Giáo sư Mỹ cảnh báo dịch bệnh kép Covid-19 và cúm

Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 931.927 người trên toàn cầu, thống kê của trang Worldometer tính tới sáng nay (15/9).

Ảnh: AP

Ảnh: AP

Hơn 29,4 triệu người trên khắp thế giới được chẩn đoán dương tính với Covid-19. Kể từ khi ca nhiễm virus đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc vào tháng 12/2019, virus corona đã lan nhanh chóng tới mọi lục địa, trừ Nam Cực.

Mỹ hiện là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19, với hơn 6,7 triệu người nhiễm bệnh và ít nhất 198.897 người chết.

Gần 170 loại vắc-xin ngừa Covid-19 đang được phát triển và có ít nhất 6 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng quan trọng, WHO cho hay.

Nguy cơ dịch bệnh kép

Hai giáo sư của Đại học Emory, Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin cúm trong năm nay để tránh cái gọi là dịch bệnh kép gồm Covid-19 và cúm, theo CNN.

Giáo sư Carlos del Rio tại Trường Y thuộc Đại học Emory cho biết, hiện không phải là lúc mất cảnh giác và trở nên thỏa mãn. “Chúng ta cần tiếp tục cách ly xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay và tiêm ngừa cúm…Với cúm, chúng ta đã có vắc-xin. Hãy dùng nó”.

Giáo sư Walter Orenstein thuộc Trung tâm vắc-xin Emory cho hay, “trong mùa 2019-2020, tính hiệu quả của vắc-xin cúm là 38%. Dù nó chưa hiệu quả như chúng ta mong muốn nhưng nó còn tốt hơn là không tiêm ngừa”.

Giáo sư Rio cho biết, tính hiệu quả của vắc-xin sẽ giảm theo tuổi tác. “Nếu tôi và các con của mình có được miễn dịch, tôi có thể bảo vệ được cha mẹ cao tuổi của tôi. Đó là vì dù họ không được vắc-xin bảo vệ thì những người ở gần đã được bảo vệ, sẽ bảo vệ họ”.

Covid-19 là thất bại chung của thế giới

Tổ chức Giám sát chuẩn bị toàn cầu (GPMB) ngày 14/9 đã công bố một báo cáo thường niên, nhấn mạnh: đại dịch Covid-19 cho thấy “thất bại chung” của thế giới. GPMB kêu gọi các nước tái cam kết để cộng tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Trong báo cáo năm 2019, GPMB nói, Covid-19 là mối đe dọa thực sự và thế giới vẫn chưa được chuẩn bị về mặt tài chính hoặc cấu trúc.

Indonesia tái áp đặt phong tỏa

Giới chức thủ đô Jakarta, Indonesia ngày 14/9 đã tái áp đặt phong tỏa một phần và cam kết sẽ cách ly chặt chẽ bất cứ ai dương tính với Covid-19 khi tỷ lệ nhiễm bệnh tăng vọt tại thành phố này.

Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho hay, thành phố này sẽ tiếp tục hạn chế việc tập trung đông người trong hai tuần, bắt đầu từ ngày 14/9. Quan chức này cho hay, đó là các biện pháp cần thiết để ngăn hệ thống y tế khỏi sụp đổ.

Các hoạt động kinh doanh không cần thiết chỉ được phép hoạt động với 25% công suất, nhà hàng chỉ được phép bán đồ để mang đi, trường học, công viên và các điểm du lịch được lệnh đóng cửa.

Jakarta bắt đầu áp đặt các biện pháp hạn chế hồi đầu tháng 4, nhưng nới lỏng vào tháng 6. Vài tuần sau, số ca nhiễm mới ở thành phố này tăng vọt.

Indonesia hiện là quốc gia bị Covid-19 tấn công mạnh nhất ở Đông Nam Á. Nước này ghi nhận 221.523 ca nhiễm và 8.841 trường hợp tử vong.

Cựu thủ tướng Berlusconi đánh bại virus corona

Cựu thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã ra viện sau khi được chữa trị bệnh viêm phổi có liên quan tới virus corona, văn phòng của ông Berlusconi ngày 14/9 cho biết.

Ông trùm truyền thông 83 tuổi này nhập viện San Raffaele ở Milan ngày 9/3 và xét nghiệm sau đó cho thấy ông dương tính với Covid-19. Ông cho hay, những gì mà ông vừa trải qua là “cuộc thử nghiệm nguy hiểm nhất trong cuộc đời”.

Trong vòng 24h qua, Italia ghi nhận thêm 14 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì virus corona ở nước này lên tới 35.624, CNN dẫn tin từ Bộ Y tế Italia cho biết.

Tuy nhiên, một số trường học ở nước này đã tái mở cửa vào ngày 14/9. Học sinh và giáo viên được phát nước rửa tay khô, khẩu trang.

Hoài Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/tin-tuc-covid-19-ngay-15-9-giao-su-my-canh-bao-dich-benh-kep-673853.html