Giải pháp xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới

Tại hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh mới đây, các đại biểu đã nêu ra thực trạng và giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng phong trào gắn với xây dựng NTM. Phóng viên Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến.

PHÓ TRƯỞNG BAN DÂN TỘC TỈNH LÊ THỊ THANH BÍCH:

Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, cùng các chính sách dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi nói chung, vùng đặc biệt khó khăn nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Diện mạo nông thôn, miền núi có nhiều thay đổi. Đến nay, toàn tỉnh có 22/45 xã miền núi đạt chuẩn NTM.

Theo tôi, để tiếp tục nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân, tạo tiền đề để các xã, thôn, buôn phấn đấu đạt chuẩn NTM khi đủ điều kiện trong giai đoạn 2021-2025, cấp ủy và chính quyền địa phương cùng các cơ quan, ban ngành có liên quan cần thực hiện một số giải pháp như:

Tập trung chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các chương trình, dự án, chính sách nói riêng đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi cụ thể, sát với tình hình thực tế. Xây dựng và triển khai thực hiện các dự án theo thứ tự ưu tiên đến năm 2025 đã được phê duyệt trong nghị quyết của Quốc hội.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động mọi nguồn lực xã hội; đồng bộ triển khai hiệu quả các chính sách phát triển y tế, văn hóa, giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi... Tăng cường bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan, trong đó tập trung phát triển các mô hình thôn, buôn xanh, sạch, đẹp...

PHÓ BÍ THƯ TỈNH ĐOÀN LƯƠNG MINH TÙNG:

Phát huy vai trò xung kích của thanh niên

Theo tôi, một trong những đóng góp quan trọng của tuổi trẻ Phú Yên trong phong trào Tuổi trẻ Phú Yên chung tay xây dựng NTM, đó chính là nhiệm vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo và làm giàu trong các đối tượng thanh niên, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh.

Từ năm 2019 đến nay, các cấp bộ đoàn đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 3.000 đoàn viên, thanh niên có việc làm ổn định; giúp đỡ 15 mô hình khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên; khảo sát và cho vay 5.864 hộ đoàn viên, thanh niên nghèo về vốn, tổ chức 6 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Bên cạnh đó, để góp phần xây dựng khu vực nông thôn Phú Yên phát triển toàn diện, Đoàn Thanh niên các cấp đã tích cực phát huy tinh thần xung kích của thanh niên trong các hoạt động tham gia giữ gìn an ninh. Đoàn Thanh niên đã chủ động thành lập các đội tuyên truyền măng non, đội thanh niên xung kích an ninh, câu lạc bộ pháp luật, tích cực tham gia cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở cơ sở...

Trong thời gian tiếp theo, để thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước gắn với xây dựng NTM, Tỉnh đoàn mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo cơ chế chính sách và hỗ trợ nguồn lực các cấp ủy, chính quyền, sự giúp đỡ của các ngành, đoàn thể để tuổi trẻ Phú Yên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và trở thành điểm sáng trong công tác đoàn, phong trào thanh thiếu nhi nói chung và các phong trào, đặc biệt là phong trào Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM.

PHÓ TRƯỞNG BAN PHONG TRÀO ỦY BAN MTTQ TỈNH ĐẶNG THỊ MỸ LINH:

Nâng cao vai trò của Mặt trận các cấp

Trên cơ sở thực hiện 5 nội dung cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp đã triển khai các nội dung trọng tâm như: vận động các nguồn lực để hỗ trợ giảm nghèo bền vững thông qua Quỹ Vì người nghèo, các quỹ an sinh xã hội; thực hiện công tác hỗ trợ xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo; tập hợp ý kiến nhân dân đề xuất với các cấp ủy, chính quyền về chủ trương, cơ chế, chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM; tăng cường công tác giám sát thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, đô thị văn minh.

Đồng thời tổ chức phản biện đối với các dự thảo văn bản pháp luật, quy định, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án về giảm nghèo, xây dựng NTM, đô thị văn minh...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc vận động, Ủy ban MTTQ các cấp cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy trong triển khai thực hiện cuộc vận động; làm tốt vai trò chủ trì, hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên; tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về 5 nội dung của cuộc vận động; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái; vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào, mô hình tự quản tại công cộng...

PHÓ TRƯỞNG PHÒNG QUẢN LÝ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG (SỞ GT-VT) ĐINH VĂN CÔNG:

Đẩy mạnh thực hiện “Nhà nước và nhân dân cùng làm”

Đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn (GTNT) tỉnh Phú Yên giai đoạn 2013-2015 thực sự là chủ trương đột phá trong việc huy động sức dân trong công cuộc xây dựng NTM. Nếu so sánh với các nghị quyết về thực hiện xây dựng GTNT trước năm 2013 thì phần kinh phí hỗ trợ từ Nghị quyết 75/2013/NQ-HĐND thấp hơn.

Tuy nhiên, sự đúng đắn trong cơ chế thực hiện, đó là giao toàn bộ quyền làm chủ cho nhân dân, Nhà nước chỉ đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ xi măng, ống cống và một phần kinh phí bổ sung cho các địa phương, đã đem lại thành công ngoài mong đợi.

Tiếp nối thành công đó, Sở GT-VT đã tham mưu HĐND, UBND tỉnh triển khai Chương trình bê tông hóa GTNT các xã khu vực miền núi tỉnh Phú Yên giai đoạn 2017-2020 được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết 60/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016; được UBND tỉnh phê duyệt chương trình tại Quyết định 1280/QĐ-UBND ngày 27/6/2017 và điều chỉnh chương trình tại Quyết định 1611/QĐ-UBND ngày 10/9/2020 với tổng khối lượng chương trình là 478,9km, tổng vốn đầu tư 383,5 tỉ đồng (trong đó, kinh phí tỉnh hỗ trợ 193,79 tỉ đồng; ngân sách huyện 80,02 tỉ đồng; ngân sách xã và nhân dân đóng góp 110,10 tỉ đồng).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, để tiếp tục thu hút nguồn lực xã hội hóa trong làm GTNT, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt nhiều kết quả hơn nữa, các địa phương trên toàn tỉnh cần huy động cả hệ thống chính trị, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để một mặt tranh thủ nguồn lực trong dân, mặt khác nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân đối với việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông địa phương.

Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân trong phong trào thi đua xây dựng GTNT, làm cho người dân hiểu được lợi ích của việc đầu tư xây dựng GTNT và thay đổi nhận thức, không ỷ lại hoàn toàn vào việc đầu tư của Nhà nước; ưu tiên dành vốn ODA, ngân sách địa phương để phát triển GTNT gắn với CNH-HĐH nông thôn...

THIÊN LÝ (ghi)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/250091/giai-phap-xay-dung-doi-song-van-hoa-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi.html