Giám sát phải 'đến nơi đến chốn, có bằng chứng cụ thể'

'Chúng ta phải làm đến nơi, đến chốn, có bằng chứng cụ thể, có đánh giá sát đúng với từng lĩnh vực, đưa ra kiến nghị, đề xuất sắc sảo và cũng phải theo dõi cả việc tổ chức thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát', Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị trực tuyến ngày 4/11

Lắng nghe “nhiều kênh, nhiều tai”

Ngày 4/11, Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 được tổ chức trực tuyến với 62 điểm cầu trên cả nước. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là hội nghị trực tuyến toàn quốc đầu tiên trong nhiệm kỳ này để triển khai công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc giám sát với tinh thần xây dựng, phát huy được mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt việc tốt để nhân rộng. Đó mới là giám sát, chứ không chỉ nhăm nhăm phát hiện khuyết điểm, sai phạm.

Quá trình giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trưởng đoàn và các thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm quy định của Luật Giám sát. Theo Chủ tịch Quốc hội, lần này, mỗi người chỉ tham gia một đoàn giám sát, chứ không có chuyện “đánh trống ghi tên”, ông Vương Đình Huệ cũng yêu cầu đoàn giám sát phải lắng nghe “nhiều kênh, nhiều tai”. Đồng thời, khi giám sát không được sách nhiễu, gây phiền hà, không “cua cậy càng, cá cậy vây”. “Đây là vấn đề các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhắc nhiều lần”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.

Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu trong quá trình giám sát phát hiện những dấu hiệu sai phạm đối với tất cả các lĩnh vực thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội. Đồng thời phải cụ thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Do đó, giám sát phải khoa học, chặt chẽ, cán bộ tham gia giám sát phải bản lĩnh. “Chúng ta cũng sẽ có cách để giám sát lại những người đi giám sát. Mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Lãnh đạo Quốc hội cũng yêu cầu các trưởng, phó đoàn và các thành viên trong đoàn giám sát phải có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật, tránh tình trạng khi phát hiện ở dưới cơ sở bằng “con voi”, nhưng lên dần các cấp thì “gọt giũa hết”, cuối cùng chẳng còn gì để bàn. Đối với từng bộ, ngành và cơ quan chức năng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chủ động theo kế hoạch chi tiết đã được giao, kịp thời kiến nghị, đề xuất với các Đoàn giám sát những vấn đề phát sinh và những vấn đề liên quan. Đối với những nghi vấn liên quan quản lý và bảo mật thông tin, cũng hết sức chú ý, tránh tình trạng “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường”.

2 tỉnh, 3 bộ đầu tiên dự kiến giám sát

Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, nhiệm kỳ qua, HĐND, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức 23 cuộc giám sát, khảo sát. Trong lần giám sát này, Hà Nội kiến nghị điều chỉnh về thời gian đối với các địa phương giám sát, vì thời gian cuối năm là “về đích” nhiều nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Trước kiến nghị trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, lịch làm việc cụ thể của Đoàn giám sát với các địa phương sẽ được lựa chọn trên nguyên tắc bảo đảm “trọng tâm, trọng điểm, đúng mục đích”. “Hai địa phương đã thực hiện xong quy hoạch và trình Thủ tướng phê duyệt là Bắc Giang, Hà Tĩnh, chắc chắn chúng tôi phải có kế hoạch làm việc với địa phương này”, ông Thanh nói. Ngoài ra, các Bộ KH&ĐT, TN&MT và Bộ Xây dựng là những bộ tham mưu cho Chính phủ để triển khai hệ thống quy hoạch này, Đoàn giám sát cũng dự kiến sẽ làm việc.

Liên quan nội dung giám sát về quy hoạch, ông Thanh nhận định, Luật Quy hoạch rất khó và rất phức tạp, phương pháp rất mới. Vì thế, Quốc hội Khóa XIV phải mất nhiều kỳ để thảo luận, xem xét, thông qua. Có đến 73 luật, nghị quyết, pháp lệnh liên quan công tác quy hoạch đã được xem xét để có một hệ thống cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ. Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, so với hệ thống quy hoạch trước đây, bây giờ đã gọn nhiều. “Với thời hạn và nội dung như thế, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sớm báo cáo theo đúng tiến độ, giúp Đoàn giám sát có thông tin triển khai bước tiếp theo”, ông đề nghị.

Năm 2022, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 4 chuyên đề, gồm: thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực; tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Khẳng định sự cần thiết của chuyên đề giám sát, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, qua giám sát, làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan hành chính, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. “Đây sẽ là cơ sở để Thanh tra Chính phủ chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước cho công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, đặc biệt là những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài”, ông Liêm nói.

THÀNH NAM

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giam-sat-phai-den-noi-den-chon-co-bang-chung-cu-the-post1390529.tpo