Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo Nguyễn Phan Vinh Quân chủng Hải quân: Khơi nguồn đam mê nghiên cứu, sáng tạo

Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo Nguyễn Phan Vinh Quân chủng Hải quân lần thứ XIII năm 2024 có 111 hồ sơ công trình đề tài, sáng kiến của cán bộ, đoàn viên thanh niên trong Quân chủng tham gia. Các công trình đề tài, sáng kiến đa dạng trên nhiều lĩnh vực, chất lượng ngày càng tăng, hiệu quả mang tính thực tiễn cao, được áp dụng rộng rãi đã góp phần rút ngắn thời gian, công sức của bộ đội trong học tập, huấn luyện, lao động, sản xuất.

Kể từ khi đi vào hoạt động (năm 2005) đến nay, Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo Nguyễn Phan Vinh Quân chủng Hải quân không chỉ thu hút số lượng lớn người tham gia mà các sản phẩm khi được áp dụng vào thực tiễn hoạt động tại đơn vị, doanh nghiệp đã thể hiện rõ tính khoa học, giá trị kinh tế, giá trị sử dụng. Kết quả này tiếp tục khẳng định sức hút và uy tín của giải thưởng đã góp phần tạo ra sân chơi trí tuệ hữu ích nhằm phát triển tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo của tuổi trẻ Hải quân trên các lĩnh vực công tác.

Nhóm nghiên cứu Viện Kỹ thuật Hải quân giới thiệu sản phẩm chế tạo thiết bị kiểm tra các bo mạch đài đo cao vô tuyến A-036 trên trực thăng Ka-28.

Nhóm nghiên cứu Viện Kỹ thuật Hải quân giới thiệu sản phẩm chế tạo thiết bị kiểm tra các bo mạch đài đo cao vô tuyến A-036 trên trực thăng Ka-28.

Trước đây việc kiểm tra, sửa chữa các bo mạch đài đo cao vô tuyến A-036 trên máy bay trực thăng Ka-28 của Lữ đoàn 954 Không quân Hải quân gặp rất nhiều khó khăn khi thiết bị hỏng hoặc gặp sự cố phải mất nhiều thời gian tìm kiếm, kiểm tra, sửa chữa. Với chức năng là cơ quan được phân công nhiệm vụ phối hợp cùng đơn vị trong việc theo dõi tình trạng kỹ thuật, Thượng úy Lê Thị Khánh (Chủ nhiệm đề tài), Thiếu úy Nguyễn Thu Thủy, Đại úy Trần Thị Hồng là Nghiên cứu viên thuộc Phòng Tích hợp, Kỹ thuật điều khiển, Viện Kỹ thuật Hải quân đã “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị kiểm tra các bo mạch đài đo cao vô tuyến A-036 trên trực thăng Ka-28”. Đây là một trong những đề tài đạt giải A Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo Nguyễn Phan Vinh Quân chủng Hải quân năm 2024.

 Cán bộ, nhân viên Đoàn Đo đọc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển thu thập số liệu đo sâu đa tia và ảnh sonar quét sườn.

Cán bộ, nhân viên Đoàn Đo đọc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển thu thập số liệu đo sâu đa tia và ảnh sonar quét sườn.

Thượng úy Lê Thị Khánh cho biết: “Quá trình nghiên cứu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì khoảng cách hai đơn vị ở quá xa, mỗi lần đo, thử, hiệu chỉnh thông số kỹ thuật đều phải mất nhiều thời gian. Với sự nỗ lực, quyết tâm cao nên nhóm tác giả đã phân công nhiệm vụ cụ thể trong việc nghiên cứu và đã đạt được mục tiêu đề ra. Đề tài giúp cho đơn vị thực hiện công tác kiểm tra, sửa chữa các bo mạch trong đài đo cao vô tuyến A-036 trên trực thăng Ka-28 một cách thuận tiện, dễ dàng phân loại các vùng hỏng hóc trên thiết bị, tiết kiệm thời gian, nhân công, góp phần nâng cao hệ số kỹ thuật của máy bay, khả năng SSCĐ, học tập, công tác của đơn vị”.

