Giáo dục phổ thông 2018: Chương trình mới, tư duy mới

PTĐT - Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 chính thức được triển khai từ năm học 2020-2021, bắt đầu là lớp 1. Với nhiều thay đổi so với chương trình giáo dục hiện hành...

Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh lớp 1A, Trường Tiểu học Tân Phú, huyện Tân Sơn.

Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh lớp 1A, Trường Tiểu học Tân Phú, huyện Tân Sơn.

PTĐT - Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 chính thức được triển khai từ năm học 2020-2021, bắt đầu là lớp 1. Với nhiều thay đổi so với chương trình giáo dục hiện hành, Chương trình GDPT 2018 đáp ứng yêu cầu xây dựng và chuẩn hóa nội dung GDPT theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng... Những thay đổi của chương trình đặt ra yêu cầu mới đối với người thầy, đòi hỏi người thầy phải có cách làm mới, tư duy mới trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
Những đổi thay căn bản
Chương trình GDPT 2018 bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình được chia thành hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Giai đoạn giáo dục cơ bản nhằm trang bị cho học sinh (HS) tri thức, kỹ năng nền tảng; hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng, nhiều mặt của xã hội trong tương lai. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng HS, bảo đảm HS tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau GDPT có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động.Trong giai đoạn này, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, HS được lựa chọn những môn học, chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực, định hướng nghề nghiệp của mình.

Giờ học Tiếng Việt của học sinh lớp 1, Trường tiểu học Cổ Tiết, huyện Tam Nông

Giờ học Tiếng Việt của học sinh lớp 1, Trường tiểu học Cổ Tiết, huyện Tam Nông

Nếu như chương trình GDPT hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung, thì Chương trình GDPT 2018 lại được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp HS hình thành, phát triển những phẩm chất, năng lực mà nhà trường, xã hội kỳ vọng. Điểm khác biệt quan trọng của Chương trình GDPT 2018 lần đầu tiên được thực hiện, đó là việc xây dựng chương trình GDPT tổng thể. Chương trình GDPT tổng thể giữ vai trò như “nhạc trưởng” nhằm bảo đảm tính liên thông, tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học với nhau. Điều này giúp cho nội dung giáo dục không bị trùng lắp, chồng chéo giữa các môn học và hoạt động giáo dục.Đặc biệt, Chương trình GDPT 2018 áp dụng 6 biện pháp “giảm tải”, gồm: Giảm số môn học và hoạt động giáo dục, giảm số tiết học, giảm kiến thức kinh viện, tăng cường dạy học phân hóa, tự chọn, thực hiện phương pháp dạy học mới và đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục. Theo lộ trình, Chương trình GDPT mới được áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.Chương trình GDPT 2018 cũng trao quyết định chủ động, trách nhiệm cho địa phương, các nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch với đối tượng giáo dục, điều kiện các địa phương, cơ sở giáo dục. Thực hiện chương trình, cấp tiểu học sẽ dạy 2 buổi/ngày, cấp THCS và THPT thực hiện dạy 1 buổi/ngày. Cơ sở giáo dục tiểu học chưa đủ điều kiện tổ chức dạy 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Khuyến khích các trường THCS, THPT đủ điều kiện thực hiện dạy 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT...

Cô và trò Trường tiểu học Chính Nghĩa, thành phố Việt Trì thi đua dạy tốt, học tốt

Cô và trò Trường tiểu học Chính Nghĩa, thành phố Việt Trì thi đua dạy tốt, học tốt

