Giám sát rác thải bãi biển, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Nhóm các nhà khoa học Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện thành công nhiệm vụ: 'Điều tra, xây dựng mô hình giám sát rác thải biển và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng ven biển Nam Trung Bộ' (mã số: UQSNMT.02/21-22) nhằm cung cấp dữ liệu về rác thải biển, đánh giá hiệu quả các chiến lược, kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải đại dương trên toàn cầu, ở cấp độ quốc gia, cấp khu vực và cấp địa phương.

Các lực lượng tham gia chiến dịch làm sạch môi trường tại Cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Võ Văn Dũng/TTXVN

Các lực lượng tham gia chiến dịch làm sạch môi trường tại Cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Võ Văn Dũng/TTXVN

Trong khuôn khổ nghiên cứu, các nhà khoa học đã kết hợp điều tra, khảo sát hiện trạng với mô hình tính toán sự lan truyền rác thải biển để xây dựng thành công mô hình giám sát rác thải bãi biển đầu tiên tại Việt Nam. Cụ thể, các nhà khoa học đã xác định nguồn gốc của rác thải biển tại khu vực ven biển vùng Nam Trung Bộ gồm Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định). Qua xác định nguồn gốc địa lý của rác thải biển cho thấy, khoảng 80% số lượng rác thải biển trong khu vực có nguồn gốc lục địa, khoảng 20% có nguồn gốc trên biển.

Từ số liệu điều tra, các nhà nghiên cứu đã xây dựng thành công mô hình giám sát rác thải biển và thực hiện thí điểm tại khu vực Đà Nẵng. Cụ thể, tính toán sự lan truyền của rác thải bằng phao đo quỹ đạo trôi của khối nước chứa rác kết hợp với phần mềm tính toán DELFT3D xác định vị trí xây dựng mô hình giám sát (vị trí tập trung của rác thải biển).

Vị trí đơn vị thu mẫu giám sát rác thải biển khu vực có tọa độ 4 điểm thuộc bãi vịnh Đà Nẵng, có chiều dài dọc theo bãi biển 100 m, chiều rộng bãi 25 m. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công danh mục rác thải biển cho khu vực Đà Nẵng (sử dụng cho các kỳ giám sát tiếp theo) và xây dựng hướng dẫn đánh giá, kiểm soát chất. Tổng số lượng rác thải quan sát tại khu vực cửa sông Hàn (Đà Nẵng) có mật độ rác thải nổi ở cửa sông xu hướng tăng cao vào mùa khô và giảm vào mùa mưa.

Chủ nhiệm nhiệm vụ, Tiến sỹ Dương Thị Lịm, Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Địa lý chia sẻ, mô hình giám sát rác thải biển của nhóm nghiên cứu có thể ứng dụng để giám sát hiện trạng rác thải biển tại khu vực Đà Nẵng và đánh giá xu hướng của rác thải trong môi trường biển. Kết quả nhiệm vụ đã hỗ trợ hiệu quả cho các đơn vị có liên quan nhằm xây dựng chính sách, kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, đánh giá các chính sách phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.

Lượng lớn bèo tây bị chết và nhiều loại rác thải dạt vào bờ cửa biển Cửa Việt (Quảng Trị). Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Lượng lớn bèo tây bị chết và nhiều loại rác thải dạt vào bờ cửa biển Cửa Việt (Quảng Trị). Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Để giảm thiểu ô nhiễm rác thải biển, nhóm nghiên cứu mong muốn, thời gian tới, các địa phương vùng ven biển Nam Trung Bộ cần xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu ô nhiễm rác thải tại địa phương, đặc biệt quan tâm đến giải pháp quản lý rác thải rắn trong lĩnh vực thủy sản, đô thị, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại rác thải biển với hệ sinh thái, kinh tế - xã hội.

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có địa hình đan xen giữa rừng, núi và biển. Các thành phố ven biển có nhiều bãi biển đẹp, khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình nóng quanh năm thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội đặc biệt là ngành du lịch - dịch vụ. Tuy nhiên, sự đô thị hóa, các thành phố ven biển phát triển nhanh, gây ra ô nhiễm rác thải, chất thải từ hoạt động sinh hoạt, kinh tế như: Hàng hải, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, kinh doanh du lịch - dịch vụ là vấn đề cấp bách cần được sự quan tâm hiện nay.

Diệu Thúy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/giam-sat-rac-thai-bai-bien-giam-thieu-o-nhiem-moi-truong-20240705145354452.htm