Giảm thiểu tảo hôn ở Háng Đồng

5 năm trở lại đây, tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc Mông xã vùng cao Háng Đồng (Bắc Yên) giảm mạnh, người dân từng bước nhận thức được hệ lụy của tảo hôn đối với đời sống. Đó là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và những người làm công tác dân số xã, cộng tác viên dân số các bản.

Giờ ngoại khóa phòng, chống tảo hôn tại Trường Tiểu học & THCS Háng Đồng (Bắc Yên).

Giờ ngoại khóa phòng, chống tảo hôn tại Trường Tiểu học & THCS Háng Đồng (Bắc Yên).

Theo anh Mùa A Bá, cán bộ phụ trách dân số của Trạm Y tế xã Háng Đồng, việc tảo hôn diễn ra từ lâu đời. Gia đình có con trai thì muốn lấy vợ cho con sớm để có thêm lao động, còn con gái là phải lấy chồng sớm... Và hủ tục “bắt vợ’ của đồng bào Mông cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng tảo hôn thêm phức tạp. Bởi vậy, nhiều em gái đã bỏ học lấy chồng ở cái tuổi mới lớn, ăn chưa no, lo chưa tới, trở thành “vợ chồng nhí”, không có kinh nghiệm chăm sóc con, dẫn đến việc những đứa trẻ sinh ra từ bố mẹ tảo hôn thường ốm yếu, suy dinh dưỡng...

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, trước tiên là phải làm thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ hiểu rõ hệ lụy của tảo hôn. Vì vậy, các tổ chức đoàn thể của xã và ban quản lý các bản tăng cường tuyên truyền, phân tích hệ lụy của tảo hôn trong các cuộc họp bản, của đoàn thể; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, bản..., từng bước giúp bà con hiểu rằng tảo hôn luôn đi cùng với sự nghèo đói và tác động trực tiếp làm suy thoái giống nòi. Trong thực hiện, xã đã khuyến khích, phát huy vai trò của trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu rõ hệ lụy của tảo hôn đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, chỉ đạo các nhà trường trên địa bàn tổ chức các hoạt động ngoại khóa có nội dung về hệ lụy của tảo hôn; định hướng cho các em về tình bạn, tình yêu ở lứa tuổi vị thành niên; giúp các em hiểu rõ về những tác hại của tảo hôn, không kết hôn trong độ tuổi còn cắp sách đến trường...

Tại các bản trong xã, nội dung giảm thiểu tảo hôn được đưa ra cuộc họp toàn bản để bà con thảo luận, thống nhất và đưa vào nội dung quy ước của bản cùng thực hiện. Trong đó, gắn trách nhiệm của ban quản lý bản, các đoàn thể ở bản với việc giảm thiểu tảo hôn; quy định rõ mức phạt các trường hợp vi phạm... Nêu cao vai trò gương mẫu của các gia đình cán bộ, đảng viên trong việc nói không với tảo hôn... Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tình trạng tảo hôn ở Háng Đồng từng bước giảm dần, nếu như năm 2015, cả xã có trên 10 cặp tảo hôn, thì hiện nay chỉ còn 1-2 cặp tảo hôn/năm.

Đánh giá về kết quả giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong thời gian qua của xã, ông Mùa A Chơ, Chủ tịch UBND xã Háng Đồng phấn khởi cho biết: Tình trạng tảo hôn ở xã Háng Đồng là bài toán khó, nhưng bước đầu đã có lời giải. Phần lớn bà con trong xã đã có nhận thức rõ về những hệ lụy của tảo hôn, những tác động không tốt của nó đến đời sống, ảnh hưởng trực tiếp đến giống nòi... Đây là điều kiện tốt để trong thời gian tới xã tiếp tục vận động người dân xóa bỏ hủ tục tảo hôn, nhất là ở hai bản đặc biệt khó khăn của xã là Làng Sáng và Háng Đồng C.

Những kết quả đạt được trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở xã vùng cao Háng Đồng đã và đang tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn xã. Đặc biệt, giúp các em học sinh nơi đây tiếp tục được đến trường, thắp lên ước mơ về một tương lai tươi sáng.

Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/giam-thieu-tao-hon-o-hang-dong-25896