm vi rút (ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp); tiếp xúc gián tiếp qua quần áo, vật dụng của người bị bệnh, bàn tay người bệnh sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng; tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người nhiễm RSV thông qua thơm, hôn hoặc mớm thức ăn...

Các triệu chứng nhiễm RSV giống cảm lạnh trong 1 - 3 ngày đầu, tuy nhiên bệnh có thể tiến triển nặng hơn sau vài ngày. Biểu hiện lâm sàng hay gặp sau nhiễm RSV là: Chảy nước mũi trong, keo dính; giảm cảm giác thèm ăn, ho, hắt hơi, sốt và thở khò khè. Những đối tượng có nguy cơ bệnh tiến triển nặng là trẻ sinh non, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi; trẻ nhỏ dưới 2 tuổi mắc bệnh tim hoặc phổi bẩm sinh; trẻ em bị suy giảm hệ miễn dịch, người cao tuổi…

 Tiêm vắc xin giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Tiêm vắc xin giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Hà Trang cho biết thêm: Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với nhiễm trùng do vi-rút RSV. Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin được khuyến cáo; đảm bảo chế độ dinh dưỡng, tránh để trẻ tiếp xúc với những người có dấu hiệu mắc bệnh như sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi,...; tránh đưa trẻ tới nơi đông người; hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch. Hơn hết, cha, mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị, tránh xảy ra biến chứng không mong muốn.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/gia-tang-benh-nhi-mac-vi-rut-hop-bao-ho-hap-post374451.html