Giảm trừ gia cảnh: Không thể 'một mức cho tất cả'

Theo Giám đốc Công ty Tài chính kế toán thuế Centax, Chủ tịch Hội Quản trị và Kiểm soát nội bộ Việt Nam BÙI THỊ LỆ PHƯƠNG, hai phương án tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân Bộ Tài chính đưa ra cao hơn hiện hành nhưng vẫn chưa theo kịp trượt giá và tăng lương cơ sở. 'Cần điều chỉnh linh hoạt theo thực tế và giao Chính phủ thực hiện, đồng thời phân chia theo vùng để bảo đảm công bằng, tránh áp dụng một mức chung cho cả nước', bà Phương đề xuất.

Khởi điểm chịu thuế vẫn còn thấp

- Bà nhìn nhận thế nào về đề xuất của Bộ Tài chính giảm số bậc trong biểu thuế thu nhập cá nhân xuống còn 5 bậc thay vì 7 bậc như hiện hành?

- Trước hết, tôi rất tán thành với việc điều chỉnh giảm số bậc trong biểu thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc xuống còn 5 bậc như trong dự thảo. Việc thay đổi này là đúng và rất tốt, vì nó làm cho mức thuế được kéo giãn ra, việc kê khai thuế cũng như quản lý thuế cũng dễ dàng hơn, phù hợp với xu hướng cải cách thuế thu nhập cá nhân trên thế giới, như Bộ Tài chính đã chỉ ra. Việc kéo giãn bậc thuế như dự thảo cũng không làm cho mức thuế bị giảm đi nhiều, nên việc kéo giãn là phù hợp, không nên để quá nhiều bậc như hiện nay.

- Vấn đề người dân quan tâm là họ sẽ được hưởng lợi như thế nào với biểu thuế mới, thưa bà?

- Bộ Tài chính tính toán, cá nhân có thu nhập tính thuế 10 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 250.000 đồng/tháng; cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 850.000/tháng; cá nhân có thu nhập tính thuế 40 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 750.000 đồng/tháng; cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng sẽ được giảm 650.000 đồng/tháng…

Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, với biểu thuế mới này, việc người dân được hưởng lợi sẽ không nhiều lắm, vì nó kéo dài mức thuế 5% giữa các bậc hiện hành thành 10%, song thực ra chỉ có 5 mức mà thôi. Nếu thu nhập trên 80 triệu đồng hoặc trên 100 triệu đồng/tháng thì vẫn phải chịu thuế 35%.

Mặt khác, hiện nay, thu nhập của người dân đều đã tăng lên. Thu nhập bình quân đầu người vào năm 2024 là 5,4 triệu đồng/tháng, tăng 28,57% so với năm 2020. Các chi phí cũng tăng, với mức trượt giá mỗi năm gần 10%. Trong khi đó, ở biểu thuế mới, khởi điểm chịu thuế ở bậc 1 là đến 10 triệu đồng/tháng, thay vì mức đến 5 triệu đồng/tháng như hiện hành, nhưng vẫn là mức thấp so với thu nhập bình quân, chi phí xã hội. Cần điều chỉnh tăng mức này lên tối thiểu 15 triệu đồng/tháng mới tính thuế 5%. Tương tự, các bậc 2, 3, 4, 5 cũng cần giãn ra.

Đáng chú ý nữa là ở mức thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng thì thuế suất gần như không đổi, ở mức 35%. Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất thêm phương án áp thuế 35% với mức thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng. Ở đây, chúng ta cần có chính sách khuyến khích hơn đối với những người có thu nhập cao, để bù đắp cho những người có thu nhập thấp.

Cần nhắc lại, GDP đầu người của Việt Nam năm 2007 là hơn 800 USD/người, khi đó, mức thu nhập 80 triệu đồng/tháng trở lên là rất cao, nhưng hiện nay GDP bình quân đầu người đã vượt 4.000 USD mà vẫn áp dụng mức thu nhập trên 80 triệu hoặc trên 100 triệu đồng/tháng để áp thuế suất 35% sẽ không tương xứng. Do vậy, cần cân nhắc nâng mức thu nhập chịu thuế 35% lên 150 - 200 triệu đồng/tháng, như vậy mới khuyến khích người có thu nhập cao kê khai, đóng thuế nhiều hơn.

Nên phân chia theo vùng

- Điều người dân cũng hết sức quan tâm là giảm trừ gia cảnh hiện bị cho là lạc hậu. Bộ Tài chính cũng đề xuất mức giảm trừ gia cảnh tăng lên so với hiện nay. Ý kiến của bà thế nào?

- Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, thì ở phương án 1, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 13,3 triệu đồng/tháng (159,6 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 5,3 triệu đồng/tháng. Ở phương án 2, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 15,5 triệu đồng/tháng (186 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 6,2 triệu đồng/tháng.

Mặc dù cả hai mức này đều đã cao hơn so với mức giảm trừ gia cảnh hiện hành song tôi cho rằng vẫn còn thấp so với bối cảnh hiện tại, khi trượt giá mỗi năm gần 10%, đồng thời cũng chưa tương xứng với mức điều chỉnh của lương cơ sở.

Tất nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc chọn phương án 2 có thể là phù hợp, nhưng 3 - 5 năm tới thì chưa chắc. Vì thế, theo tôi, cần xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho linh hoạt theo tình hình thực tế, và nên giao cho Chính phủ thực hiện điều chỉnh. Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nên phân chia theo vùng, để những thành phố lớn, có chi phí xã hội đắt đỏ thì mức giảm trừ gia cảnh cao hơn so với các địa phương khác. Bởi nếu áp dụng chung cho toàn quốc sẽ tạo ra sự không công bằng.

- Hiện, vẫn có những luồng ý kiến khác nhau về đề xuất biểu thuế thu nhập cá nhân cũng như mức giảm trừ gia cảnh. Theo bà, để có thể thiết kế quy định phù hợp thực tế, tránh tình trạng vừa ban hành xong đã lạc hậu, cần lưu ý điều gì?

- Việc xây dựng biểu thuế thu nhập cá nhân cũng như mức giảm trừ gia cảnh cần bảo đảm các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, không bỏ sót người nộp thuế có thu nhập cao. Thứ hai, bảo đảm thu nhập cho người có thu nhập thấp, nếu họ có thu nhập thấp thì không phải chịu thuế. Thứ ba, phải khuyến khích người có thu nhập cao tự nguyện nộp thuế để bù đắp cho người có thu nhập thấp. Điều quan trọng nhất là, phải bảo đảm cho những người có mức thu nhập thấp hoặc ở mức trung bình - vốn chiếm một bộ phận đông đảo trong xã hội không phải chịu mức thuế suất cao.

Việc tính thuế cần dựa vào lương thực tế, trượt giá, thu nhập bình quân đầu người, mức sống ở từng vùng, từng khu vực, để bảo đảm sự công bằng. Khi điều chỉnh về mức giảm trừ gia cảnh thì cần linh động theo tình hình thực tế. Nếu không bảo đảm các yếu tố đó, chúng ta sẽ khó có được biểu thuế thu nhập cá nhân phù hợp.

- Xin cảm ơn bà!

2 phương án sửa đổi biểu thuế thu nhập cá nhân theo dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế)

Phương án 1:

Phương án 2:

Đan Thanh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giam-tru-gia-canh-khong-the-mot-muc-cho-tat-ca-10380929.html