Giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao

Giải quyết việc làm cho vận động viên sau giải nghệ, giải pháp đảm bảo công bằng, minh bạch trong thể thao thành tích cao, các chính sách đặc thù ưu đãi vận động viên, huấn luyện viên tài năng là những vấn đề được các đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 5/6.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Quang Minh (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) về những giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên sau khi giải nghệ, đặc biệt là những vận động viên gặp chấn thương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến vấn đề thể thao. Chính vì vậy Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã tập trung về lãnh đạo công tác thể thao, sau đó Chính phủ đã có các chiến lược, đề án để tổ chức thực hiện.

Từ các quan điểm lớn nêu trên, Chính phủ đã ban hành 8 chính sách để giúp đỡ, hỗ trợ cho các vận động viên, trong đó có vận động viên thể thao thành tích cao.

Các chính sách về đào tạo, ưu tiên giải quyết việc làm, chính sách về tiền thưởng trong thi đấu đã được triển khai và đến nay đã được áp dụng trong toàn quốc. Qua đó đã góp phần động viên, khích lệ đội ngũ thể thao thành tích cao đạt được những kết quả đáng phấn khởi.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đúng như đại biểu chia sẻ, để giải quyết được việc làm có tính chất căn cơ cho vận động viên thể thao sau khi thi đấu đỉnh cao còn nhiều khó khăn, trong đó nổi lên là:

Thứ nhất, do trình độ đào tạo và nghề nghiệp của họ chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian.

Thứ hai, nghề nghiệp đó cũng có thể chưa hẳn thích hợp với từng vận động viên và từng loại hình người ta đã được rèn luyện và thi đấu.

Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, giải pháp về mặt lâu dài chúng ta cũng thấy được không phải tất cả các vận động viên đều được trở về lại với các cơ quan để làm huấn luyện trong các đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước quản lý mà cũng phải nhận thức rằng, tiếp tục đổi mới hơn cách tiếp cận để có thể giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau.

Vì vậy, Bộ VHTT&DL đang đề xuất với Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành để tập trung đánh giá tổng thể về tác động hệ thống chính sách vừa qua, sau đó đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách mới sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vận động viên để có thể tập trung yên tâm thi đấu và sau đó được phát triển ngành, nghề theo đúng nguyện vọng, sở trường của mình.

"Đó cũng là cách về mặt lâu dài, trong đó có chính sách về tiền lương, chính sách về phụ cấp đặc thù và nhất là những chính sách mới mà vừa rồi trong Kết luận 70 đã đề cập, đó là nhà ở và đào tạo nghề sau quá trình thi đấu", Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đảm bảo công bằng, minh bạch trong thể thao, khi mà trong thời gian qua, dư luận xôn xao trước các vụ việc vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn. Những vụ việc trên đã làm xấu đi hình ảnh thể thao Việt Nam trong mắt công chúng và cũng thể hiện mặt trái của thể thao thành tích cao, phản ánh hiện thực chế độ đãi ngộ cho đối tượng này chưa phù hợp, cơ chế quản lý chưa hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, đây là điều nhức nhối của ngành, mặc dù chỉ là 2 sự việc có tính chất cá biệt, đó là vấn đề về tiền ăn của đội tuyển bóng bàn khi tham gia tập huấn tại Trung tâm Thể thao Hà Nội được tổ chức tại khu Mỹ Đình và tiền của đội thể dục dụng cụ chủ yếu có phần liên quan đến Trung tâm Thể thao của Hà Nội và bộ phận đội tuyển trung tâm.

Khi phát hiện, Bộ đã kiên quyết xử lý và cũng thực hiện phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là không có ngoại lệ và làm nghiêm theo quy định.

Qua xử lý, đã kỷ luật bằng phương pháp hành chính và thông tin, cung cấp cho các cơ quan chức năng khác để xem xét, điều tra khi có dấu hiệu tội phạm, đủ điều kiện sẽ xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật, chứ không có chuyện bao che, dung túng cho việc này. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho công tác huấn luyện.

