Giáo dục Chuẩn bị kỹ phương án dạy thể dục online

TTH - Hàng trăm lớp học giáo dục thể chất của sinh viên các trường đại học (ĐH) tại Huế bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và phương án dạy thể dục online được tính đến. Tuy nhiên, phải có sự chuẩn bị kỹ, bởi dạy thể dục qua hình thức trực tuyến khác xa với các học phần lý thuyết.

Để đảm bảo hiệu quả, việc chuyển hình thức dạy thể dục trực tiếp sang trực tuyến cần chuẩn bị kỹ

Để đảm bảo hiệu quả, việc chuyển hình thức dạy thể dục trực tiếp sang trực tuyến cần chuẩn bị kỹ

Nhiều lớp học bị gián đoạn

Sau đợt dịch bùng phát từ giai đoạn cuối tháng 4/2021, nhiều lớp học về học phần giáo dục thể chất cho sinh viên các trường ĐH buộc phải dừng lại, do không thể tập trung đông người. Số liệu rà soát từ Khoa Giáo dục Thể chất - ĐH Huế cho biết, có hơn 470 sinh viên đang học được 1/2 chương trình học kỳ 2 thì bị gián đoạn. “Lo ngại lớn là khi vào năm 3, 4, khối lượng các học phần chuyên ngành nhiều hơn, học nặng hơn nhưng phải học bù thêm thể dục. Tuy nhiên, do dịch bệnh, nhiều bạn đang ở các tỉnh, thành xa nên không thể tổ chức học tập trung”, H.T.H.M, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ bày tỏ.

Cùng với các lớp của học kỳ 2 năm học 2020 - 2021, các lớp học trong học kỳ 1 của năm học mới 2021 - 2022 cũng chưa thể triển khai vì dịch bệnh. Một số giảng viên Khoa Giáo dục Thể chất - ĐH Huế trăn trở, các học phần lý thuyết ở các trường đã áp dụng giảng dạy trực tuyến, nhưng giáo dục thể chất lại là học phần, môn học mang tính thực hành, khó đảm bảo tính hiệu quả khi giảng dạy qua trực tuyến. Chưa kể, đối với các học phần thể dục có dụng cụ, sinh viên ở nhà rất khó đáp ứng.

Chứng chỉ giáo dục thể chất là một trong những điều kiện cần để xét tốt nghiệp. Hiện nay, các học phần liên quan đến giáo dục thể chất được bố trí vào 4 học kỳ của hai năm học đầu tiên, ít ảnh hưởng đến vấn đề ra trường của sinh viên. Song, trên thực tế, qua các năm vẫn có tình trạng sinh viên “nợ” học phần giáo dục thể chất. Nhiều sinh viên có điểm quá trình học và thi chưa đạt kết quả đủ để qua học phần, nhưng chậm học lại, dẫn đến “ùn tắc” trong năm những năm cuối, khi khối lượng học chuyên ngành nhiều hơn. Đây là mối lo không nhỏ nếu dịch bệnh kéo dài. “Năm học này không có sinh viên chưa tốt nghiệp do nợ chứng chỉ giáo dục thể chất vì trước đó khoa đã tổ chức học kỳ hè. Tuy nhiên trước đây có những năm có đến vài trăm sinh viên đến gần giai đoạn tốt nghiệp mới vội vàng học lại học phần về giáo dục thể chất. Điều chúng tôi lo lắng là dịch kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình dạy học giáo dục thể chất”, một cán bộ Khoa Giáo dục Thể chất lo lắng.

Chuẩn bị kỹ

Không chỉ với sinh viên mà ngay cả giảng viên, nỗi lo về tính hiệu quả với phương án dạy học thể dục online rất đáng trăn trở. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì phương án dạy học trực tuyến có thể cần phải áp dụng nhằm đảm bảo chương trình, kế hoạch giảng dạy và học tập của sinh viên.

Theo TS. Nguyễn Gắng, Khoa trưởng Khoa Giáo dục Thể chất - ĐH Huế, 3 tháng qua, đơn vị đã ráo riết chuẩn bị các phương tiện, điều kiện, chuyển đổi bài giảng để hướng đến tổ chức dạy trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh. Chủ trương về dạy giáo dục thể chất trực tuyến bước đầu được ĐH Huế cho phép. Khoa sẽ chuyển các bài giảng lên hệ thống và sau các bước thẩm định, phê duyệt của ĐH Huế có thể áp dụng giảng dạy.

TS. Lê Cát Nguyên, Trưởng bộ môn Bóng - Khoa Giáo dục thể chất cho biết, để chuẩn bị cho hướng có thể chuyển sang dạy trực tuyến, khoa đã cử các giảng viên, nhóm giảng viên có chuyên môn sâu biên soạn đề cương dạy học online. Đề cương dựa trên nền tảng đề cương truyền thống và chuyển đổi hình thức, một số nội dung phải chuyển sang mô phỏng. Đơn cử như các động tác tập với dụng cụ như bóng chuyền phải chuyển sang mô phỏng các động tác tay không và bài tập thể lực.

Ngoài việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, giáo án bài giảng, cũng cần rà soát, kết nối thông tin, sắp xếp và bố trí ổn định các lớp học trước khi học trực tuyến bởi không giống với các học phần lý thuyết, học phần về giáo dục thể chất mang tính đặc thù và chưa có tính thử nghiệm. Ngoài công tác đào tạo, cũng cần tính đến các phương án đảm bảo được chất lượng và hiệu quả trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên.

Theo TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế, bước chuẩn bị cho dạy học giáo dục thể chất trực tuyến là tất yếu nếu dịch bệnh còn kéo dài. Tuy nhiên, ĐH Huế có quá trình thẩm định kỹ về chương trình, các nội dung nhắm hướng đến đạt được hiệu quả cao nhất.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chuan-bi-ky-phuong-an-day-the-duc-online-a106290.html