Hiện tại, sản phẩm này đã được ứng dụng vào thực tế tại Lữ đoàn 954 và đã được Hội đồng khoa học cấp Tổng cục Kỹ thuật nghiệm thu. “Trước đây, đơn vị chỉ kiểm tra được đài đo cao A-036 ở trạng thái tốt hay xấu, không chỉ ra được vùng hỏng hóc trên thiết bị. Hiệu quả khi áp dụng đề tài này vào thực tiễn cho thấy khả năng làm việc ổn định, kiểm tra chính xác, độ tin cậy cao hơn so với các thiết bị hiện có của đơn vị”- Thượng tá QNCN Phùng Văn Cường, Trạm trưởng Trạm bảo dưỡng sửa chữa mặt đất, Lữ đoàn 954 Hải quân cho biết.

Cán bộ, nhân viên Đoàn Đo đọc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển lấy mẫu phân loại trầm tích bề mặt đáy biển.

Cán bộ, nhân viên Đoàn Đo đọc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển lấy mẫu phân loại trầm tích bề mặt đáy biển.

Ở lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhóm tác giả: Đại úy Cao Hoàng Trưởng (Chủ nhiệm), Đại úy Đặng Văn Chức, Thiếu úy Phạm Thị Vân Anh thuộc Đội đo đạc ngoại nghiệp và xử lý số liệu, Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, Bộ Tham mưu Hải quân với sáng kiến “Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu tán xạ ngược đa chùm tia và ảnh quét sườn trong phân loại trầm tích bề mặt đáy biển khu vực ven bờ”.

Đề tài này được nghiên cứu và xây dựng trên cơ sở thực trạng và đòi hỏi cấp bách về công tác phân loại trầm tích, chuẩn bị dữ liệu địa hình, địa mạo đáy biển đáp ứng nhiệm vụ cung cấp nhiều thông tin cho việc xác định vị trí neo đậu tàu, nằm đáy của tàu ngầm, vị trí thả phao buộc tàu, lắp đặt cáp ngầm, đánh giá bồi lắng của đáy biển, hoạt động phát triển kinh tế, xã hội.

Theo Đại úy Cao Hoàng Trưởng, trước đây đơn vị thực hiện nhiệm vụ đo đạc, khảo sát đáy biển bằng phương pháp phân loại truyền thống như thu thập các mẫu trầm tích bằng gầu, ống phóng trọng lực, lặn quan sát mất nhiều thời gian, công sức. Qua thực tiễn cho thấy, phương pháp phân loại trầm tích từ dữ liệu tán xạ ngược đa chùm tia và ảnh quét sườn có tính hiệu quả và độ tin cậy cao, giúp giảm thời gian, chi phí điều tra, thăm dò ngoài thực địa so với phương pháp truyền thống.

Chuẩn Đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó chính ủy Hải quân, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng cho biết: “Giải thưởng năm nay đã thu hút được nhiều đề tài, sáng kiến tham gia nhất kể từ năm 2005 ra đời đến nay. Lĩnh vực mà các đề tài, sáng kiến đề cập, tiếp cận khá rộng, sát với yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, đơn vị”.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giải thưởng, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong đoàn viên thanh niên hiểu sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của việc nghiên cứu khoa học, nhất là ứng dụng trong chuyển đổi số với thực hiện nhiệm vụ thực tiễn ở đơn vị. Cùng với đó phải có cơ chế, chính sách đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đoàn viên thanh niên phát huy vai trò, sức sáng tạo trong nghiên cứu khoa học để phát triển tài năng trẻ, chắp cánh cho những ước trở thành hiện thực trong mọi lĩnh vực công tác.

Bài, ảnh: DUY KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/giai-thuong-tuoi-tre-sang-tao-nguyen-phan-vinh-quan-chung-hai-quan-khoi-nguon-dam-me-nghien-cuu-sang-tao-768577