Giải pháp nào cứu đình làng 300 tuổi đang... bị trùng tu?

Vụ việc ngôi đình 300 tuổi tại thôn Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội bị phá bỏ hoàn toàn để xây mới bằng bê tông với lí do trùng tu khiến dư luận chú ý. Tuy nhiên, đến giờ, một số lãnh đạo thôn và xã vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình trong việc trùng tu, trong khi những quan điểm đó vấp phải sự phản đối kịch liệt của các nhà khoa học và người dân.

Tự ý phá dỡ khi chưa được phép

Đình Lương Xá vốn là ngôi đình cổ có tuổi đời 300 năm với nhiều nét kiến trúc bằng gỗ mang dáng vẻ uy nghiêm, cổ kính. Cuối tháng 7 vừa qua, ngôi đình này bị phá bỏ để xây mới. Các cấu kiện gỗ của di tích theo thiết kế sẽ được thay bằng hệ thống bê tông cốt thép. Hàng chục chiếc cột gỗ của nhà tiền tế có giá trị kiến trúc nghệ thuật cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 đã bị phá dỡ, chỏng chơ phơi nắng dầm mưa.

Theo ông Phạm Tự Khải- Trưởng thôn Lương Xá, năm 2001, đình Lương Xá xuống cấp nên nhân dân trong thôn tu sửa và thay thế một số cấu kiện hoành, rui bằng gỗ bạch đàn. Đến năm 2017, đình tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng, nhân dân trong thôn nhận thấy nếu không tu sửa có thể gây sập, đã tổ chức họp dân thống nhất, nếu số gỗ còn tốt trên 70% sẽ xây dựng bằng gỗ, còn không sẽ xây bằng bê tông. Mức mỗi khẩu đóng góp 800.000 đồng.

Dự toán công trình lên tới 5 tỷ đồng, ngoài số tiền đóng góp của nhân dân là 1 tỷ đồng, số còn lại do hai cá nhân khác cung tiến. Sau đó, người dân tại xã thống nhất là dỡ ngôi đình làm lại.

Ông Lương Ngọc Hoàng- Phó Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Ứng Hòa cho hay, trước khi hạ giải đình Lương Xá, ngày 13-12-2017, UBND xã Liên Bạt có văn bản gửi UBND huyện Ứng Hòa xin tu bổ, tôn tạo đình Lương Xá do đình xuống cấp.

Sau khi có tờ trình, Phòng VH&TT huyện đã xuống kiểm tra thực tế, đồng thời có công văn phúc đáp UBND xã Liên Bạt. Trong công văn phúc đáp đã nêu rõ đình Lương Xá chưa xếp hạng di tích nhưng đã được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của TP Hà Nội. Phòng cũng yêu cầu UBND xã Liên Bạt lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật và hướng dẫn xã xác định rõ nguồn vốn gửi về phòng, ban chuyên môn; Phòng có trách nhiệm tham mưu với UBND huyện Ứng Hòa xin ý kiến Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội về chủ trương tu bổ đình.

Sau khi có công văn phúc đáp, UBND xã Liên Mạc không có phản hồi lại, không lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật. Ông Lương Ngọc Hoàng cũng nhấn mạnh, việc phá bỏ hoàn toàn di tích 300 tuổi thành 1 ngày tuổi là điều đáng tiếc. Ông Trương Minh Tiến, Phó GĐ Sở VH&TT Hà Nội cũng khẳng định, việc hạ giải, đổ bê tông các hạng mục trong di tích là hoàn toàn sai quy định.

Các cột gỗ bị vứt chỏng chơ. Ảnh: Xuân Thanh

Các cột gỗ bị vứt chỏng chơ. Ảnh: Xuân Thanh

Không còn cách nào cứu vãn ngoài xây mới lại ngôi đình?!

Ngày 13-8, UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo, yêu cầu làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm những cá nhân tổ chức liên quan đến việc này. Vấn đề hiện nay cần phải làm ngay là đưa ra phương án khắc phục đối với ngôi đình này.

Theo ông Trương Minh Tiến, sau khi khảo sát, lấy ý kiến của người dân địa phương, các nhà khoa học tạm thời có ba phương án được đưa ra. Thứ nhất là phá hết công trình đang làm mới, phục dựng lại dáng công trình cũ, tiếp tục sử dụng toàn bộ các cấu kiện gỗ có giá trị; thứ hai, vẫn tiếp tục tu bổ như hiện nay nhưng sẽ dùng thêm các cấu kiện có giá trị của đình cũ; thứ ba, tiếp tục xây dựng như hiện nay, không dùng cấu kiện gỗ mà những cấu kiện có giá trị sẽ được giao cho Bảo tàng Hà Nội đưa về trưng bày.

