Giao thông kết nối: Từ tầm nhìn đến khát vọng phát triển

Xác định đầu tư cho giao thông là điều kiện phát triển giao thương, thu hút đầu tư, tạo liên kết vùng… tỉnh Phú Thọ đã có nhiều giải pháp đồng bộ, ưu tiên nguồn lực phát triển mạng lưới giao thông kết nối nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Kỳ I: Rút ngắn khoảng cách muôn phương về Đất Tổ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định khẳng: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Thấm nhuần tư tưởng của Người, tỉnh Phú Thọ luôn chú trọng đầu tư phát triển hệ thống giao thông thông suốt góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; rút ngắn khoảng cách muôn phương về Đất Tổ.

Cao tốc Nội Bài- Lao Cai thuận lợi phát triển kinh tế- xã hội, thu hút đầu tư vào tỉnh

Từ quan điểm xuyên suốt

Do chiến tranh tàn phá, hệ thống giao thông cả hai miền Nam, Bắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cuối năm 1975, trên toàn miền bắc, không còn một tuyến đường bộ nào đạt cấp kỹ thuật đồng bộ. Ngay sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, cùng với nhân dân cả nước, ngành GTVT đã dốc toàn lực hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo hệ thống đường bộ, cầu cống; xây dựng mới đường sắt, thông tuyến đường sắt Bắc-Nam.Trong những năm 1956-1957, giặc Mỹ đánh phá khu công nghiệp, cầu Việt Trì với cường độ cao và ác liệt nhất. Mặc dù, cầu Việt Trì bị đánh phá liên tục, nhưng huyết mạch giao thông vẫn thông suốt góp phần không nhỏ vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc. Cầu Việt Trì là công trình giao thông đặc biệt quan trọng giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển, đồng thời đảm bảo cho sự phát triển kinh tế của khu vực miền Bắc, là cầu nối của thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, GTVT được xác định là “khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng” và “đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân”, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986). Trong giai đoạn này, để phấn đấu cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp CNH-HĐH, ngành GT-VT Phú Thọ thực hiện các chủ trương của tỉnh, của Chính phủ, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống giao thông phù hợp với quy hoạch, nâng cao chất lượng công trình phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.Trải qua các giai đoạn phát triển, sau gần 8 thập kỷ ra đời, đầu năm 1968, Phú Thọ chính thức hợp nhất với Vĩnh Phúc thành tỉnh Vĩnh Phú. Sau 29 năm hợp nhất, tỉnh Phú Thọ được tái lập từ ngày 1/1/1997 theo kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX khi đất nước bước vào thời kỳ CNH,HĐH. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV giai đoạn 1997-2000, tỉnh ta đã xác định phát triển giao thông là cần thiết và phải đi trước một bước. Bởi vậy, ngày 16-1-2000, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19 về tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao năng lực vận tải Nhà nước, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư tham gia vận tải thủy, bộ; triển khai quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đường giao thông, trong đó đặc biệt chú trọng huy động và thực hiện công khai trong quản lý và sử dụng nguồn lực phát triển mạng lưới giao thông nông thôn.

Đồng chí Trịnh Thế Truyền- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, ưu tiên cho các công trình quan trọng có tính kết nối liên kết vùng, trong đó có giao thông. Điều này thể hiện quan điểm xuyên suốt của tỉnh từ ngày tái lập đó là đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, trong đó hạ tầng giao thông phải đi trước một bước để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Cầu Văn Lang được đầu tư xây dựng kết nối tỉnh Phú Thọ với thành phố Hà Nội

Rút ngắn khoảng cách muôn phương về Đất Tổ

Những ngày giữa tháng sáu, chúng tôi có dịp được trò chuyện với ông Lê Huy Ngọ - Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú thời kỳ 1986 - 1988. Trong câu chuyện, ông kể cho chúng tôi nghe về những kỉ niệm thời ông làm lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phú. Ông vẫn nhớ những chuyến phà qua lại sông Lô để đưa đón công nhân đi làm ở khu công nghiệp Việt Trì - Lâm Thao và Nhà máy giấy Bãi Bằng; trong đó có bến phà Đức Bác, xã Đức Bác, nay thuộc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc; đối diện là phường Dữu Lâu, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Nhưng những chuyền phà ngang sông Lô từ phường Dữu Lâu sang xã Đức Bác sẽ dần vắng bóng, khi cầu Vĩnh Phú đi vào khai thác, sử dụng trong thời gian tới. Được khởi công từ tháng 1/2022, cầu Vĩnh Phú giao với đê Hữu sông Lô thuộc phường Dữu Lâu (TP. Việt Trì) và kết thúc tại điểm giao với đê Tả sông Lô, xã Đức Bác (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc). Cầu có tổng chiều dài hơn 509m, trong đó cầu chính dài 290m, cầu dẫn phía tỉnh Phú Thọ dài 70,75m; tổng mức đầu tư hơn 540 tỷ đồng. Theo cam kết của nhà thầu, công trình sẽ thông xe kỹ thuật vào tháng 6/2023. Việc đầu tư dự án cầu qua sông Lô đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, rút ngắn thời gian lưu thông, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Là trung tâm chính trị kinh tế văn hóa của tỉnh, Việt Trì là thành phố tiếp giáp giữa đồng bằng, là địa phương có nhiều cây cầu đối ngoại nhất khu vực miền núi phía Bắc. Ở phía Nam thành phố, hai cây cầu tạo kết nối giữa hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc trên Quốc lộ 2 và cao tốc Nội Bài-Lào Cai là Cầu Việt Trì và Hạc Trì. Năm 2018, Phú Thọ hoàn thành thêm một cây cầu đối ngoại mang tên Văn Lang. Cầu Bắc qua sông Hồng, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông vùng, mở cửa ngõ phía Nam của thành phố Việt Trì với khu vực phía Tây thành phố Hà Nội. Giao thông phát triển mạnh là điều kiện thuận lợi để các địa phương ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư.

Ông Trần Minh Bộ, người dân ở phường Thanh Miếu, TP Việt Trì nhớ lại: “Trước năm 2018, khi chưa có cầu Văn Lang, người dân đôi bờ sông Hồng - bờ Hữu là TP Việt Trì, bờ Tả là huyện Ba Vì, TP Hà Nội từng chịu cảnh muốn “qua sông phải lụy đò”. Nối đôi bờ sông Hồng ở đoạn này là những chuyến phà ngang; mà dòng sông rộng nên thời gian chờ phà rất lâu, lại thêm chí phí đi phà cao nên gây khó khăn cho người dân”.

Giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã huy động đầu tư hàng nghìn tỉ đồng cho giao thông để xây dựng mới, nâng cấp cải tạo và bảo trì 410km đường, 32 cầu trên các tuyến quốc lộ được Bộ GTVT ủy thác quản lý. Nhiều dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Các nút giao IC7, IC9, IC11 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường Nguyễn Tất Thành kéo dài, đoạn từ ngã tư giao với đường Hùng Vương đến Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; đường QL.32C qua thành phố Việt Trì từ chợ Nú đến cầu Phong Châu; đường nối từ QL.32C vào KCN Cẩm Khê;... tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.

Nhóm PV Phòng Kinh tế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/giao-thong-ket-noi-tu-tam-nhin-den-khat-vong-phat-trien/185225.htm