Gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết

Theo Bộ Y tế, thời tiết khí hậu nóng ẩm cùng với việc giao lưu đi lại là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh tiếp tục gia tăng, bùng phát, đặc biệt là sốt xuất huyết. Tại buổi tập huấn cho hơn 1.000 y, bác sĩ về phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết nặng tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 33.000 ca mắc sốt xuất huyết; số ca mắc cao và hiện đang tập trung tại các tỉnh phía nam.

Liên tục ghi nhận các ca mắc mới

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP. Hồ Chí Minh, so với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết nặng tăng gấp 5 lần, đặc biệt số mắc bệnh nhiều nhất là ở trẻ em trên 5 tuổi. Theo đó, 4 tháng đầu năm 2022, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 8.481 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021 (6.639 ca). Trong tuần 20 (từ ngày 13 - 19.5), ghi nhận 943 ca sốt xuất huyết, tăng 156 ca (20%) so với trung bình 4 tuần trước. Các ổ dịch mới được ghi nhận nhiều ở Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn, quận 12, Tân Phú, Bình Tân, quận 8...

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh thời gian gần đây cũng tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết; có thời điểm 90% bệnh nhân nằm ở Khoa Nhi điều trị sốt xuất huyết. Có trường hợp trẻ sốt cao, người thân nghi ngờ bị Covid-19 nên tự cách ly tại nhà; cá biệt, đã có trường hợp nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết với sốt phát ban nên tự điều trị sai cách.

Không chỉ ở các tỉnh phía Nam, theo báo cáo của CDC TP. Hà Nội, trong tuần qua (tính từ ngày 14.5 đến 20.5) số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng so với những tuần trước đó. Cụ thể, vào đầu tháng 5.2022, trên địa bàn thành phố trung bình ghi nhận từ 2 - 5 ca sốt xuất huyết mỗi tuần. Đến cuối tháng, số ca mắc đã tăng lên từ 8 đến 15 ca/tuần. Riêng tuần từ ngày 14.5 đến 20.5, Hà Nội ghi nhận 15 ca mắc sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện (Ba Đình, Ba Vì, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Mê Linh, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phúc Thọ), tăng 7 ca so với tuần trước đó.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết phải nhập viện cũng bắt đầu tăng. Tuy số lượng bệnh nhân chưa cao đột biến nhưng đa phần các bệnh nhân đều vào viện trong tình trạng nặng. Nguyên nhân là do nhiều bệnh nhân nghi mình mắc Covid-19 và tiêm 3 mũi vaccine nên chủ quan, khi sốt cao tới ngày thứ 3 mới vào viện thì tiểu cầu đã giảm sâu. Trong khi đó, một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất là giảm tiểu cầu, gây ra tình trạng rối loạn đông máu, chảy máu ở nhiều nơi, gây ra xuất huyết não, đường tiêu hóa.

Tương tự, tại Đà Nẵng, CDC thành phố cũng ghi nhận những tuần gần đây, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn có xu hướng gia tăng và xuất hiện thêm nhiều ổ bệnh nhỏ. Từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng ghi nhận khoảng 1.400 ca sốt xuất huyết với khoảng 100 ổ bệnh, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ. Địa phương có số ca mắc tăng gồm quận Sơn Trà, quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang...

Cảnh báo dịch bệnh sốt xuất huyết đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp
Nguồn: ITN

Điều chỉnh quy trình sàng lọc, phân loại bệnh nhân

Đánh giá về dịch sốt xuất huyết, GS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý những yếu tố bùng phát dịch. Cụ thể, sốt xuất huyết trở thành dịch khi mất cân bằng 3 yếu tố: tác nhân gây bệnh (virus sốt xuất huyết), véc tơ truyền bệnh (muỗi vằn) và khối cảm thụ (con người). Trong năm 2022, nếu không kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc, thường xuyên đối với muỗi vằn, thì nguy cơ dịch bùng phát rất lớn.

Mặc dù hiện chưa có ghi nhận bất thường về chủng virus gây bệnh sốt xuất huyết nhưng các giám sát cho thấy, mật độ loăng quăng, muỗi truyền bệnh tăng cao; sự giao lưu đi lại lớn rất dễ khiến sốt xuất huyết lây lan và bùng phát. Theo một số chuyên gia, 2 năm qua cả nước đã trải qua đại dịch Covid-19 và người dân không tránh khỏi tâm lý chủ quan, lơ là với các bệnh khác; còn một bộ phận người dân chưa quan tâm, chưa nhận định đúng về sự nguy hiểm của dịch bệnh sốt xuất huyết.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cần đặc biệt lưu ý, dịch cao phân tử điều trị sốt xuất huyết đang rất hiếm, ngay cả các bệnh viện nhi và Sở Y tế cũng lo lắng. Loại dung dịch này hiện khó tiếp cận để phục vụ đầy đủ cho bệnh nhân; nguồn nhập khẩu rất khó khăn, phải đặt hàng, do đó, cần tăng cường hội chẩn và chuyển tuyến trên. Do đó, các bệnh viện tuyến dưới phải phát hiện sốt xuất huyết sớm, nhận biết sốc và điều trị theo phác đồ; tập huấn cho bác sĩ trẻ, nên lập các nhóm để hội chẩn, hỗ trợ từ xa và chuyển viện tuyến trên ngay ca bệnh nặng để hạn chế tối đa ca tử vong.

Để chủ động cho công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa đề nghị, các cơ sở y tế thực hiện rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh sốt xuất huyết Dengue. Bố trí phòng khám lại, thời gian khám lại các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue vào các khung giờ phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh sốt xuất huyết Dengue và người bệnh khác.

Đặc biệt, các bệnh viện cần tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết Dengue đang nằm nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh có diễn biến nặng lên. Đồng thời, ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết, tăng cường củng cố và duy trì hoạt động của "Nhóm điều trị sốt xuất huyết" và "Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue" tại các đơn vị khám, chữa bệnh, để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.

Thảo Mộc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-in/gia-tang-so-ca-mac-sot-xuat-huyet-i290674/