Giáo dục di sản góp phần khơi dậy tình yêu với âm nhạc truyền thống

Đó là nhấn mạnh của NSƯT Hoàng Trọng Cương - Phó giám đốc Phụ trách Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận xung quanh vấn đề làm thế nào để giới trẻ yêu thích, gắn bó với âm nhạc truyền thống. Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế là đơn vị được giao đảm nhận việc tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật lớn phục vụ các kỳ Festival Huế cũng như các sự kiện văn hóa lớn của Huế, đồng thời cũng là nơi có nhiều sáng kiến góp phần đưa Di sản Văn hóa Thế giới Nhã nhạc cung đình Huế nói riêng và âm nhạc truyền thống Huế nói chung đến với giới trẻ.

Âm nhạc truyền thống Huế có giá trị đặc sắc riêng

+ Huế là kinh đô xưa, nơi đang sở hữu nhiều loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống đặc sắc, nổi tiếng như Nhã nhạc cung đình, tuồng cung đình, ca Huế, hò Huế, hát bài chòi… Vậy theo ông âm nhạc truyền thống Huế hiện nay có vai trò và ảnh hưởng như thế nào trong đời sống văn hóa, hội nhập của Huế?

- Vai trò của âm nhạc truyền thống Huế được hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn, từ vai trò của trấn Thuận Hóa (1306 – 1557), thủ phủ xứ Đàng Trong (1558 – 1787), kinh đô triều Tây Sơn (1788 – 1801) và kinh đô triều Nguyễn (1082 – 1945) đã tạo nên sức hút và sự lan tỏa đặc biệt quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử, làm nên hệ giá trị di sản văn hóa cung đình đặc trưng, trong đó có âm nhạc truyền thống Huế.

 NSƯT Hoàng Trọng Cương - Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế. Ảnh: Tư liệu

NSƯT Hoàng Trọng Cương - Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế. Ảnh: Tư liệu

Từ lâu, âm nhạc truyền thống Huế được xem là viên ngọc quý nằm trong hệ thống những giá trị di sản văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Trong suốt chiều dài của lịch sử, đặc biệt là dưới triều Nguyễn, cùng với các loại hình diễn xướng khác, âm nhạc truyền thống Huế là món ăn tinh thần không thể thiếu của vua, quan triều Nguyễn. Tuy nhiên, sau khi triều Nguyễn cáo chung (1945), âm nhạc truyền thống Huế nói chung, Nhã nhạc cung đình nói riêng cũng mất dần môi trường diễn xướng nguyên thủy và đang có nguy cơ mai một.

Với Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị xác định “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế...”, thì âm nhạc truyền thống Huế cũng đã được đầu tư và đóng một vai trò ảnh hưởng nhất định trong quá trình hội nhập văn hóa Huế cùng bạn bè quốc tế thông qua các chương trình biểu diễn giao lưu nghệ thuật với các nước trên thế giới.

+ Theo ông, sự ảnh hưởng của đời sống âm nhạc truyền thống Huế đối với giới trẻ Huế nói riêng và giới trẻ cả nước nói chung hiện nay như thế nào?

- Với mỗi quốc gia, dân tộc, văn hóa luôn là sự khẳng định những nét đặc trưng riêng của quốc gia, dân tộc đó. Văn hóa nói chung, âm nhạc truyền thống Huế nói riêng từ lâu đã khẳng định được những giá trị đặc sắc của riêng nó, điều này đã minh chứng một cách rõ ràng khi Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Việt Nam đã được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa Đại diện của nhân loại”.

Có một thời gian khá dài, giới trẻ không mặn mà với các giá trị văn hóa truyền thống trong đó có âm nhạc truyền thống Huế. Sau khi Nhã nhạc được thế giới công nhận thì giới trẻ đã quan tâm hơn đến loại hình nghệ thuật này, nhưng trên thực tế việc để âm nhạc truyền thống Huế nói chung, Nhã nhạc nói riêng ảnh hưởng một cách sâu rộng đến giới trẻ vẫn là vấn đề cấp thiết đang đặt ra đối với các nhà quản lý, cũng như những người đang làm công tác nghiên cứu về thể loại này.

+ Người Huế nói chung và giới trẻ Huế nói riêng vốn có nền nếp gia phong, lễ giáo, giữ gìn truyền thống. Vậy liệu điều đó có giúp gì cho giới trẻ Huế hiện nay trong gìn giữ tình yêu với các loại hình âm nhạc truyền thống hay không, thưa ông?

