Giảng viên Học viện Ngoại giao: Hạnh phúc với mỗi chuyến đò 'rời bến, sang sông'

'Học viện Ngoại giao là một môi trường văn minh, có truyền thống tôn sư trọng đạo, đoàn kết và cống hiến. Tôi rất tự hào được là một phần của nơi ấy', Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh, Trưởng Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao chia sẻ trong không khí hướng tới kỷ niệm Ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Các cán bộ ngoại giao, Đại sứ, Trưởng đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng sinh viên Học viện Ngoại giao trong buổi giao lưu với bà Michelle Bachelet, nguyên Tổng thống Chile, nguyên Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, nguyên Giám đốc điều hành UN Women, ngày 3/4. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Các cán bộ ngoại giao, Đại sứ, Trưởng đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng sinh viên Học viện Ngoại giao trong buổi giao lưu với bà Michelle Bachelet, nguyên Tổng thống Chile, nguyên Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, nguyên Giám đốc điều hành UN Women, ngày 3/4. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Ông cảm nhận như thế nào khi cùng lúc đặt trên vai hai “sứ mệnh” - nhà ngoại giao và nhà giáo?

Mỗi giảng viên của Học viện Ngoại giao phải ý thức rằng mình vừa là một nhà giáo lại vừa là một nhà ngoại giao. Cũng như các đồng nghiệp của mình, tôi cảm thấy “vai trò kép” ấy mang lại cho chúng tôi niềm vinh dự, tự hào, đồng thời đặt lên vai nhiều trọng trách hơn.

Mỗi một vai trò lại đòi hỏi những kỹ năng chuyên biệt, tuy nhiên lại cũng có nhiều điểm giao thoa, tương đồng và bổ trợ lẫn nhau. Nhà ngoại giao và nhà giáo đều cần có khả năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ, tạo ảnh hưởng, truyền cảm hứng, tuy nhiên ở những mức độ và sắc thái khác nhau. Là nhà ngoại giao, chúng tôi phải giữ gìn hình ảnh của mình đại diện cho quốc gia, dân tộc. Là nhà giáo, chúng tôi phải giữ gìn hình ảnh của mình là những tấm gương để các trò tin tưởng, tôn trọng.

Một điểm đặc biệt nữa mà chúng tôi thu nhận được từ việc thực hiện “vai trò kép” này, đó là chúng tôi có những điều kiện tuyệt vời để mang những kiến thức hàn lâm áp dụng vào thực tế, đồng thời, qua những trải nghiệm làm phong phú, sâu sắc, đổi mới, cập nhật hơn kiến thức của mình. Chính đặc điểm này giúp chúng tôi truyền được cảm hứng cho sinh viên trong mỗi giờ học thông qua ví dụ thực tiễn sinh động và nuôi dưỡng trong các em ý thức về ước mơ, hoài bão phụng sự cho lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Nhờ có sự gắn kết với ngành ngoại giao mà chúng tôi xây dựng được nhiều môn học rất hữu ích và mang tính đặc thù của ngành như lễ tân ngoại giao, ngoại giao số, xây dựng kỹ năng truyền thông đối ngoại, ngoại giao công chúng, ngoại giao văn hóa... Chính những môn học mang tính “đặc sản” này sẽ tạo lợi thế cho sinh viên khi ra trường. Các em không chỉ có chuyên môn tốt mà còn có tầm nhìn rộng lớn, phong thái đĩnh đạc, ngoại ngữ tốt và khả năng hòa nhập, thích ứng nhanh với các môi trường khác nhau, mạnh dạn tự tin trong môi trường quốc tế.

Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm khó quên trong những năm tháng đứng trên giảng đường Học viện Ngoại giao?

Tại Học viện Ngoại giao, học luôn đi đôi với hành, tôi vẫn nhớ như in những chuyến đưa sinh viên đi học tập thực tế trong môn học Truyền thông và Phát triển xã hội tại những địa bàn khó khăn như Mù Cang Chải, Khau Phạ (Yên Bái), Hà Giang... Những kiến thức các bạn thu được không chỉ trên ghế nhà trường mà còn qua những chuyến thực tế thật vất vả mà cũng thật nhiều kỷ niệm khó quên như thế.

Năm vừa qua, chúng tôi đã đưa sinh viên đi thực tế hỗ trợ hoạt động truyền thông tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong (Trung Quốc), đây là những kỷ niệm mang lại những cảm xúc sâu đậm của cả thầy và trò. Các bạn sinh viên được trải nghiệm môi trường làm việc ở nước ngoài, được trực tiếp học hỏi và va chạm với môi trường đa văn hóa, được áp dụng những kiến thức được học vào công việc thực tiễn...

Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại là một trong những khoa đầu tiên có sáng kiến gửi sinh viên đi thực tập trực tuyến và cả hoạt động thực tế tại các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài.

Thầy trò khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao tại Nalanda University - trường đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới trong chuyến đi thực tế tại Ấn Độ. (Ảnh: Song Nguyên)

Thầy trò khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao tại Nalanda University - trường đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới trong chuyến đi thực tế tại Ấn Độ. (Ảnh: Song Nguyên)

Cảm xúc đặc biệt nhất của người thầy khi “mỗi chuyến đò” thuận lợi “rời bến, qua sông”, theo ông là...?

Mỗi một “chuyến đò qua sông”, tôi lại cảm thấy mình tràn ngập niềm vui và tự hào. Tôi hạnh phúc khi nhìn thấy sinh viên của mình đã hoàn thành chương trình học và sắp bước vào thế giới thực tại với kiến thức, kỹ năng mà họ đã được truyền đạt.

Tôi đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, tin tưởng rằng, những kiến thức và kỹ năng được học tập và rèn luyện dưới mái trường Học viện Ngoại giao tạo nên một bản sắc ngoại giao rất riêng biệt cho các bạn trẻ và sẽ giúp các bạn thành công trong sự nghiệp của mình, đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng, của Tổ quốc.

Việc chứng kiến các khóa sinh viên “rời bến, sang sông” cũng đánh dấu những kỷ niệm đặc biệt trong sự nghiệp giảng dạy của tôi. Gặp lại các sinh viên cũ sau khi ra trường, có bạn trở thành đồng nghiệp của tôi, có bạn làm việc ở những lĩnh vực rất khác nhau, nghe các bạn ấy kể lại những gì được học tại Học viện Ngoại giao đã giúp các bạn áp dụng vào trong thực tiễn công việc và cuộc sống như thế nào tôi cảm thấy cuộc đời của “người lái đò” thật ý nghĩa!

“Nhà giáo luôn chiến đấu vì học sinh của họ, không phải vì danh vọng”, ông nghĩ sao về câu danh ngôn này và ấp ủ của cá nhân mình trong công tác giảng dạy tại Học viện thời gian tới?

Tôi không nghĩ rằng, việc dạy và học là một mặt trận mà thấy rằng đây là một môi trường của sự sống tốt tươi, nuôi dưỡng trong tôi một ý thức làm Người, một tinh thần tươi mới.

Học viện Ngoại giao là một môi trường văn minh, có truyền thống tôn sư trọng đạo, đoàn kết và cống hiến, tôi rất tự hào được là một phần của nơi tôi đang làm việc. Nếu nói tôi phải “chiến đấu” vì các học trò của mình có lẽ là tôi phải chiến đấu nhiều hơn với chính bản thân mình để nỗ lực vượt qua mọi khó khăn giữ cho mình ngọn lửa nhiệt huyết, luôn luôn bồi dưỡng kiến thức mới, tìm ra những cách dạy mới, không để cho mình bị cùn mòn, nản chí.

Tôi tự hào và hạnh phúc được làm nghề giáo, nghề nghiệp cho tôi cơ hội được tiếp xúc với những con người trẻ trung, tràn đầy năng lượng, ý tưởng mới mẻ, tính cách độc đáo. Tôi luôn ý thức rèn giũa cho mình những phẩm chất tốt đẹp để xứng đáng là một người thầy khi đứng trên bục giảng.

Theo tôi, đã là một nhà giáo, những người đã chọn con đường nghề nghiệp với sứ mệnh “trồng người”, có ảnh hưởng đến sự phát triển của cả một thế hệ, thì mục đích của việc giảng dạy không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn là hỗ trợ, khích lệ và phát triển toàn diện cho người học. Sự yêu thích công việc và niềm đam mê trong công tác giáo dục là động lực lớn, giúp tôi vượt qua những thách thức để tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống cho các sinh viên của mình, giúp các bạn trở thành những “phiên bản ngày một tốt hơn” của chính mình.

Còn tiền bạc và danh vọng ư? Những thứ đó không xấu. Nếu ai đó phấn đấu cho những mục tiêu đó bằng con đường lành mạnh thì rất tốt. Nhưng nếu đã là một nhà giáo thì định hướng phát triển sự nghiệp của bản thân phải gắn với lợi ích “trồng người”, tinh thần cống hiến và phụng sự cho sự phát triển những con người trẻ - tương lai của đất nước phải được đặt lên hàng ưu tiên.

(thực hiện)

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giang-vien-hoc-vien-ngoai-giao-hanh-phuc-voi-moi-chuyen-do-roi-ben-sang-song-250349.html