Giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 32% trong nửa đầu năm
Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 6/2025, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt hơn 268.000 tỷ đồng, bằng 32,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiều địa phương, bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân vượt mốc 50% - 70%, góp phần duy trì đà tích cực của tăng trưởng đầu tư công.
Bộ Tài chính vừa có công văn báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025.
Theo báo cáo, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/5/2025 đạt 184.542 tỷ đồng, bằng 20,4% kế hoạch năm và 22,34% kế hoạch Thủ tướng giao. Riêng chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giải ngân được 7.162,5 tỷ đồng, đạt 32,6%.
Ước tính đến hết tháng 6/2025, giải ngân đạt 268.133,9 tỷ đồng, tương đương 29,6% kế hoạch và 32,5% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn mức cùng kỳ năm 2024 (26,4% kế hoạch và 28,2% kế hoạch Thủ tướng giao). Trong đó, CTMTQG ước đạt 9.258 tỷ đồng, bằng 42,2% kế hoạch được giao.

(Ảnh minh họa)
Bộ Tài chính đánh giá, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục duy trì xu hướng tích cực. Trong đó, vốn ngân sách địa phương đạt 37,8% (cao hơn cùng kỳ 2024 là 27,4%), còn vốn ngân sách trung ương mới đạt 25,3% (thấp hơn về tỷ lệ nhưng cao hơn về giá trị tuyệt đối so với cùng kỳ).
Tính đến hết tháng 6, có 8 bộ, cơ quan trung ương và 37 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ mức bình quân chung cả nước trở lên; 32 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức bình quân.
Một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (86,4%), Đài Tiếng nói Việt Nam (73,8%), Bộ Công an (45,2%), Ngân hàng Chính sách xã hội (41,2%). Các địa phương có tiến độ vượt trội gồm: Phú Thọ (85,7%), Hà Tĩnh (75,6%), Lào Cai (66,6%), Thái Nguyên (65,4%), Bắc Ninh (62,3%), Hà Nam và Ninh Bình (cùng 59,5%), Bà Rịa - Vũng Tàu (54,9%) và Nam Định (53,9%).
Nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 8%, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương: phát huy vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp công tác giải ngân, tháo gỡ vướng mắc tại từng dự án, công trình. Đánh giá, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân làm tốt; đồng thời phê bình, xử lý nghiêm các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ. Chủ động đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, hướng tới mục tiêu hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc trong năm nay. Không để gián đoạn đầu tư trong quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp. Tăng cường vai trò của các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ giải ngân đúng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Nam Yên