GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ LÀM TỐT CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT ĐIỀU TRA, KIỂM SÁT XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN VỀ THAM NHŨNG, KINH TẾ, CHỨC VỤ

Tại phiên chất vấn của Phiên họp thứ 21 của UBTVQH, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Viện trưởng VKSNDTC cần có những giải pháp cụ thể để làm tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Đồng thời, thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản trong các vụ án này.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 20/3: CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN THUỘC LĨNH VỰC KIỂM SÁT

Phải xác định đúng bản chất, động cơ của tội phạm tham nhũng

Trong phiên chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của UBTVQH, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết, ngành Kiểm sát nhân dân với hoạt động đặc thù thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân và các cơ quan khác có thẩm quyền điều tra; đồng thời có chức năng trực tiếp điều tra 38 tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp nên hoạt động kiểm sát điều tra và trực tiếp điều tra của VKSND các cấp chiếm hơn 1/2 khối lượng công tác nghiệp vụ (như Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng) nhưng hiện nay ngành Kiểm sát thực hiện cơ chế phân bổ kinh phí hành chính mà không được thực hiện theo chế độ chi theo hoạt động thực tế như Cơ quan điều tra trong Công an, Quân đội nên đây cũng là một khó khăn lớn trong hoạt động của Ngành.

Toàn cảnh phiên chất vấn

Toàn cảnh phiên chất vấn

Cùng với những khó khăn, áp lực trên thì yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, yêu cầu pháp luật về bảo vệ con người ngày càng cao, nhất là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có thể bị xử lý hình sự nếu để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm càng tạo áp lực lớn đến tâm lý của Kiểm sát viên trong thực hiện nhiệm vụ hiện nay. Đây là những khó khăn, thách thức đối với ngành Kiểm sát nhân dân.

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết, hơn nhiệm kỳ qua, Viện trưởng VKSND tối cao xác định phương châm hoạt động của toàn Ngành là “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, Kỷ cương – Thực chất, hiệu quả” và đầu năm 2023 điều chỉnh thêm nội hàm “Liêm chính, vượt khó, chuyên nghiệp”; đồng thời chỉ đạo quán triệt và tiếp tục triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mà trọng tâm là triển khai cụ thể lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát viên là phải: công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Đây vừa là phẩm chất, bản lĩnh nghề nghiệp và là phương pháp công tác mà yêu cầu mỗi Kiểm sát viên phải quán triệt trong nhận thức, hành động nhằm không để oan sai, bỏ lọt tội phạm và đảm bảo sức thuyết phục, tính nhân văn trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, chỉ đạo gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với công tác xây dựng Ngành, đơn vị các cấp kiểm sát; xác định rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp kiểm sát cả trong công tác Đảng và trong chuyên môn nghiệp vụ.

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí tại phiên chất vấn

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí tại phiên chất vấn

Đối với những vấn đề lớn của Ngành cần có chủ trương, nhất là trong công tác cán bộ, Viện trưởng luôn đưa ra bàn bạc trong Ban Cán sự đảng để thống nhất ban hành Nghị quyết, từ đó ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện. Trong quá trình chỉ đạo, Viện trưởng luôn tuân thủ các nguyên tắc của đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đồng thời có chính kiến, quyết đoán trong chỉ đạo điều hành và chịu trách nhiệm.

Đối với các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu VKSND các cấp phải xác định đúng bản chất, động cơ của tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế, chức vụ; áp dụng đúng các quy định pháp luật trong xác định tội danh và đánh giá chứng cứ, hành vi phạm tội; yêu cầu khởi tố và thay đổi tội danh khi có căn cứ; bảo đảm mọi hành vi tham nhũng phải được xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm.

