Giải mã nguyên nhân khó xác thực sinh trắc học

Vào những ngày đầu thực hiện yêu cầu xác thực sinh trắc học trong giao dịch ngân hàng, rất nhiều khách hàng gặp khó khăn ở bước quét chip gắn trên căn cước công dân, xác thực khuôn mặt...

Khách hàng thực hiện xác thực sinh trắc học tại TPBank. Ảnh: Dũng Minh

Khách hàng thực hiện xác thực sinh trắc học tại TPBank. Ảnh: Dũng Minh

Từ nghẽn mạng do quá tải...

Ngay trong ngày đầu thực hiện việc cung cấp dữ liệu để xác thực sinh trắc học, hàng loạt khách hàng của các ngân hàng phản ánh rằng, họ không thể thực hiện được bước quét con chip trên căn cước công dân, điện thoại không hỗ trợ NFC, xác thực khuôn mặt không thành công… Nhiều khách hàng của các ngân hàng như PVCombank, VPBank, Techcombank, VIB… bức xúc vì khâu cập nhật sinh trắc học vô cùng khó khăn, thao tác nhiều lần vẫn không thành.

Nhiều app ngân hàng liên tục thông báo: “Có lỗi phát sinh trong quá trình xử lý dữ liệu. Quý khách vui lòng kiểm tra hoặc liên hệ các điểm giao dịch của ngân hàng hoặc Hotline để được hỗ trợ” hay “Yêu cầu của quý khách đến hệ thống tạm thời gián đoạn. Vui lòng thử lại sau”, “Dịch vụ không thực hiện trong lúc này. Quý khách vui lòng thử lại sau”.

Hotline của một số ngân hàng “cháy máy”, không thể liên lạc được. Trên fanpages của ngân hàng, có cả ngàn lượt khách hàng phàn nàn về tình trạng lỗi app và không chuyển được tiền. Đáp lại các phản ánh của khách hàng, ngân hàng có chung câu trả lời: “Ngày đầu tiên triển khai dịch vụ tuân thủ Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, do số lượng khách hàng đông, việc triển khai cần đồng bộ nhiều giải pháp và đối tác, nên có đôi lúc có hiện tượng chưa thông suốt, kính mong quý khách hàng thông cảm”.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, cũng giống như lệnh đặt mua vàng miếng SJC, cùng thời điểm mà có quá nhiều người thực hiện việc đăng nhập tài khoản thanh toán, sẽ dễ xảy ra hiện tượng nghẽn mạng. Thực tế cho thấy, hệ thống không ghi nhận số lượng giao dịch chuyển khoản online có giá trị trên 10 triệu đồng tăng đột biến trong sáng 1/7/2024.

“Đến nay, chúng tôi chưa có thống kê về số lượng tài khoản thanh toán đã hoàn tất quá trình xác thực sinh trắc học. Nhưng trong tuần cuối tháng 6/2024, các chi nhánh, phòng giao dịch của Agribank đã làm việc thông suốt cả thứ Bảy, Chủ nhật để giúp khách hàng có nhu cầu xác thực sinh trắc học”, bà Phượng cho biết.

Trong khi đó, một số ngân hàng hé lộ số liệu về sinh trắc học. Theo MB Bank, tính đến nửa quý II/2024, tỷ lệ giao dịch chuyển tiền có sử dụng dữ liệu khuôn mặt thành công của MB là 93,3%. Còn BVBank cho biết, đến ngày 1/7, đã có hơn 30% khách hàng của BVBank tiến hành xác thực khuôn mặt…

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến hết ngày 2/7, số lượng khách hàng đã hoàn thành xác thực sinh trắc học là hơn 13 triệu khách hàng, số lượng giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng ghi nhận trong ngày 2/7 là 8,24%, cao hơn mức trung bình của tháng 6 (8%). Như vậy, với số lượng hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, 147 triệu thẻ ngân hàng đang lưu hành và 32,77 triệu ví điện tử đang hoạt động, thì số lượng có nhu cầu xác thực sinh trắc học là khá lớn.

Đến “thủ phạm” NFC…

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, bên cạnh việc nghẽn app vào những ngày đầu, tình trạng phổ biến nhất trong tuần đầu tiên thực hiện thu thập dữ liệu sinh trắc học là không quét được NFC trên chip gắn trên căn cước công dân với app của các ngân hàng.

NFC (Near-Field Communication) là một công nghệ kết nối không dây ngắn tầm cho phép trao đổi dữ liệu giữa các thiết bị khi chúng được đặt gần nhau. NFC hoạt động dựa trên nguyên lý cảm ứng từ trường, cho phép các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng, thẻ thanh toán và các thiết bị khác kết nối, trao đổi thông tin nhanh chóng, tiện lợi. Các ứng dụng phổ biến của NFC bao gồm thanh toán không tiếp xúc, chia sẻ dữ liệu và kết nối với các thiết bị thông minh khác.

