Giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi văn hóa THPT cấp tỉnh

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị bám sát sự lãnh đạo của Bộ GD&ĐT, của lãnh đạo tỉnh, căn cứ tình hình thực tế của địa phương để đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT trong tình hình mới. Nhờ đó, chất lượng GD đại trà ngày càng ổn định, thực chất; tỉ lệ học sinh (HS) có học lực khá, giỏi ngày càng tăng.

 Một tiết dạy môn Lịch sử ở Trường PTDT nội trú tỉnh

Một tiết dạy môn Lịch sử ở Trường PTDT nội trú tỉnh

Kết quả thi tốt nghiệp THPT hằng năm tỉnh Quảng Trị ngang bằng hoặc có năm cao hơn tỉ lệ HS tốt nghiệp chung của toàn quốc. Đến nay, đã có hàng chục ngàn em đạt giải HS giỏi cấp tỉnh ở cả 3 cấp: Tiểu học, THCS và THPT. Số HS giỏi quốc gia lớp 12 từ năm 2010 đến 2019 toàn tỉnh đạt 190 giải. Tỉ lệ HS thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng cao, bình quân mỗi năm có khoảng 6.000 lượt thí sinh thi đỗ đại học, cao đẳng; xếp hạng của tỉnh theo điểm trung bình kết quả thi đại học, cao đẳng 5 năm trở lại đây đứng ở vị thứ từ 29 đến 32 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; nhiều HS đỗ thủ khoa vào các trường đại học…

Tuy nhiên, hiện công tác GD mũi nhọn, bồi dưỡng HS giỏi, nhất là HS THPT còn chưa tương xứng khả năng và kì vọng của ngành GD&ĐT cũng như phụ huynh trong tỉnh. Mới đây, Sở GD&ĐT tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng bồi dưỡng HS giỏi văn hóa THPT cấp tỉnh” đã thu hút cán bộ, giáo viên ngành GD&ĐT và phụ huynh quan tâm theo dõi.

Phó Trưởng Phòng phụ trách Quản lí chất lượng- Công nghệ thông tin, Sở GD&ĐT Đoàn Thị Ái Phương khẳng định, bồi dưỡng HS giỏi là một trong những nhiệm vụ quan trọng và trọng tâm của ngành GD&ĐT. Bồi dưỡng HS giỏi là một hoạt động dạy học mang tính đặc thù cao, người học là HS giỏi, có năng khiếu môn học, người dạy là những giáo viên (GV) có trình độ chuyên môn vững vàng, giàu kinh nghiệm trong công tác dạy học. Bồi dưỡng HS giỏi là công việc khó khăn, vất vả nhưng cũng rất vinh quang, với trách nhiệm và niềm tự hào đòi hỏi GV phải thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, phương pháp mới phù hợp với xu thế thời đại; đồng thời cần được các cấp quản lí ngành GD&ĐT và cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm, đầu tư đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI đề ra.

Tuy nhiên, đa số GV dạy bồi dưỡng HS giỏi vừa phải bảo đảm chất lượng đại trà, vừa phải hoàn thành chỉ tiêu chất lượng mũi nhọn, một số GV còn làm công tác kiêm nhiệm, do đó việc đầu tư cho công tác bồi dưỡng HS giỏi có phần bị hạn chế. Công tác tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng để nâng cao chất lượng dạy HS giỏi đòi hỏi nhiều thời gian, tâm huyết cùng với đó trách nhiệm lại nặng nề, áp lực công việc lớn cũng là những khó khăn không nhỏ với GV tham gia bồi dưỡng HS giỏi. GV dạy bồi dưỡng HS giỏi phải tự soạn chương trình dạy theo kinh nghiệm của bản thân, theo chủ quan, tự nghiên cứu, tự sưu tầm tài liệu. Ở các đơn vị trường học, nguồn kinh phí để chi trả cho GV bồi dưỡng HS giỏi còn hạn hẹp nên chưa động viên được GV tham gia vào công tác bồi dưỡng HS giỏi.

