Gia tăng bệnh nhi viêm đường hô hấp tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam

Tính đến cuối tháng 11, tổng số ca nhập viện điều trị viêm đường hô hấp ở trẻ em tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang gia tăng. Hiện tổng số ca tử vong là 166 ca.

Ca nhập viện và tử vong tăng

Sở Y tế TP.HCM vừa có báo cáo tình hình thu dung, điều trị bệnh viêm đường hô hấp (VHH) ở trẻ em tại TP.HCM.

Theo đó, tính từ ngày 1 – 30/11 tại 4 bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhi Đồng Thành phố, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, tình hình thu dung, điều trị bệnh VHH ở trẻ em đều đang gia tăng. Đặc biệt, tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi đã tiếp nhận nhiều trường hợp do các bệnh viện tỉnh, thành phố khu vực phía Nam chuyển về.

Cụ thể, tổng số ca khám ngoại trú VHH ở trẻ em là 394.477 ca, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2022 (404.838 ca). Trong đó, trẻ em có địa chỉ tại TP.HCM là 147.390 ca (chiếm 37,4%), trẻ em có địa chỉ tại các tỉnh là 247.447 ca (chiếm 62,7%).

Tuy nhiên, tổng số ca nhập viện điều trị VHH ở trẻ em là 44.471 ca, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2022 (32.585 ca). Trong đó, trẻ em có địa chỉ tại TP.HCM là 14.130 ca (chiếm 31,8%), trẻ em có địa chỉ tại các tỉnh là 30.341 ca (chiếm 68,2%).

Ngoài ra, tổng số ca tử vong ở trẻ nhập viện điều trị VHH là 166 ca (tỷ lệ phần trăm tử vong là 0,37%). Trong đó, trẻ em có địa chỉ tại TP.HCM là 24 ca (chiếm 14,5%), trẻ em có địa chỉ tại các tỉnh là 142 (chiếm 85,5%). Đa phần các trường hợp tử vong là những bệnh nhi có kèm bệnh nền như: Dị tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, bại não, hội chứng Down, bệnh phổi mạn, bệnh chuyển hóa, lupus đỏ hệ thống…

Đặc biệt, 10 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam có tỷ lệ chuyển tuyến cao nhất đến 4 bệnh viện tuyến cuối điều trị VHH trẻ em gồm: Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Gia Lai, Lâm Đồng, Tây Ninh, Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An.

Tổng số ca nhập viện và tử vong do bệnh viêm đường hô hấp, Sở Y tế TP.HCM đưa ra nhiều khuyến cáo.

Tổng số ca nhập viện và tử vong do bệnh viêm đường hô hấp, Sở Y tế TP.HCM đưa ra nhiều khuyến cáo.

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo

Nhằm chủ động tăng cường các giải pháp phòng ngừa, nâng cao chất lượng điều trị, hạn chế bùng phát dịch bệnh, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động rà soát các nguồn lực, củng cố hoạt động của các khoa, đơn vị điều trị bệnh lý hô hấp nhi, dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế… nhằm đảm bảo kịp thời tiếp nhận điều trị người bệnh.

Ngoài ra, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần lưu ý các triệu chứng chẩn đoán sớm và các dấu hiệu cảnh báo nặng. Đặc biệt là trên nhóm đối tượng trẻ em có bệnh lý nền cần phải hội chẩn với chuyên gia hô hấp nhi của Sở Y tế để có phương án điều trị phù hợp hoặc chuyển người bệnh đến 3 bệnh viện chuyên khoa nhỉ để tiếp tục điều trị.

Theo Sở Y tế TP.HCM, bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố cần tăng cường vai trò chỉ đạo tuyến, tổ chức giao ban định kỳ và hội chẩn từ xa về các ca bệnh nặng để nâng cao năng lực điều trị cho các cơ sở khám, chữa bệnh của TP.HCM và khu vực phía Nam, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối của các tỉnh, đảm bảo người bệnh được điều trị sớm và kịp thời tại địa phương. Đồng thời đề nghị các tỉnh, thành phố hạn chế tối đa tình trạng chuyển viện không an toàn, đặc biệt đối với người bệnh nặng diễn biến nhanh, nguy kịch.

Song song đó, Sở Y tế giao các bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối của TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố phối hợp với OUCRU nghiên cứu, phân tích về tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nhằm củng cố các bằng chứng y khoa phục vụ trong công tác điều trị và dự phòng bệnh. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, dự phòng các bệnh VHH ở trẻ em áp dụng chung tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn.

Với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống cúm mùa và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Khuyến cáo về công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh VHH cho đối tượng trẻ em và người có nguy cơ cao. Đồng thời đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do vi rút, các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng, kịp thời tham mưu cho Sở Y tế các biện pháp can thiệp phù hợp, hiệu quả.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/gia-tang-benh-nhi-viem-duong-ho-hap-tai-tphcm-va-cac-tinh-phia-nam-d205156.html