Ông Trần Thái Bình, Giám đốc Khối Ngân hàng số của Sacombank cho biết, trong quá trình cập nhật sinh trắc học, có thể khách hàng gặp khó khăn liên quan đến việc đọc chip trên căn cước công dân. Cụ thể, một số thiết bị không hỗ trợ NFC dẫn đến việc ứng dụng ngân hàng không đọc được thông tin trong chip căn cước công dân của khách hàng. Trong trường hợp này, khách hàng cần đến Ngân hàng để đăng ký sinh trắc học.

Cũng theo ông Bình, việc tìm kiếm vị trí đọc NFC trên mỗi điện thoại, đặc biệt là điện thoại có hệ điều hành Android đang khiến nhiều người dùng khó khăn. Các dòng điện thoại này đa dạng và phong phú, nên tùy từng hãng, điện thoại sẽ có vị trí đọc NFC khác nhau.

Theo các chuyên gia công nghệ, vị trí thẻ đọc NFC trên các dòng điện thoại iOS mới nhất thường nằm ở mặt lưng, phần đầu, kế bên camera sau như: iPhone XR, XS, XS Max, 11, 11 Pro, 11 Pro Max, 12, 12 Mini, 12 Pro, 12 Pro Max, 13, 13 Mini, 13 Pro, 13 Pro Max, 14, 14 Max. Vị trí thẻ đọc NFC trên điện thoại Android có thể khác nhau tùy từng hãng sản xuất và dòng máy cụ thể, nhưng thường được đặt ở mặt lưng điện thoại. Một số dòng điện thoại Android đặt thẻ đọc NFC dưới pin, thường được che bởi nắp lưng. Và một số ít điện thoại Android khác đặt thẻ đọc NFC bên cạnh cổng sạc.

Ở góc độ công nghệ, ông Huy Nguyễn, Đồng sáng lập Phygital Labs (start-up nghiên cứu chuyên sâu giải pháp liên quan đến NFC để định danh số vạn vật) cho biết, hai yếu tố ảnh hưởng đến quét NFC là hành vi người dùng và kỹ thuật.

Theo đó, nhiều người xác định vị trí của chip NFC trên thẻ, đầu đọc trên smartphone bằng cách liên tục rà khắp vị trí. Nhưng để NFC hoạt động, người dùng cần cố định chip, đặt thiết bị đủ gần và để smartphone có thời gian đọc, do vậy việc rà thẻ khiến chip chưa được tích đủ từ trường để truyền dữ liệu thì đã mất kết nối. Nguyên nhân này chiếm hơn 90% trường hợp quét NFC không thành công.

Về yếu tố kỹ thuật, ăng-ten là phần quan trọng nhất của chip NFC. Chip càng lớn, ăng-ten bắt sóng càng lớn. Nếu chip quá nhỏ, việc quét sẽ gặp khó khăn. Chip trên căn cước công dân của người dân gần như không có vấn đề gì về kích thước. Không loại trừ khả năng điện thoại có hỗ trợ NFC, nhưng phần vi mạch đọc thẻ bị lỗi - xác suất này rất nhỏ nhưng vẫn có thể xảy ra.

“Như đã giải thích về cách NFC hoạt động, người dùng cần cố định chip, đặt thiết bị đủ gần và để smartphone có thời gian đọc. Việc rà thẻ khiến chip chưa được tích đủ từ trường để truyền dữ liệu đã mất kết nối. Sau vài lần thử không được, nhiều người hoang mang nghĩ điện thoại có vấn đề, chip trên thẻ bị lỗi và không kiên nhẫn làm lại”, ông Huy nhận định.

Còn ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ An ninh mạng Quốc gia (NCS) cho biết, có nhiều nguyên nhân từ cả người dùng lẫn ứng dụng ngân hàng. Chẳng hạn, người dùng thao tác không đúng, không đặt căn cước công dân đúng vị trí đọc NFC trên điện thoại hoặc do điện thoại không hỗ trợ NFC hoặc bị hỏng module đọc NFC.

Các trường hợp thông tin cung cấp không được chấp nhận có thể do người dùng có thay đổi lớn trên khuôn mặt như phẫu thuật thẩm mỹ, hoặc do người dùng thay đổi các thông tin tài khoản ngân hàng so với thông tin trên căn cước công dân khiến ngân hàng khi so sánh thông tin thì thấy không khớp...

“Việc xác thực khuôn mặt do thuật toán của ngân hàng. Với các trường hợp ứng dụng ngân hàng không xác thực được khuôn mặt người dùng, khách hàng cần liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ xử lý”, ông Sơn khuyến cáo.

Tú Ân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giai-ma-nguyen-nhan-kho-xac-thuc-sinh-trac-hoc-d219279.html