Với 3 phương án tạm được đưa ra, UBND xã Liên Bạt sau khi lấy ý kiến của nhân dân, thống nhất đề xuất khắc phục theo phương án 2: Tiếp tục xây dựng mới 5 gian đại bái bằng bê tông và sử dụng lại một số cấu kiện gỗ giá trị, gắn ở phần đầu dư của các cột bê tông. Phương án này được ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Liên Bạt đồng tình với lý do đây cũng là nguyện vọng của người dân địa phương. Chủ tịch UBND xã Liên Bạt cũng trình hồ sơ thiết kế đình Lương Xá do Cty cổ phần và tư vấn thiết kế Hà Nội thực hiện.

Ngôi đình cổ 300 năm khi trùng tu toàn kết cấu bê tông cốt thép.

Ngôi đình cổ 300 năm khi trùng tu toàn kết cấu bê tông cốt thép.

Tuy nhiên, các nhà khoa học không ủng hộ phương án 1 và 2 với lý do phương án 1 cần quá nhiều kinh phí sẽ khó khả thi; Nếu thực hiện phương án vừa xây mới vừa gắn cấu kiện gối đỡ vào các đầu dư cột bê tông thì sẽ tạo sự “chênh” cả về cấu trúc, vật liệu và phong cách.

KTS Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho rằng, sai phạm của đình Lương Xá đã rất rõ ràng, vì thế việc xử lý ở đây là giải pháp tháo gỡ tình huống chứ không phải là giải pháp chung cho việc tu bổ, tôn tạo di tích. Việc này cần phải làm rõ để không tạo tiền đề xấu cho những sai phạm sau.

Ông Lê Thành Vinh cho rằng, phương án 3, tiếp tục cho xây ngôi đình như hiện nay nhưng phải bảo đảm kiến trúc của ngôi đình được thực hiện giống nhất có thể so với kiến trúc cũ. Những cấu kiện gỗ có giá trị có thể được trưng bày tại ngôi đình hoặc đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng đồng tình và phân tích thêm, vừa xây mới vừa lắp ghép các cấu kiện gỗ là “lố bịch”. Trong tình trạng hiện nay của đình Lương Xá thì chấp nhận xây bê tông nhưng vẫn phải nghiên cứu, giữ gìn các cấu kiện gỗ quý để trưng bày là việc cần làm.

Ông Trương Minh Tiến cho biết, sẽ tiếp tục xin ý kiến của lãnh đạo TP về việc này. Việc khắc phục, tu bổ đình Lương Xá tuy gấp gáp nhưng không thể nóng vội, tùy tiện. Việc làm trước mắt là địa phương và người dân cần có phương án giữ gìn các cấu kiện đã bị hạ giải để chờ cơ quan chuyên môn đánh giá lại giá trị, từ đó sẽ có phương án phù hợp nhất.

Việc bê tông hóa di tích đình Lương Xá không nằm ngoài lý do để ngôi đình vững chắc, khang trang, hiện đại hơn nên chính quyền thôn, xã và người dân đã mặc nhiên phá bỏ một cách không thương tiếc ngôi đình cổ. Đó là cái sai về nhận thức của những người có trách nhiệm ở thôn Lương Xá và xã Liên Bạt.

Về vấn đề xã hội hóa di tích, các nhà nghiên cứu văn hóa cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, các tổ chức, cá nhân thường đóng góp vào quỹ hoạt động văn hóa. Trên cơ sở đó, quỹ này tài trợ cho các nơi theo đúng quy định, quy tắc của quỹ đó, người tài trợ sẽ không can thiệp vào hoạt động của quỹ.

Còn ở nước ta, nhà tài trợ thường trực tiếp ủng hộ cho di tích họ muốn tài trợ, vì vậy nhiều ngôi đình, chùa bị chi phối bởi ý đồ nhà tài trợ, thậm chí các hoành phi, câu đối làm theo ý muốn của nhà tài trợ. Vì thế mới xảy ra nhiều di tích bị biến dạng khi trùng tu, tôn tạo từ nguồn xã hội hóa, nhiều hiện vật lạ được đưa vào di tích từ việc cung tiến của các tổ chức, cá nhân.

“Sai phạm trong tu bổ, di tích của đình Lương Xá là bài học quá lớn và cần phải nghiêm khắc nhìn nhận để không được xảy ra lần nữa. Di tích nào cũng tùy tiện tu bổ rồi sau đó lại sửa sai như thế này thì Hà Nội sẽ mất hết di sản”- PGS.TS Phạm Mai Hùng nhấn mạnh.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giai-phap-nao-cuu-dinh-lang-300-tuoi-dang-bi-trung-tu-120725.html