Giáo sư Trần Thanh Vân - bền bỉ 'ươm mầm' trong lĩnh vực khoa học

Giáo sư Trần Thanh Vân (Tiến sỹ vật lý người Pháp gốc Việt), tên tuổi của ông gắn liền với Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành Quy Nhơn, Bình Định; Trung tâm khám phá khoa học đầu tiên và độc nhất ở Việt Nam; học bổng giáo dục Vallet nhằm giúp đỡ các học sinh, sinh viên và các học viên sau đại học Việt Nam phát triển tài năng.

Ông là giáo sư ưu tú của Đại học Paris XI (Orsay, Pháp), Giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS). Ông là người thứ 2 của Pháp và là người gốc Á thứ 3 được Hội Vật lý Mỹ trao tặng Huy chương Tate năm 2012 dành cho những đóng góp dẫn dắt ngành Vật lý của thế giới (International Leadership in Physics) trong nhiều thập niên; đã được Chính phủ Pháp trao Huân chương Công trạng Quốc Gia năm 1995 và Huân chương Bắc đẩu Bội tinh năm 1999; Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị năm 2015.

Người thổi “làn gió mới” cho các cuộc hội thảo khoa học Vật lý và Thiên văn

Giáo sư Trần Thanh Vân sinh ngày 4/7/1934 tại Quảng Bình. Năm 19 tuổi, ông rời Việt Nam sang Pháp du học. Ông học Toán và Vật lý tại Đại học Paris và tốt nghiệp vào năm 1957.

Khi mới 30 tuổi, mong muốn kết nối các nhà vật lý trên thế giới có cơ hội xích lại gần nhau trong tình thân ái, giáo sư Trần Thanh Vân đã sáng lập ra “Gặp gỡ khoa học Moriond”, sau đó là “Gặp gỡ Blois” về “Vật lý hạt và Thiên văn” danh giá (năm 1989), thu hút hàng trăm nhà vật lý hàng đầu trên thế giới.

Trung tâm ICISE ở Bình Định - công trình tâm huyết trọn đời của GS Trần Thanh Vân

Trung tâm ICISE ở Bình Định - công trình tâm huyết trọn đời của GS Trần Thanh Vân

Trong cuộc họp mặt đầu tiên tại ngôi làng trên dãy Alps, các nhà khoa học tập trung thảo luận học thuật, buổi chiều đi trượt tuyết. Các cuộc “Gặp gỡ Moriond và Blois” khác hẳn với việc tổ chức hội thảo thông thường khi được tổ chức tại một làng quê thanh bình, rời xa phố thị, các nhà khoa học dù là người đã đạt giải Nobel hay chỉ là một nghiên cứu sinh có cơ hội trò chuyện bình đẳng, khi cùng tham gia các hoạt động trải nghiệm, cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon - dường như không có nhiều khoảng cách giữa cách nhà khoa học đã thành danh và những người trẻ mới đặt chân vào lĩnh vực này.

Những cuộc gặp gỡ đã “se duyên” cho Giáo sư Trần Thanh Vân quen biết và có mối quan hệ thân tình với Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Hiệu, một nhà vật lý xuất sắc của Việt Nam, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Khởi xướng bởi GS Trần Thanh Vân, nhiều cuộc gặp gỡ giữa các nhà khoa học danh tiếng quốc tế đã diễn ra tại Việt Nam

Khởi xướng bởi GS Trần Thanh Vân, nhiều cuộc gặp gỡ giữa các nhà khoa học danh tiếng quốc tế đã diễn ra tại Việt Nam

Với lời mời và sự nhiệt tâm của Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, năm 1993, Giáo sư Trần Thanh Vân đã tổ chức thành công Gặp gỡ Việt Nam lần đầu tiên tại Hà Nội. Hàng trăm nhà khoa học khắp nơi trên thế giới, trong đó có nhà khoa học đã dành giải Nobel có mặt tại Việt Nam trong một bầu không khí thân mật. Trên cơ sở đó, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam được thành lập năm 1993.

“Hà Nội thời kỳ đó vẫn rất khó khăn. Khi chúng tôi đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, xung quanh tối om không có một ánh điện. Nhưng trong cuộc gặp gỡ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch nước đương thời Trần Đức Anh đón tiếp một cách trọng thị, khiến các nhà khoa học rất cảm kích,”, Giáo sư Trần Thanh Vân nhớ lại.

“Ươm mầm” cho các tài năng khoa học trẻ

Trở về quê hương sau hàng chục năm định cư ở nước ngoài, Giáo sư Trần Thanh Vân ấn tượng về năng lực và sự chăm chỉ của các sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam. Nhiều năm sau, ông còn ấn tượng về tốc độ phát triển vượt bậc của nước nhà. Giáo sư gọi đó là một “kỳ tích”. Nhưng suốt nhiều năm, ông vẫn đau đáu một nỗi niềm và tình yêu dành cho khoa học cơ bản. Bởi theo ông, đất nước càng phát triển càng phải đầu tư nhiều hơn cho khoa học cơ bản - điều đó là căn cốt của quá trình phát triển kinh tế lâu dài và vững bền.

“Các nhà khoa học cần có vị trí xứng đáng, và có đầy đủ điều kiện để sống và phát triển khoa học của mình. Nếu họ không được kính trọng và ủng hộ, cái giá đắt mà quốc gia phải trả sẽ là sự phát triển kém cỏi và tụt hậu”, Giáo sư Trần Thanh Vân cho hay.

Hơn 40.000 suất học bổng đã được trao cho các tài năng trẻ từ quỹ Học bổng Vallet

Hơn 40.000 suất học bổng đã được trao cho các tài năng trẻ từ quỹ Học bổng Vallet

Ít ai biết rằng, quá trình đưa chuỗi Gặp gỡ Khoa học về Việt Nam, vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân tự bỏ cả triệu USD dành dụm gần một đời người để cống hiến cho khoa học nước nhà.

Trên nền tảng hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam mong muốn xây dựng một điểm gặp gỡ, trao đổi, giao lưu khoa học, làm cầu nối cho giới khoa học Việt Nam với cộng đồng khoa học quốc tế. Từ đó, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, tại thung lũng Quy Hòa, thuộc phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) chính thức đi vào hoạt động năm 2013.

Lê Hằng-Thùy Vân-Hương Giang/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-su-tran-thanh-van-ben-bi-uom-mam-trong-linh-vuc-khoa-hoc-post1105702.vov