Giải pháp nào cho ngành cao su?

Người trồng cao su tại Việt Nam vốn đã khó khăn, lại càng khó khăn hơn trong thời gian tới.

Thị trường không mấy khả quan

Những năm gần đây, giá mủ cao su sụt giảm nghiêm trọng. Hiện trên sàn TOCOM (Nhật Bản), giá cao su giao tháng 11/2019 ngày 12/10/2019 giảm 0,1% xuống 154,5 yen/kg; tương đương khoảng hơn 34.000 đồng/kg. Theo xu hướng đó, trong tháng 9/2019, tại Đăk Lăk, thu mua mủ cao su nước tại vườn và nhà máy đạt lần lượt 245 đồng/độ TSC và 250 đồng/độ TSC, giảm tới 25 đồng/độ TSC so với cuối tháng 8/2019.

Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2019, xuất khẩu cao su đạt 1,03 triệu tấn, trị giá 1,41 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 6,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung, 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su đạt khoảng 1,12 triệu tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng 9% về lượng và tăng 7,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc, các nước EU, Ấn Độ và Đông Nam Á. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 64,84% tổng lượng xuất khẩu, đạt 623,91 nghìn tấn, trị giá 842,94 triệu USD. Tiếp đến, Ấn Độ chiếm 8,35% đạt 80,39 nghìn tấn, trị giá 116,04 triệu USD, tăng 51,62% về lượng và 47,42% trị giá. Ngoài những thị trường kể trên, Việt Nam còn xuất khẩu cao su sang các thị trường khác như Mỹ, Đức, Pháp, Anh…

Người nông dân trồng cao su đang đối mặt với nhiều thách thức

Người nông dân trồng cao su đang đối mặt với nhiều thách thức

Nhưng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cao su thời gian tới của Việt Nam còn gặp khó khăn trước diễn biến tiêu cực trên thị trường thế giới. Cụ thể, xung đột thương mại Mỹ – Trung diễn biến khó lường có thể làm giảm nhu cầu năng lượng và gián tiếp làm giảm nhu cầu về cao su tự nhiên.

Cùng với đó, Indonesia và Malaysia cũng đã hoàn tất chương trình cắt giảm xuất khẩu cao su tự nhiên trong cam kết của Hội đồng Cao su Quốc tế ba bên (ITRC), gồm Thái Lan, Indonesia, và Malaysia hồi tháng 3/2019 để đẩy giá cao su tự nhiên trên thị trường quốc tế.

Trước diễn biến này, các chuyên gia nhận định, người trồng cao su tại Việt Nam vốn đã khó khăn, lại càng khó khăn hơn trong thời gian tới.

Nông dân đối mặt khó khăn

Cao su là một trong những cây trồng chủ lực của nhiều tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, nhưng hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức và có nguy cơ sụt giảm sản lượng trong những năm tới.

Đăk Nông là một trong những địa phương có diện tích cao su lớn. Thế nhưng, diện tích này đang giảm dần, vì người dân chặt phá để chuyển đổi sản xuất, do sự lao dốc về giá khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh thua lỗ, phải phá bỏ vườn cây.

Đơn cử, gia đình ông Hoàng Văn Núi, huyện Đăk R’lấp (Đăk Nông) có nhiều năm gắn bó với cây cao su nhưng hiện tại đã bỏ vườn không chăm sóc. Theo ông Núi, vào thời hoàng kim của cây cao su, năm 2013-2014, giá mủ cao su đang ở đỉnh, với 3ha diện tích trồng, có ngày gia đình thu về 3 triệu đồng/ngày. Thế nhưng, sau đó vài năm, giá mủ cao su liên tục hạ, làm cho đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nhất là việc duy trì phát triển vườn cây. Giá bán mủ không bù lại được tiền thuê nhân công.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, những năm qua sự phát triển của cây cao su trên địa bàn tỉnh Đăk Nông không ổn định. Cụ thể, giai đoạn từ 2010-2014 diện tích tăng mạnh từ 23.063ha lên 31.311ha. Nhưng từ 2015-2017 lại giảm mạnh, từ 31.311ha xuống còn 26.348ha. Năm 2018, diện tích cao su lại tăng lên khoảng 29.643ha. Nguyên nhân chính được xác định là do thị trường tiêu thụ.

Trước tình hình này, địa phương đang đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân áp dụng quy trình trồng, chăm sóc cây cao su, khuyến khích, hỗ trợ cơ sở, DN chế biến mủ cao su, gắn với đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặt khác, cùng với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, địa phương này cũng có chủ trương phát triển cao su theo hướng tập trung, gắn vùng nguyên liệu với cơ sở công nghiệp chế biến...

Theo các chuyên gia, để ngành cao su phát triển bền vững trong điều kiện hiện nay, cần đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm cao su nguyên liệu trong nước. Đặc biệt, phải đẩy mạnh việc phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu đối với các sản phẩm cao su, vừa gia tăng giá trị, vừa tạo điều kiện cho nguồn nguyên liệu trong nước được tiêu thụ một cách bền vững…

Bài và ảnh Chí Thiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/giai-phap-nao-cho-nganh-cao-su-93438.html