Về phía Bộ VHTT&DL cũng phải kiểm điểm lại vì biết thông tin chậm. Vừa qua, Bộ đã cho rà soát lại việc này. Giải pháp trước hết bổ sung hoàn chỉnh quy định Bộ đã ban hành về quản lý đội tuyển, trong quy định này có rất rõ từng điều, khoản, chương, mục, từ tập luyện đến công tác quản lý.

Thứ hai là tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm. Lâu nay có kiểm tra nhưng kiểm tra về chất lượng đào tạo, còn ít kiểm tra về vấn đề chế độ, chính sách.

Thứ ba là công khai, minh bạch. Minh bạch ngay từ đầu vào là phải thông báo cho các em được bao nhiêu, chế độ tiền ăn là bao nhiêu một ngày, chế độ tiền thưởng là bao nhiêu và nghiêm cấm việc lập quỹ.

Đối với vấn đề tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau khi Quyết định số 223/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035" được Chính phủ phê duyệt, Bộ VHTT&DL đã chủ động tập trung phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ đã giao, trong đó nhóm việc thứ nhất là đề xuất để ban hành các chế độ, chính sách liên quan đến lĩnh vực này.

Hiện tại đối với vận động viên nói chung, trong đó có vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao đều được thụ hưởng 7 nhóm chính sách Đảng và Nhà nước đã ban hành trong thời gian qua, như vấn đề về tiền lương, tiền công, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ tiền thưởng bằng hiện vật khi đạt thành tích cao, chế độ dinh dưỡng đặc thù, chế độ về trang thiết bị luyện tập, chế độ về học tập văn hóa, đặc cách thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ưu tiên xét thẳng vào trường đại học, chế độ về ưu đãi học nghề, giải quyết việc làm, chế độ đặc thù khi vào nghề ở tuổi 15 và dưới 13.

Ngoài chế độ trên, các địa phương còn có chế độ riêng khen thưởng khi vận động viên đạt được thành tích cao. Để cụ thể hóa hơn nữa đối với thể thao thành tích cao, Bộ VHTT&DL đã phải tập trung để xây dựng các quy định trong công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng, xây dựng về chỉ tiêu, tiêu chí tuyển chọn, kế hoạch đào tạo và ban hành các giáo trình.

Hiện nay, căn cứ vào việc chúng ta tiếp cận đến thể thao thành tích cao theo các bộ môn của ASIAD và Olympic, căn cứ vào tình hình thực tiễn cũng như dự báo khả năng, chúng ta đã chọn ra được 15 bộ môn và tập trung cho công tác huấn luyện, đào tạo này. Riêng các trung tâm đào tạo Bộ quản lý cũng như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, hằng năm chúng ta cũng đào tạo trên 2.500 vận động viên ở lĩnh vực này. Vừa đào tạo, vừa tập huấn và chúng ta sử dụng nguồn lực của Nhà nước.

Như vậy, xét về tổng thể mặt chính sách cơ bản là đầy đủ và chúng ta đang thực hiện các chính sách theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, sắp tới để nâng cao chất lượng, nâng cao tốt vấn đề về thể thao, cần phải xem xét để đề xuất Chính phủ, nhất là tập trung cho nghiên cứu về khoa học thể thao để phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài.

Trước đây chúng ta thường vẫn làm cách cũ, chưa dựa trên các yếu tố khoa học, phát triển năng khiếu nhưng bây giờ phải ứng dụng gen và khả năng của gen, phân tích gen để bắt đầu đào tạo. Đó cũng là một cách tiếp cận mới với ví dụ trên để chúng ta tìm chọn ra được các huấn luyện viên và đào tạo các cấp tuổi khác nhau. Việc này sẽ phải được tiến hành song song đồng thời.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTT&DL đang tham mưu cho Chính phủ ban hành chiến lược về phát triển thể thao, trong đó có thể thao thành tích cao.

Minh Thúy

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/giai-quyet-viec-lam-cho-van-dong-vien-nghe-si-sau-thoi-ky-thi-dau-bieu-dien-dinh-cao-102240605223922624.htm