Đồng thời, thông qua giải quyết các vụ án thực hiện tốt công tác kiến nghị các cơ quan hữu quan về phòng ngừa vi phạm, tội phạm; thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản; áp dụng chặt chẽ các biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế ngay từ giai đoạn tiếp nhận giải quyết nguồn tin về tội phạm cho đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án để bảo đảm cho việc thu hồi tài sản đạt kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, Ngành Kiểm sát đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, Ban Nội chính Trung ương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kịp thời khởi tố, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Phát hiện xử lý vi phạm từ sớm, từ xa, không để sai phạm tích tụ từ nhỏ thành lớn

Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chỉ ra rằng, tình hình tội phạm ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, nhất là lĩnh vực y tế và tham nhũng. Đại biểu đề nghị Viện trưởng có giải pháp hữu hiệu nào nhất để truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý nghiêm quy định của pháp luật, phòng ngừa, răn đe loại tội phạm này?

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa- Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa- Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa- Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định nêu rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng. Qua giải quyết các vụ án tham nhũng lớn, đại biểu đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát cho biết đã có những chỉ đạo và có những biện pháp như nào để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đại biểu Siu Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết giải pháp cụ thể trong hoàn thiện hệ thống pháp luật và một số biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng?

Đại biểu Siu Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Trả lời các câu hỏi của đại biểu, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ rõ, về giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế, đây là vấn đề lớn, vĩ mô liên quan đến nhiều cấp ngành. Dươí́ góc độ của ngành kiểm sát, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị tăng cường công khai minh bạch trong quản lý xã hội, nhà nước, tăng cường hiệu lực hiệu quả cải cách hành chính; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật động bộ, thống nhất, chặt chẽ dễ hiểu, dễ áp dụng và không thể làm khác. Đồng thời cần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, kịp thời chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng giải quyết xử lý, tăng tính răn đe…

Về vấn đề chống chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, tạo cơ chế để không thể, không muốn, không dám tham nhũng, Viện trưởng VKSNDTC cho rằng cần có cơ chế quản lý, hệ thống pháp luật chặt chẽ, quy định chế tài quản lý nhà nước thật tốt để người có quyền không dám lợi dụng quyền lực, bên cạnh đó cần nghiên cứu để có lộ trình thay đổi cơ chế, chính sách đảm bảo cán bộ an tâm công tác. Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị hiện nay chế độ chính sách cho cán bộ các cấp mặc dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, nhiều khó khăn. Chúng ta cần nghiên cứu lộ trình, giải pháp để đảm bảo chế độ để cán bộ yên tâm công tác. Đảm bảo giảm bớt khó khăn cho người cán bộ tâm huyết, muốn giữ gìn sự trong sáng, đạo đức nghề nghiệp.

Về nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục pháp luật, Viện trưởng VKSNDTC cho rằng cơ quan kiểm soát không trực tiếp có chức năng tuyên truyền pháp luật, mà hướng tới hiệu quả giáo dục pháp luật thông qua việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành, phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan có liên quan trong nhiệm vụ này.

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trả lời chất vấn

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trả lời chất vấn

Bên cạnh đó, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, ngành kiểm sát thực hiện cơ chế “Công tố song hành điều tra” ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra thực hiện 07 hoạt động điều tra bắt buộc Kiểm sát viên phải tham gia; trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, chủ động đề ra yêu cầu điều tra, phúc cung trong giai đoạn truy tố để thẩm định, đánh giá chứng cứ; bảo đảm yêu cầu không để xảy ra oan, lọt hoặc hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế và ngược lại.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra phân loại, phân hóa sâu đối với bị can và các đối tượng có liên quan, bảo đảm việc khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế có căn cứ, đúng pháp luật; chứng minh đúng bản chất vụ án; bảo đảm công bằng, nhân văn trong xử lý, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Chú trọng phát hiện những bất cập, sơ hở, thiếu sót là nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm; yêu cầu tăng cường ban hành kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Ngành.

Đặc biệt, đối với tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng, tăng cường kiến nghị cơ quan, đơn vị kiểm tra, thanh tra để phát hiện xử lý vi phạm từ sớm, từ xa, không để sai phạm tích tụ từ nhỏ thành lớn, lặp lại có hệ thống, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai phạm, như đất đai, quản lý ngân sách, vốn, tài sản công; tài chính, ngân hàng...

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74190