'Giáo dục đào tạo, Khoa học công nghệ có vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội'

Đó là nhận định của Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga khi nói về vai trò của giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng là nội dung được lựa chọn góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII do Hội LHPNVN phối hợp với Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức sáng nay (4/11) tại Hà Nội.

 Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga phát biểu khai mạc Hội thảo

Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga phát biểu khai mạc Hội thảo

Ngày 4/11, TƯ Hội LHPNVN phối hợp với Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XIII với nội dung "Giáo dục - Đào tạo; Khoa học - Công nghệ và Nguồn nhân lực chất lượng cao - Những nội dung liên quan trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng".

Dự Hội thảo có đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến Nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; GS.TS. Tạ Ngọc Tấn - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; cùng các đại biểu là viên Hội Nữ tri thức Việt Nam tham dự và đóng góp ý kiến.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga cho biết, đây là Hội thảo tập trung lấy ý kiến của lực lượng nữ trí thức và cũng là 1 trong số 4 hội thảo mà TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức để lấy ý kiến các lực lượng phụ nữ gồm nữ doanh nhân, nữ trí thức, các chuyên gia và hội viên phụ nữ; làm cơ sở để tập hợp các ý kiến đóng góp vào dự thảo Văn kiện đại hội Đảng XIII.

Trong 2 tuần qua, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức được 3 hội thảo có sự tham gia của 7.100 người, với 31 tham luận và nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Văn kiện. Tham dự các hội thảo có các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nữ doanh nhân, đại diện phụ nữ tiêu biểu của cả nước

Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, dự thảo Văn kiện đã khẳng định: giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới sáng tạo và có bước phát triển, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

Đồng thời, dự thảo Văn kiện cũng chỉ rõ những hạn chế trong lĩnh vực này như đổi mới chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp, hiệu quả chưa cao, giáo dục "làm người", đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài...

"Chúng tôi mong muốn lắng nghe ý kiến tham luận, trao đổi, đóng góp ý kiến của đội ngũ nữ trí thức từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, cũng như các chuyên gia về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực này, đặc biệt là nguồn nhân lực nữ chất lượng cao để phụ nữ nói chung và nữ trí thức nói riêng có thể tận dụng được các cơ hội từ hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ 4", Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga cho biết.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

GS.TS Tạ Ngọc Tấn phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, đề nghị các ý kiến tham luận tập trung vào một số vấn đề như: Tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước, trong đó nhấn mạnh 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 đều có liên quan mật thiết đến vai trò của đội ngũ trí thức trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và giáo dục đào tạo; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ gắn với đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng phát triển đất nước trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Đề xuất chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ nhà khoa học nữ

Tham gia góp ý dự thảo văn kiện, trong đó có nội dung Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên, Bộ Khoa học & Công nghệ - cho biết, dự thảo cần bổ sung nội dung "Có chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ nhà khoa học nữ tham gia hoạt động Khoa học - Công nghệ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên, Bộ Khoa học & Công nghệ

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên, Bộ Khoa học & Công nghệ

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Bình đẳng giới tuy đã nêu được sự bình đẳng giới trong hoạt động Khoa học - Công nghệ, song thực tế cho thấy phụ nữ tham gia ngành này còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp.

"Ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhà khoa học nữ được hưởng các chính sách hỗ trợ, ví dụ chương trình nghiên cứu dành cho nữ ở Đài Loan (Trung Quốc), hỗ trợ nhà khoa học nữ đi thực tập ở nước ngoài… Vì thế, cần có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ nhà khoa học nữ", bà Hà đề xuất.

Cũng liên quan đến khoa học công nghệ, GS.TS Lê Minh Thắng - Giảng viên cao cấp Đại học Bách khoa Hà Nội - đề nghị tạo cơ chế thông thoáng trong thủ tục, tài chính thực hiện nghiên cứu khoa học. Trong đó, chú trọng việc giảm thiểu thủ tục hành chính và sự cứng nhắc trong thanh toán tài chính, đánh giá chủ yếu thông qua kết quả và sản phẩm cuối cùng; quy định rõ ràng về sử dụng khoản chi cho nghiên cứu phát triển…

GS.TS Lê Minh Thắng - Giảng viên cao cấp Đại học Bách khoa Hà Nội

GS.TS Lê Minh Thắng - Giảng viên cao cấp Đại học Bách khoa Hà Nội

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thanh Thủy - Trưởng ban Tổ chức cán bộ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - dự thảo báo cáo cần xây dựng rõ chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, bởi đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt.

Theo đó, cần sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

PGS.TS Nguyễn Thanh Thủy - Trưởng ban Tổ chức cán bộ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Thanh Thủy - Trưởng ban Tổ chức cán bộ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Về vấn đề GD&ĐT bậc đại học, GS.TS Lê Minh Thắng cho rằng, dự thảo báo cáo vẫn thể hiện định hướng chung chung, một số định hướng chỉ đạo được nhấn mạnh nhưng còn có sự trùng lắp.

Theo bà Thắng, cần nhấn mạnh và cụ thể hóa hơn một số định hướng chủ đạo như đẩy mạnh tự chủ đại học, thay đổi cơ chế quản trị trong trường đại học, tập trung nâng cao vai trò của hội đồng trường và đổi mới cơ chế, phương thức quản trị tài chính.

Cũng theo bà Thắng, chính sách đột phá, phát triển nâng cao chất lượng giáo dục đại học cần được làm rõ hơn, trong đó không thể tách rời việc cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục bậc phổ thông nhằm tăng khả năng chủ động, suy nghĩ, tư duy độc lập và sự sáng tạo của học sinh phổ thông để làm tiền đề cho năng lực của sinh viên ở bậc đại học.

Bên cạnh đó, đổi mới chính sách tiền lương và đãi ngộ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải được đưa thành giải pháp then chốt để giải quyết các tồn tại về GD&ĐT - GS.TS Lê Minh Thắng đề xuất.

Bài, ảnh: Dương Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/giao-duc-dao-tao-khoa-hoc-cong-nghe-co-vai-tro-dong-luc-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-20201104114120974.htm