Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục năm học 2020 - 2021

Năm học 2019 - 2020 chính thức khép lại với bao cảm xúc khó quên trong mỗi cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên, học sinh (HS) và toàn xã hội. Cảm xúc khó quên đó là vì lần đầu tiên ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị gồng mình phòng, chống COVID-19 để đảm bảo chương trình năm học như kế hoạch đề ra. Theo đó, ngành GD&ĐT phối hợp với cơ quan y tế triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống COVID-19, đồng thời huy động tổng lực nhiều nhà cung cấp dịch vụ dạy- học trực tuyến, học trên truyền hình, kết hợp với thực hiện việc tinh giản chương trình hợp lý nên kết quả năm học 2019 - 2020 đạt cao.

 Nhiều cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong năm học 2019- 2020 - Ảnh: NV

Nhiều cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong năm học 2019- 2020 - Ảnh: NV

Năm học 2019- 2020, chất lượng GD đại trà được duy trì ổn định, chất lượng GD mũi nhọn tiếp tục đạt thành tích cao, trong đó kỳ thi HS giỏi quốc gia năm 2020, Quảng Trị đạt số lượng giải cao nhất trong 9 năm trở lại đây, 1 HS vào vòng chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20. Tỉ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT năm 2020 (đợt 1) đạt 94,45%. Kết thúc năm 2019, ngành GD&ĐT đã hoàn thành đạt 3/3 chỉ tiêu cơ bản của tỉnh; chỉ số cải cách hành chính toàn ngành GD&ĐT đạt 86,91/100 điểm, xếp thứ 5/20 sở, ban, ngành; chỉ số hoàn thành nhiệm vụ toàn ngành đạt 92,29/100 điểm, được UBND tỉnh xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đứng thứ 2/20 sở, ngành.

Năm học 2020- 2021, với chủ đề “Nâng cao trách nhiệm, đạo đức, năng lực đổi mới, sáng tạo của nhà giáo; tăng cường GD đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS”, Sở GD&ĐT đã đưa ra 13 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện, trong đó có giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động GD ở các cấp học, ngành học. Theo đó, đối với GD mầm non, sở tập trung triển khai thực hiện tốt chương trình GD mầm non mới của Bộ GD&ĐT; đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực quản trị nhà trường gắn với thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở GD mầm non; đẩy mạnh thực hiện nền nếp, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và các điều kiện khác trong chăm sóc, GD trẻ theo quan điểm “GD lấy trẻ làm trung tâm’’. Tăng cường quản lý nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, trường mầm non tư thục; tăng cường dạy tiếng Việt và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số để phát triển vốn tiếng Việt cho trẻ.

Đối với GD tiểu học, sở tiếp tục tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh cụ thể hóa chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về GD&ĐT, trong đó tập trung thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới; tiếp tục chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để triển khai chương trình GD phổ thông 2018 đối với lớp 2 năm học 2021-2022.

Đối với GD trung học, sở tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình GD phổ thông theo Luật GD 2019, Nghị quyết số 88 năm 2014, Nghị quyết số 51 năm 2017 của Quốc hội, Quyết định số 404 năm 2015 và Chỉ thị số 16 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông. Tăng cường giữ vững nền nếp, kỷ cương trường học, đồng thời nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của nhà giáo và HS. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý GD theo hướng giao quyền tự chủ cho nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch GD; nâng cao năng lực quản trị, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và cá nhân thực hiện nhiệm vụ; thực hiện tốt chức năng giám sát của xã hội và kiểm tra của cấp có thẩm quyền.

Tiếp tục tập trung phát triển đội ngũ GV và cán bộ quản lý GD đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình GD phổ thông; nâng cao năng lực của GV chủ nhiệm lớp, GV làm công tác đoàn, hội, đội, tư vấn tâm lý trong việc quản lý, phối hợp GD toàn diện cho HS. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, GD pháp luật, phòng, chống tệ nạn xã hội, chống bạo hành học đường; tăng cường hoạt động GD truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam cho HS.

Xây dựng kế hoạch GD của từng môn học, hoạt động GD phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường theo hướng sắp xếp lại các nội dung dạy học, cập nhật nội dung dạy học nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát nội dung sách giáo khoa, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình GD phổ thông hiện hành, xây dựng và thực hiện kế hoạch GD theo khung thời gian 35 tuần (kỳ I 18 tuần, kỳ II 17 tuần). Xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của HS thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học, GV chỉ tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để HS tiếp nhận và vận dụng. Tiếp tục quán triệt tinh thần GD tích hợp khoa học- công nghệ - kỹ thuật - toán (STEM: Science- Technology- EngineeringMathematic) trong việc thực hiện chương trình GD phổ thông ở những môn học liên quan. Chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu ra đề, coi, chấm và nhận xét, đánh giá HS đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của HS.

Đối với GD thường xuyên, GD chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT tập trung củng cố, nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của Trung tâm GD thường xuyên- Tin học- Ngoại ngữ tỉnh và các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện theo hướng thực hiện nhiều nhiệm vụ như liên kết đào tạo, hướng nghiệp và dạy nghề, bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng ngắn hạn và tư vấn, hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng. Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai tốt việc phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS theo hướng tăng tỉ lệ HS vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp, đồng thời hỗ trợ các trung tâm GD thường xuyên dạy chương trình GDTX cấp THPT gắn với GD nghề nghiệp.

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=151291