Gia tăng tình trạng sinh con thứ 3 trên địa bàn tỉnh

Tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 5.066 trẻ sinh ra, trong đó có 511 trường hợp sinh con thứ 3 (chiếm 10,1%), tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện nay, những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả có xu hướng sinh con thứ 3. Đây là một thách thức lớn đối với ngành Dân số của tỉnh.

Cán bộ Trạm y tế xã Mai Hạ (Mai Châu) tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, trẻ em gái.

Cán bộ Trạm y tế xã Mai Hạ (Mai Châu) tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, trẻ em gái.

Qua khảo sát tại huyện Lương Sơn cho thấy, tình trạng sinh con thứ 3 đang diễn biến phức tạp. 6 tháng đầu năm, toàn huyện có 593 trẻ sinh, trong đó có tới 111 trường hợp sinh con thứ 3, đặc biệt là có tới 4 đảng viên sinh con thứ 3 (tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2018). Tình trạng sinh con thứ 3 không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, vùng sâu, xa mà diễn ra tại tất cả các xã trên địa bàn huyện. Một số xã có nhiều trường hợp sinh con thứ 3 như: Hòa Sơn 13 trường hợp, Tiến Sơn 12 trường hợp, Nhuận Trạch, Trung Sơn, Cao Dương, thị trấn Lương Sơn đều có 9 trường hợp sinh con thứ 3.

Hiện nay, tình trạng sinh con thứ 3 diễn ra tại tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh và có xu hướng tăng mạnh. Một số huyện có tới 90% số xã xảy ra tình trạng sinh con thứ 3. Các huyện: Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Yên Thủy, Cao Phong… có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng sinh con thứ 3 như: tư tưởng "trọng nam, khinh nữ”, quan niệm phải có con trai nối dõi tông đường còn khá nặng nề ở nhiều gia đình. Đời sống người dân được nâng cao, kinh tế phát triển, có gia đình đủ con trai, con gái nhưng vẫn muốn sinh thêm con cho "vui cửa, vui nhà” và đề phòng tai nạn, rủi ro. Bên cạnh đó, hình thức xử lý vi phạm còn nhẹ, thiếu sự thống nhất. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về chính sách DS-KHHGĐ chưa đầy đủ, còn hạn chế. Hình thức kỷ luật chỉ dừng ở mức khiển trách, kéo dài thời gian nâng lương nên không đủ sức răn đe. Họ cố tìm cách "lách luật” và sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật để sinh thêm con. Bên cạnh đó, kinh phí giành cho chương trình dân số rất ít; thù lao cho cộng tác viên dân số thấp. Một số cấp ủy, chính quyền còn xem nhẹ công tác DS-KHHGĐ, chưa nhận thức đúng, đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác dân số và phát triển.

Tình trạng sinh con thứ 3 trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng dân số. 6 tháng đầu năm, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh là 113,8 nam/100 nữ, cao hơn mức trung bình quốc (toàn quốc là 112,8 nam/100 nữ). Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn tới thừa nam, thiếu nữ. Nhiều phụ nữ mang thai ở độ tuổi cao ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ. Đối với những gia đình kinh tế khó khăn, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ không đảm bảo ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc phát triển của trẻ. Hơn nữa, dân số phát triển không hợp lý, mất ổn định về quy mô tạo áp lực lớn đối với giáo dục, y tế, lao động, việc làm và giải quyết an sinh xã hội.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Phương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ chia sẻ: Hiện nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn tỉnh là vấn đề tồn tại và khó giải quyết của ngành Dân số. Để từng bước giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, trong thời gian tới, các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chính sách dân số; vận động mỗi gia đình dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt và giúp mọi nhà thông suốt tư tưởng, giải tỏa tâm lý định kiến giới. Các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm chính sách dân số. Tích cực tuyên truyền về bình đẳng giới, đề cao vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội. Ưu tiên hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái trong học tập và tìm việc làm.

Thu Thủy

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/130425/gia-tang-tinh-trang-sinh-c111n-thu-3-tren-dia-ban-tinh.htm