Gian nan cai nghiện ma túy tự nguyện

Cùng với cai nghiện bắt buộc, cai nghiện ma túy tự nguyện cũng là biện pháp cần thiết để giảm số người nghiện ma túy trong cộng đồng. Tuy nhiên ở Hải Dương, hoạt động này đã và đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Ở Hải Dương, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh hiện là đơn vị duy nhất đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Trong ảnh: Học viên học nghề tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh

Ở Hải Dương, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh hiện là đơn vị duy nhất đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Trong ảnh: Học viên học nghề tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh

Số người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập giảm

Hiện nay, theo quy định có 2 hình thức cai nghiện may túy tự nguyện là tại các cơ sở công lập và tại gia đình, cộng đồng. Số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy số người cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương thời gian gần đây có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2022 là 221 người, năm 2023 là 114 người và từ đầu năm 2024 đến nay, cơ sở mới tiếp nhận hơn 40 người.

Theo lực lượng Công an tỉnh Hải Dương, hiện tình hình tội phạm về ma túy tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Tình hình mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép ma túy có chiều hướng gia tăng, tập trung vào giới trẻ. Thực trạng này cho thấy không hẳn vì số người nghiện ma túy giảm nên số người tham gia cai nghiện tự nguyện cũng giảm theo.

Một trong những nguyên nhân cơ bản đó là các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy đa phần không tự giác, không chấp hành, không phối hợp với cơ quan chức năng trong xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, không tự giác đăng ký hình thức cai nghiện ma túy, bỏ trốn khỏi nơi cư trú khi bị phát hiện nghiện. Phần lớn các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy là do lực lượng công an phát hiện, thực hiện cai nghiện bắt buộc.

Xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) tiềm ẩn nhiều phức tạp về tình hình tội phạm ma túy cũng như người nghiện ma túy. Tuy nhiên, công tác vận động người cai nghiện ma túy tự nguyện trên địa bàn vẫn gặp không ít khó khăn. Anh Lê Anh Hưng, Phó trưởng Công an xã Tiền Tiến cho biết dù ngành chức năng luôn đẩy mạnh tuyên truyền nhưng mấy năm gần đây, xã mới chỉ có 1 trường hợp tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện. Hiện nay, y tế cơ sở cũng còn nhiều hạn chế trong công tác giám định để phát hiện người nghiện ma túy. Hầu hết người nghiện ma túy không muốn đi cai nghiện. Họ tìm mọi cách che giấu tình trạng nghiện của bản thân. Chỉ đến khi nghiện nặng, bị cơ quan chức năng phát hiện, người nghiện mới đi cai nghiện và chủ yếu theo hình thức bắt buộc.

Bên cạnh đó, chi phí cai nghiện tự nguyện cũng được xem là khó khăn đối với người nghiện. Theo quy định, ngoài phần được hỗ trợ, mỗi tháng người cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương phải đóng hơn 430.000 đồng/người. Mỗi liệu trình cai nghiện thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Người nghiện ma túy thường không có nguồn thu nhập ổn định, thậm chí còn tiêu tốn hết tài sản của gia đình. Nhiều gia đình không có kinh phí nên thường lựa chọn cho người thân đi cai nghiện bắt buộc, thay vì cai nghiện tự nguyện.

Cán bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp lực lượng Công an xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) thăm hỏi, nắm bắt tâm tư của người đã hoàn thành liệu trình cai nghiện ma túy tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh

Cán bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp lực lượng Công an xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) thăm hỏi, nắm bắt tâm tư của người đã hoàn thành liệu trình cai nghiện ma túy tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh

Chưa triển khai cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng

Tại Hải Dương, việc tổ chức thực hiện chính sách cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ vẫn chưa thể thực hiện được. Khi nghị định này có hiệu lực, Hải Dương chưa có tổ chức, cá nhân, đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện cung cấp dịch vụ. Đến nay, sau khi rà soát, nâng cấp, bổ sung, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh đã được UBND các huyện, thị xã, thành phố công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, khi triển khai thí điểm hoạt động này tại phường Cộng Hòa (Chí Linh) đã bộc lộ nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại địa phương không bảo đảm đủ điều kiện để thực hiện giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần và các bệnh lý khác.

Để tháo gỡ khó khăn, năm 2023, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Công an tỉnh xây dựng hướng dẫn việc cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng sẽ thực hiện ít nhất 3 giai đoạn đầu của quy trình cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh. Các giai đoạn còn lại thực hiện tại xã, phường, thị trấn nơi người nghiện cư trú.

Tuy nhiên, hiện nay tỉnh chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với lĩnh vực cai nghiện ma túy. Vì vậy, chưa xác định được mức thu khi triển khai dịch vụ này đối với các giai đoạn thực hiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh. Do đó, chưa triển khai được việc cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Ông Vũ Trí Quang, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương cho biết ngành đề xuất tỉnh sớm ban hành nghị quyết quy định một số nội dung chi, mức chi trong công tác phòng chống ma túy, trong đó có nội dung hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy tự nguyện. Đồng thời đề nghị nâng cấp trung tâm y tế tuyến huyện đủ điều kiện tham gia thực hiện việc cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng…

Thiết nghĩ trước mắt, khi chưa triển khai được việc cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng thì lực lượng chức năng của tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tác hại của ma túy, để những gia đình có người nghiện và bản thân người nghiện ma túy sớm lựa chọn việc cai nghiện ma túy phù hợp với hoàn cảnh.

NGỌC THANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/gian-nan-cai-nghien-ma-tuy-tu-nguyen-385740.html