Khơi gợi tư duy sáng tạo của thầy và tròChương trình GDPT mới được xây dựng tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực HS. Cô giáo Đỗ Hằng Nga- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Miếu, thành phố Việt Trì chia sẻ: Giáo viên phải chịu khó đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và trang bị những kiến thức tổng hợp của nhiều bộ môn; tiếp cận các phương pháp dạy học hiện đại, đổi mới kiểm tra đánh giá năng lực học sinh. Giáo viên đã được tham gia các lớp tập huấn để tham khảo các nguồn học liệu trên in-tơ-nét và học hỏi từ đồng nghiệp. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Duyên, giáo viên dạy lớp 1 Trường Tiểu học Thanh Miếu, thành phố Việt Trì cho biết: Môn Hoạt động trải nghiệm có bài học giúp các con thấy được giá trị, nét độc đáo của bản thân, đồng thời nhận biết và tôn trọng nét khác biệt của mỗi người trong lớp, trong gia đình… Đây là bài học rất cần thiết để các con có được sự tự tin vào bản thân cũng như có cách nhìn khách quan, tôn trọng khi giao tiếp với bạn bè, thầy cô và mở rộng bên ngoài nhà trường…Chị Hoàng Thị Phương, tổ 5, phố Tân Việt, phường Tân Dân, thành phố Việt Trì có con học lớp 1 Trường Tiểu học Tân Dân, thành phố Việt Trì cho biết: “Hầu hết các con mới vào lớp 1 đều rụt rè, e ngại vì chưa quen thầy, quen bạn, nhưng cũng có bạn lại có phong thái quá tự nhiên, không tuân theo những quy định của trường. Khi đọc sách Hoạt động trải nghiệm, điều tôi thấy yên tâm là con có thể làm chủ được hoàn cảnh, có ý thức kiểm soát cảm xúc, chia sẻ, tôn trọng bản thân và bạn bè, thầy cô. Con sẽ biết đến nét riêng của bản thân, nhận ra nét khác biệt của mọi người chung quanh, đồng thời sẽ được hướng dẫn cách làm quen với bạn, về ý nghĩa lời khen tặng bạn hay cử chỉ mang lại niềm vui cho bạn bè, người thân gia đình”. Ông Lê Anh Tuấn- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Sơn thông tin: “Năm học 2020-2021, toàn huyện có 19 trường có HS tiểu học, trong đó có 17 trường TH và 2 trường liên cấp TH&THCS với 79 lớp và 1.740 học sinh. Huyện bố trí đảm bảo đủ 1,5 giáo viên/lớp, học sinh lớp 1 có đủ SGK và đồ dùng học tập. Qua hơn 1 tuần của năm học 2020-2021, các trường tiểu học triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, bước đầu giáo viên và học sinh đã thích ứng tốt với chương trình mới”.Tại Trường Tiểu học Đồng Thịnh, huyện Yên Lập trong 2 tuần đầu năm học mới, các cô giáo khối lớp 1 đã sinh hoạt chuyên môn để xây dựng kế hoạch giáo dục nhằm triển khai các tiết học đạt hiệu quả. Cô giáo Hoàng Thị Hương Giang-Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Chương trình GDPT mới chú trọng năng lực, phát huy quyền làm chủ, sáng tạo của HS. Vì vậy, giáo viên lớp 1 của trường chịu khó học hỏi, nghiên cứu tài liệu, chương trình SGK, tham khảo các tiết dạy minh họa. Tổ giáo viên khối lớp 1 của trường cũng thành lập nhóm trực tuyến để thường xuyên sinh hoạt chuyên môn.

Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Lan- Phó Hiệu trường Trường Tiểu học Dữu Lâu, thành phố Việt Trì cho biết: Thời gian qua, trường đã tạo điều kiện cho giáo viên lớp 1 tham gia các lớp tập huấn, tiếp cận chương trình GDPT mới. Sau các buổi tập huấn, giáo viên cùng nhau xây dựng tiết học mẫu rồi cùng tổ chuyên môn rút kinh nghiệm để tìm ra những phương pháp tốt nhất, phù hợp điều kiện thực tiễn của trường.Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Ngành giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp như: Rà soát, bổ sung giáo viên còn thiếu, ưu tiên giáo viên các môn học mới, giáo viên cấp tiểu học; tiếp tục sắp xếp đội ngũ giáo viên nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số trường. Đẩy mạnh xã hội hóa; tranh thủ và huy động các nguồn lực để tiếp tục đầu tư cải thiện cơ sở vật chất các trường học, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình SGK mới; làm tốt công tác phòng, chống dịch, bệnh COVID-19, đảm bảo các điều kiện để triển khai các hoạt động giáo dục tại các nhà trường với mong muốn thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018, hướng đến một năm học đạt thành tích, kết quả tốt.

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202009/giao-duc-pho-thong-2018-chuong-trinh-moi-tu-duy-moi-173114