Giải mã 'cơn sốt' tăng điểm chuẩn đánh giá năng lực vào đại học

Nhiều ngành đại học có điểm chuẩn đánh giá năng lực năm 2024 tăng và ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Những ngày qua, các trường đại học (ĐH) tại TP.HCM đã lần lượt công bố kết quả trúng tuyển sớm ở phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2024. Trong đó, ghi nhận nhiều ngành có điểm chuẩn cao kỷ lục.

Điểm chuẩn tăng mạnh ở nhiều ngành

Theo công bố của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), điểm chuẩn vào 29 ngành ĐH chính quy của trường năm nay dao động từ 630 đến 1.052, thang điểm 1.200. Chỉ tiêu của trường cho phương thức đánh giá năng lực chiếm 35-50% trong tổng số hơn 4.000 chỉ tiêu.So với năm trước, điểm chuẩn năm nay tăng hơn.

Trong đó, có hai ngành lập kỷ lục với điểm chuẩn cao nhất trong 109 trường ĐH-CĐ sử dụng phương thức này và cũng cao nhất trong 7 năm qua. Đó là ngành Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) với 1.052 điểm (tăng 17 điểm), kế đến là ngành Trí tuệ nhân tạo với 1.032 điểm (tăng 31 điểm).

Ngoài ra, ngành Khoa học dữ liệu đạt 980 điểm (tăng 30 điểm), ngành Máy tính và Công nghệ thông tin 945 điểm (tăng 5 điểm).

Mức điểm tăng đáng chú ý khác là tại Trường ĐH Sài Gòn. Cả 30 ngành của trường này có điểm chuẩn dao động từ 732 đến 926 điểm, đây là mức điểm cao nhất trong các năm qua. So với năm trước, ngành tăng cao nhất là Tâm lý giáo dục với 101 điểm, tức từ 729 điểm tăng lên 830 điểm.

Đáng chú ý, có đến 25 ngành học có điểm chuẩn ĐGNL trên 800. Trong đó, hai ngành có điểm trúng tuyển cao nhất là Kỹ thuật phần mềm với 926 điểm (tăng 91 điểm), Toán ứng dụng với 902 điểm (tăng 72 điểm). Kế đến là Kinh doanh quốc tế 898 điểm (tăng 64 điểm), Công nghệ thông tin với 889 điểm (tăng 62 điểm), Công nghệ kỹ thuật điện - điện từ với 882 điểm...

Tương tự, theo công bố của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm nay trường tuyển 35-50% chỉ tiêu cho xét điểm thi ĐGNL. Kết quả, 12/44 ngành đạt điểm chuẩn trên 800 điểm. Trong đó, dẫn đầu là ngành Truyền thông đa phương tiện với 963 điểm, tăng 53 điểm so với năm trước. Kế đến là Tâm lý học 887 điểm (tăng 22 điểm), Ngôn ngữ Anh 882 điểm (tăng 32 điểm)…

Trường ĐH Kinh tế - Luật cũng có phổ điểm chuẩn ĐGNL đáng chú ý năm nay khi điểm trung bình đủ điều kiện trúng tuyển là 874.

Trong 33 ngành/chuyên ngành đào tạo tại trường, có 6 ngành/chuyên ngành đào tạo có điểm trên 900, 29 ngành/chuyên ngành trên 800 điểm. Và cao nhất là Thương mại điện tử với mức 945 điểm.

Đặc biệt, thí sinh Nguyễn Anh Thịnh (Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành, Trà Vinh) đạt 1.043 điểm, là thí sinh có điểm đánh giá năng lực cao nhất vào trường ở ngành Kinh tế quốc tế (chuyên ngành Kinh tế đối ngoại).

Tại ĐH Kinh tế TP.HCM, tất cả 54 ngành đào tạo của ĐH này có mức điểm trúng tuyển ĐGNL đều cao, từ 800-995, ngành tăng cao nhất là 40 điểm. Dẫn đầu là ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

 Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2024. Ảnh: TS

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2024. Ảnh: TS

Phổ điểm cao, sức hút vào ngành hot tăng

Theo thông tin từ ĐH Quốc gia TP.HCM và ghi nhận từ các trường ĐH có sử dụng điểm đánh giá năng lực để xét tuyển, nguyên nhân chính dẫn đến điểm chuẩn năm nay tăng do lượng TS dự thi tăng cao và phổ điểm thi cũng tăng mạnh, nhất là mức điểm từ 700 trở lên.

