Giám sát của Quốc hội thể hiện rõ đổi mới, sáng tạo

Ngày 20/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH 15 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 là một bước quán triệt và cụ thể hóa để bảo đảm thực hiện có hiệu quả Kết luận số 843 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Đảng đoàn Quốc hội về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, hướng dẫn cụ thể một bước nội dung để tạo sự thống nhất, chủ động của các cơ quan, trong nhận thức thực hiện Nghị quyết số 560 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, quy định của Hiến pháp, định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm và tìm ra giải pháp xác đáng, khả thi, chú trọng giám sát thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.

“Hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội đã xác định rõ việc đổi mới, đẩy mạnh công tác giám sát là khâu then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Qua giám sát đã phát hiện những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật” - ông Phương đánh giá.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận về định hướng xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ. Với tinh thần luôn đổi mới, yêu cầu đặt ra với công tác giám sát của Quốc hội nói chung và hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng là phải bảo đảm đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các văn bản liên quan và yêu cầu đổi mới của hoạt động giám sát.

Để đạt được mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở vững chắc cho việc huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, ông Phương cho biết: Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, kịp thời phát hiện những nội dung văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, pháp luật, văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên không còn phù hợp để thi hành sửa đổi, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản.

“Trên cơ sở kết quả hoạt động giám sát, các cơ quan đưa ra những nhận định, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đề xuất kiến nghị và yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện nghiêm chỉnh trách nhiệm của mình, khắc phục hạn chế, yếu kém, có các giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước”-ông Phương nêu rõ.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-sat-cua-quoc-hoi-the-hien-ro-doi-moi-sang-tao-5705407.html