- Gia giáo truyền thống Huế mang đậm dấu ấn của tư tưởng Nho giáo nên gia đình là hạt nhân căn bản của xã hội. Người lớn phải không ngừng phấn đấu để trở thành tấm gương mẫu mực cho con cái noi theo, và ngược lại con cái cũng phải hết sức nỗ lực để không phụ công ơn cha mẹ.

Với những hệ giá trị đó, việc bảo vệ và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, âm nhạc truyền thống Huế nói riêng vẫn được những gia đình có truyền thống trong “nghề nhạc” gìn giữ và phát huy. Họ đã thổi hồn, khơi dậy lòng đam mê, truyền cảm hứng đến con em mình với mong muốn đào tạo ra được các thế hệ chất lượng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu xã hội ngày nay.

Đổi mới, sáng tạo, đa dạng trong cách tiếp cận để khơi dậy tình yêu với âm nhạc truyền thống

+ Ông có thể cho biết công tác bồi dưỡng, đào tạo âm nhạc truyền thống cho giới trẻ Huế hiện nay như thế nào? Theo ông đâu là giải pháp mang tính bền vững?

- Đối với âm nhạc truyền thống Huế nói chung, Nhã nhạc cung đình Huế nói riêng, hiện nay, với chức năng và nhiệm vụ của mình, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đã duy trì và bảo tồn bền vững giá trị đích thực của Nhã nhạc.

Nhà hát có nhiều hoạt động phục hồi, truyền dạy và bao gồm cả việc mở khóa đào tạo cho các học viên trẻ có năng khiếu hoặc xuất thân từ gia đình nghệ nhân truyền thống, nhằm cung cấp lực lượng nhạc công Nhã nhạc trong tương lai có đủ kiến thức về văn hóa và kỹ năng nghề nghiệp; tổ chức định kỳ các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng biểu diễn cho nhạc công Nhã nhạc trẻ.

Nhà hát đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho tổng cộng 180 lượt nhạc công trẻ của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế nhằm rèn luyện bồi dưỡng kỹ năng và chất lượng biểu diễn Nhã nhạc cho các nhạc công. Các đợt tập huấn này đều do nghệ nhân Nhã nhạc có kinh nghiệm truyền dạy, và các nhạc công là những người đã bổ túc lại phương pháp, kỹ năng biểu diễn, được huấn luyện, uốn nắn các ngón nghề theo đúng quy chuẩn truyền thống mà các nghệ nhân đang nắm giữ.

Để tiếp tục duy trì và phát huy những thành tựu đã đạt được trong công tác bảo tồn và đưa âm nhạc truyền thống Huế đến với giới trẻ mang tính bền vững hơn, chúng ta cần có những giải pháp cơ bản sau: Xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Phi vật thể vùng Huế để tập trung được các nguồn lực trong tỉnh, nguồn đầu tư của Chính phủ và nguồn tài trợ của cộng đồng quốc tế cho công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể vùng Huế; Tiếp tục đào tạo nhạc công âm nhạc truyền thống cũng như nhạc công Nhã nhạc để tạo nguồn nhân lực kế cận; Tiếp tục quảng bá những giá trị của loại hình nghệ thuật này đến du khách trong và ngoài nước, đây cũng là kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của loại hình nghệ thuật này.

 Một buổi ngoại khóa tìm hiểu về văn hóa cung đình và âm nhạc truyền thống của học sinh tiểu học Huế. Ảnh: Thanh Hòa

Một buổi ngoại khóa tìm hiểu về văn hóa cung đình và âm nhạc truyền thống của học sinh tiểu học Huế. Ảnh: Thanh Hòa

+ Để âm nhạc truyền thống Huế đến được với giới trẻ, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đã làm thế nào, kết quả tới nay ra sao, thưa ông?

- Để âm nhạc truyền thống Huế đến được với giới trẻ, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đã tổ chức các chương trình học ngoại khóa cho các em học sinh từ bậc mầm non đến trung học cơ sở. Đây là chương trình giáo dục di sản do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Phòng Giáo dục & Đào tạo thành phố Huế tổ chức cho học sinh đã từ hơn 2 năm nay.

Giáo dục di sản là một trong những chương trình quan trọng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cha ông, hỗ trợ hiệu quả trong công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử tại môi trường học đường, với mục tiêu luôn đổi mới, sáng tạo, đa dạng trong cách tiếp cận để khơi dậy tình yêu di sản nói chung, âm nhạc truyền thống Huế nói riêng đối với thế hệ trẻ.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hòa (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giao-duc-di-san-gop-phan-khoi-day-tinh-yeu-voi-am-nhac-truyen-thong-post300111.html