Như theo thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM, năm nay, có 104.843 TS dự thi ĐGNL ở cả 2 đợt, tăng hơn 3.000 em so với năm 2023. Đây là năm có số TS dự thi cao nhất trong 7 năm tổ chức.

Trong đó, số TS đạt trên 900 điểm lên tới 4.654 em, nhiều hơn năm trước hơn 2.000 em. Số TS đạt điểm trên 1.000 là 370 em, tăng hơn 124 em.

Và năm nay có 43.498 TS đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung với 68 trường ĐH-CĐ của ĐH Quốc gia TP.HCM, tăng 8,5% so với năm ngoái. Trong đó, 32.898 TS đăng ký vào các đơn vị thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, với 215.715 nguyện vọng, tăng 13,5%.

Thể hiện rõ nhất tại Trường ĐH Kinh tế - Luật, theo Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên, năm nay, trường nhận được hơn 13.500 TS đăng ký xét điểm thi ĐGNL với hơn 31.300 nguyện vọng, tăng 18% so với năm 2023. Đây cũng là trường có số TS đăng ký nhiều nhất trên hệ thống chung năm nay.

Cùng với đó là phổ điểm thi ĐGNL có xu hướng lệch phải (tức là số lượng TS đạt điểm cao nhiều – PV) nên theo Thạc sĩ Tiến, mặt bằng chung điểm chuẩn năm nay tăng hơn so với năm trước.

Riêng Trường ĐH Kinh tế - Luật, điểm chuẩn tăng mạnh, trong đó tăng cao nhất là ngành Toán kinh tế và ngành Digital marketing với mức tăng 70 điểm so với năm 2023.

Ngoài ra, số TS trúng tuyển theo phương thức này là những em thuộc tốp 25% thí sinh có điểm cao nhất kỳ thi ĐGNL năm nay.

Lý giải điểm chuẩn một số ngành cao kỷ lục, Thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó Trưởng phòng Thông tin - truyền thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên cho rằng số TS đăng ký xét tuyển vào các ngành học của trường năm nay chỉ tương tự năm 2023.

Tuy nhiên, đối với ngành cao điểm nhất là ngành Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) với 1.052 điểm vì chương trình này tuyển chọn các bạn có thành tích học tập xuất sắc và chỉ tiêu tuyển sinh không nhiều nên đây luôn là chương trình có điểm chuẩn cao nhất trong nhiều năm gần đây.

Bên cạnh đó, theo Thạc sĩ Tú, một số ngành có điểm chuẩn tăng cao là ngành mới mở và được đánh giá có triển vọng trong tương lai như Thiết kế vi mạch, Công nghệ bán dẫn… Do sức hút lớn từ nhiều TS nên đây cũng là các ngành có điểm chuẩn tăng đột biến ở các phương thức xét tuyển sớm khác.

Ngược lại, bên cạnh số TS dự thi và phổ điểm ĐGNL tăng, ở một số trường, chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM ít nên điểm chuẩn được đẩy lên cao.

Đơn cử như ĐH Kinh tế TP.HCM năm nay tuyển hơn 8.500 chỉ tiêu nhưng chỉ dành khoảng 10% trong số đó cho xét điểm ĐGNL, Trường ĐH Sài Gòn xét 15% chỉ tiêu…

Kết quả trúng tuyển sớm chưa phải trúng tuyển chính thức

Theo quy định của Bộ GD&ĐT năm 2024, chậm nhất 17 giờ ngày 10-7, các cơ sở đào tạo hoàn thành công tác xét tuyển sớm (xét học bạ, sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ…) và thông báo kết quả cho TS.

Đồng thời cập nhật danh sách TS đủ điều kiện trúng tuyển lên hệ thống. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả tạm thời.

Để được công nhận trúng tuyển chính thức, TS phải được công nhận tốt nghiệp THPT. Đồng thời phải thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trong thời gian từ 18-7 đến 17 giờ ngày 30-7.

Khi đó, trong số các ngành/chương trình đã trúng tuyển sớm, TS muốn nhập học ngành/chương trình nào thì đặt ngành/chương trình đó ở nguyện vọng 1.

Sau đó, hệ thống sẽ thực hiện lọc ảo và trả về kết quả trúng tuyển chính thức vào trước 17 giờ ngày 19-8.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-ma-con-sot-tang-diem-chuan-danh-gia-nang-luc-vao-dai-hoc-post798871.html