Giá vàng tăng sốc lên gần 65 triệu đồng, có nên chốt lời ngay lúc này?

Sáng nay, giá vàng miếng liên tục nhảy số, tăng vọt gần một triệu đồng mỗi lượng và ghi nhận mức chưa từng có 64,8 triệu đồng.

Các nhà vàng điều chỉnh giá vàng miếng gần chục lần chỉ trong vòng một giờ từ lúc mở cửa sáng 24/2. Tới 9h50, Công ty Vàng bạc đá quý SJC yết giá vàng miếng tại 64,1– 64,8 triệu đồng một lượng, tăng 800.000 đồng chiều mua vào và 900.000 đồng chiều bán ra so với cuối chiều qua.

Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, giá vàng miếng cũng nhảy lên 63,9 – 64,7 triệu đồng một lượng. So với cuối chiều qua, nhà vàng này tăng 700.000 đồng chiều mua vào và 900.000 đồng chiều bán ra. Chênh lệch mua bán được đẩy lên 800.000 đồng một lượng.

Còn vàng nhẫn SJC loại 99,999 từ 1 - 2 chỉ được mua vào 54,35 triệu đồng/lượng và bán ra 55,05 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng so với hôm qua. Mức chênh lệch mua bán của vàng nhẫn SJC được duy trì ở mức 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng trong nước nhiều lần tạo đỉnh mới trong vòng một tháng qua. Nếu so với mức đỉnh 62,4 triệu từng được thiết lập vào cơn sốt vàng 8/2020, mức giá hiện tại cao hơn 3,85%. Còn tính trong một năm qua, người nắm vàng miếng ghi nhận mức sinh lời gần 14,7% .

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Giá vàng thế giới đầu ngày lên 1.913,2 USD/ounce, cộng thêm hơn 21 USD so với cuối ngày hôm qua. Quy đổi tương đương, vàng thế giới có giá 53 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Hiện mỗi lượng vàng miếng SJC cao hơn thế giới khoảng 11,25 triệu đồng/lượng.

Vàng đã tăng giá mạnh trong mấy tuần gần đây và có lúc đạt đỉnh của gần 9 tháng khi nhà đầu tư gom mạnh kim loại quý để phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.

Các nhà đầu tư hiện đang xem xét liệu yếu tố bất ổn địa chính trị đã đạt đến đỉnh điểm hay chưa, đồng thời xem xét về góc độ thị trường để có thể đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn. Thực tế cho thấy, thị trường nhiều lần phản ứng thái quá với các sự kiện địa chính trị lớn trong giai đoạn đầu của các sự kiện đó.

Trưởng nhóm phân tích thị trường tại Exinity, ông Han Tan nói: "Nếu lo ngại về căng thẳng địa chính trị lắng xuống, điều đó sẽ khiến đường lối thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trở thành động lực chính của vàng, với việc lợi tức kho bạc thực tế tăng cao hơn nữa có khả năng làm giảm chi phí rủi ro địa chính trị hiện đang áp vào giá vàng".

Nhà đầu tư ngoài mua vàng vì rủi ro địa chính trị còn lựa chọn kim loại quý để phòng ngừa lạm phát do giá năng lượng tăng vọt.

Giám đốc điều hành Heraeus Precious Metals, André Christi, phát biểu trên Reuters rằng vàng vẫn là tài sản an toàn và bảo đảm trước những rủi ro địa chính trị và nguy cơ lạm phát cao kéo dài cũng là yếu tố tích cực đối với vàng.

Thị trường khá chờ đợi cuộc họp G7 vào hôm nay (24/2) và những diễn biến địa chính trị xung quanh cuộc xung đột Nga-Ukraine. Hiện tại, dòng tiền chạy tới tài sản an toàn vẫn là chủ đạo.

Nghệ sĩ Thương Tín tâm sự sau những ồn ào đã qua

Tường Vy (t/h)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-vang-tang-soc-len-gan-65-trieu-dong-co-nen-chot-loi-ngay-luc-nay-172220224105025371.htm