Về phía HS đứng trước sự lựa chọn giữa học chuyên sâu để thi HS giỏi và học để thi đại học nên các em không yên tâm chọn học chuyên sâu thi HS giỏi vì phải mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến kết quả học tập ôn thi đại hoc. Một số HS tham gia học bồi dưỡng HS giỏi nhưng chưa toàn tâm toàn ý, chưa thật sự nỗ lực cố gắng nên kết quả thi HS giỏi chưa cao. Bên cạnh đó, còn có phụ huynh chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện đến học tập của con em mình. Nhận thức của một số phụ huynh về công tác bồi dưỡng chưa cao, còn cho đó là trách nhiệm của GV, coi đó là thành tích của nhà trường và có phân biệt giữa môn phụ và môn chính, còn có trường hợp can thiệp vào định hướng môn học của con (cho con học các môn khoa học tự nhiên…). Sự nhìn nhận chưa đúng đó đã làm ảnh hưởng đến tâm lí của người giáo viên làm công tác bồi dưỡng HS giỏi. Một số trường ở nông thôn, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên phụ huynh chưa có điều kiện để đầu tư máy tính cũng như mạng internet để con em có cơ hội tìm kiếm tài liệu học và làm bài tập nâng cao ở nhà.

Đối với Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn những năm qua, chính sách học bổng, hỗ trợ cho HS học trường chuyên còn quá thấp nên chưa thu hút được HS giỏi ở các vùng khác nhau trong tỉnh, đặc biệt là những em học giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế có những HS giỏi nhưng không có cơ hội để bồi dưỡng chuyên sâu nên không có cơ hội đạt thành tích cao; nguồn tuyển sinh đầu vào giảm nên cũng đã giảm bớt nguồn HS để chọn HS giỏi, đào tạo mũi nhọn....

Thầy Hoàng Ngọc Tứ, Trường THPT A Túc cho rằng, Sở GD&ĐT cần tổ chức các chuyên đề về bồi dưỡng HS giỏi cho GV các trường THPT trong toàn tỉnh. Tổ chức biên soạn và cung cấp một số tài liệu cơ bản cho các nhà trường. Cần tổ chức thường xuyên sinh hoạt chuyên môn giữa các đơn vị để trao đổi về kinh nghiệm bồi dưỡng HS giỏi, cố gắng thống nhất các phương pháp dạy học cho HS.

Tìm giải pháp tháo gỡ cho những khó khăn trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hoàng Xuân Thủy cho biết, các phòng chuyên môn thuộc sở cần nghiên cứu kĩ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về chỉ đạo công tác bồi dưỡng, tổ chức thi HS giỏi để chỉ đạo phù hợp với thực tiễn ở Quảng Trị; tham mưu ban hành Quy chế về thi HS giỏi văn hóa của tỉnh; hướng dẫn thi HS giỏi cần làm sớm, đổi mới cách ra đề thi, chấm thi, xét giải cá nhân, đồng đội. Đối với Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cần nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm công tác bồi dưỡng HS giỏi trong thời gian qua, học tập kinh nghiệm của các tỉnh bạn để duy trì và phát triển vững chắc kết quả chất lượng mũi nhọn đã đạt được. Có chiến lược đầu tư lâu dài để tăng số lượng HS đạt giải khu vực và quốc tế. Có kế hoạch cụ thể đào tạo đội ngũ GV bồi dưỡng chuyên về cả chuyên môn và ngoại ngữ để đáp ứng nhiệm vụ. Tổ chức thi HS giỏi cấp trường.

Đối với các trường THPT, cần tăng cường đầu tư công tác bồi dưỡng HS giỏi văn hóa, xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, phân công GV, xây dựng nguồn học liệu. Lãnh đạo các trường học cần tạo nên một phong trào bồi dưỡng HS giỏi văn hóa sâu rộng trong đơn vị; phát huy thế mạnh của đơn vị, đồng thời khắc phục tồn tại, tạo điều kiện thuận lợi nhất, động viên GV, HS để phát triển chất lượng HS giỏi của đơn vị.

Đối với GV, cần tăng cường tự học, thông qua việc tham gia bồi dưỡng HS giỏi để rèn luyện chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức cho bản thân; vừa làm tốt công tác bồi dưỡng theo phân công vừa giúp đỡ các GV trong tổ chuyên môn thực hiện tốt công tác bồi dưỡng HS giỏi; đưa nội dung bồi dưỡng HS giỏi vào sinh hoạt chuyên môn để thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển thành tích đạt được.

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143857