Giá thép tiếp tục giảm mạnh: Do giá nguyên liệu thép đang trong xu hướng giảm

Hàng loạt doanh nghiệp thép vừa tiếp tục thông báo điều chỉnh giảm mạnh giá các sản phẩm thép sau một thời gian ngắn ổn định. Đây là lần điều chỉnh giảm giá thứ hai trong tháng này, sau phiên giảm ngày 9/6.

Giá thép lại có chiều hướng giảm nhanh.

Theo đó, giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam vừa được điều chỉnh xuống mức 16,6 triệu đồng – 16,7 triệu đồng/tấn, thép cây D10 ở mức 16,8 triệu đồng – 16,9 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thép Việt Đức tại miền Bắc và miền Trung cũng thông báo giảm mạnh giá bán, thép cuộn CB240 ở mức trên 16,6 triệu đồng – 17 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 ghi nhận ở mức giá 16,9 triệu đồng – 17,3 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Việt Ý tại miền Bắc thông báo điều chỉnh giảm giá bán với thép cuộn CB240 giảm xuống mức 16,7 triệu đồng/tấn; thép D10 CB300 có giá trên 16,8 triệu đồng/tấn.

Thép Kyoei tại miền Bắc với dòng thép cuộn CB240 ổn định ở mức 16,6 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 có mức giá 17 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu Thép Mỹ tại miền Bắc với dòng thép cuộn CB240 ở mức trên 16 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 hiện có giá là 17,1 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Pomina tại miền Trung và miền Nam với dòng thép cuộn CB240 ở mức trên 16,1 triệu đồng – gần 16,3 triệu đồng/tấn; thép thanh D10 CB300 có mức giá 17 triệu đồng – trên 17,1 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Tungho tại miền Nam với dòng thép cuộn CB240 ở mức 16,5 triệu đồng/tấn; thép D10 CB300 ở mức trên 16,6 triệu đồng/tấn

Như vậy, sau một thời gian ngắn giữ ổn định, giá thép xây dựng trong nước tiếp tục giảm mạnh, so với thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2021, giá thép xây dựng đã giảm khoảng 750 nghìn đồng/tấn – 1,5 triệu đồng/tấn (tùy theo thương hiệu và sản phẩm).

Đây là lần thứ 2 một số doanh nghiệp thép tiến hành giảm giá sau phiên giảm vào ngày 9/6. Qua hai lần giảm, hiện giá thép vẫn còn cao, theo đó giá thép vẫn còn giá xuất xưởng quanh mốc 17.000 đồng/kg (chưa VAT).

Nguyên nhân dẫn đến việc giá thép trong nước đồng loạt giảm được xác định là do giá nguyên liệu (quặng sắt, phôi, than cốc...) đang trong xu hướng giảm. Các loại nguyên liệu này chiếm khoảng 70-80% giá thành thép sản xuất trong nước.

Trên thị trường thế giới, giá thép có xu hướng giảm trong nhiều phiên gần đây. Chốt phiên giao dịch ngày 21/6, giá thép giao kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Thượng Hải tiếp tục giảm 74 Nhân dân tệ, xuống mức 5.003 Nhân dân tệ/tấn.

Giá thép thanh vằn tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc ngày 22/6 ở mức 4.795 nhân dân tệ/tấn (742,4 USD/tấn), giảm 79 nhân dân tệ/tấn (12,2 USD)/tấn), tương đương với 1,6% so với ngày 21/6, giảm 1,2% so với tuần trước và 3,3% so với tháng trước.

Đến ngày 23/6, giá thép tăng nhẹ lên mức 4.876 nhân dân tệ/tấn trên Sàn giao dịch Thượng Hải.

Giá thép tại Trung Quốc giảm sau động thái của chính phủ Trung Quốc về việc điều tra đầu cơ quặng sắt, nguyên liệu chính trong quá trình sản xuất thép. Giá quặng theo đó cũng giảm mạnh ngay sau động thái trên của Trung Quốc.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 21/6, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, cơ quan lập chiến lược kinh tế hàng đầu của nước này, cho biết họ sẽ điều tra các hoạt động đầu cơ trên thị trường quặng sắt và “trừng phạt nghiêm khắc” các hành vi sai phạm.

Động thái này đánh dấu bước đi mới nhất của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhằm hạ nhiệt hàng hóa tăng giá cao trong thời gian qua. Hàng hóa tăng giá đẩy chi phí tại các nhà máy sản xuất của Trung Quốc lên cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đe dọa siết chặt lợi nhuận của ngành thép.

Thanh Thư

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-thep-tiep-tuc-giam-manh-do-gia-nguyen-lieu-thep-dang-trong-xu-huong-giam-post140610.html