Giới đầu tư toàn cầu nhắm đến cổ phiếu ngành năng lượng

Cổ phiếu và trái phiếu ngành năng lượng được giới nhà đầu tư toàn cầu dành sự quan tâm đặc biệt khi họ tin rằng chúng sẽ hưởng lợi nhờ giá điện tăng cao và tình trạng thiếu nhiên liệu dự kiến vào cuối năm nay.

Giới đầu tư toàn cầu dành sự chú ý đặc biệt đối với cổ phiếu ngành năng lượng trong 6 tháng tới. Ảnh: Getty

Giới đầu tư toàn cầu dành sự chú ý đặc biệt đối với cổ phiếu ngành năng lượng trong 6 tháng tới. Ảnh: Getty

Hai phần ba số người trả lời cuộc khảo sát MLIV Pulse, do hãng tin Bloomberg thực hiện, bao gồm các nhà quản lý danh mục đầu tư và nhà đầu tư cá nhân và nhà chiến lược đầu tư trên toàn cầu, có kế hoạch tăng cường tiếp xúc cổ phiếu và trái phiếu năng lượng trong 6 tháng tới.

Họ cho rằng giá điện và khí đốt tự nhiên là nguyên nhân dẫn đến lạm phát toàn cầu và dự báo rằng Nga sẽ cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt sang châu Âu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng trong mùa đông này.

Cổ phiếu ngành năng lượng là một trong những điểm sáng hiếm hoi trên thị trường chứng khoán thế giới, với chỉ số năng lượng trong bộ chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ tăng hơn 40% trong năm nay khi lợi nhuận của các công ty năng lượng tăng cùng với giá dầu và khí đốt. Tuy nhiên, nếu dựa vào tỷ lệ P/E (thị giá cổ phiếu/thu nhập) dự phóng trong 12 tháng tới, chúng vẫn rẻ hơn đáng kể so với các công ty khác trong chỉ số trong S&P 500.

Trong khi trái phiếu năng lượng được xếp hạng ‘rác’ bị xem là đắt, thì các trái phiếu năng lượng của Mỹ được xếp hạng đầu tư BBB tương đối hấp dẫn và đang giao dịch ở mức giá cao hơn giá trái phiếu của các công ty khác cùng hạng BBB và thời gian đáo hạn.

Chris Wood, trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu toàn cầu tại Ngân hàng đầu tư Jefferies cho biết một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV: “Tôi chắc chắn muốn tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu năng lượng vì nguồn cung năng lượng đang bị hạn chế lớn. Lý do khác để sở hữu cổ phiếu năng lượng đơn giản là bạn cần một tài sản phòng ngừa rủi ro trước nguy cơ chiến tranh leo thang ở Ukraine”.

Thị trường năng lượng ngày càng căng thẳng khi Nga hạn chế cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1, khiến giá nhiên liệu này ở châu Âu tăng gần gấp 3 lần trong năm nay. Các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) được thiết lập cấm vận dầu của Nga sẽ có hiệu lực vào tháng 12.

Cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất của châu Âu trong 5 thập niên đang khiến việc hạn chế sử dụng năng lượng trong khu vực dường như không thể tránh khỏi trong mùa đông này.

EU đã đưa ra mục tiêu tự nguyện giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt ở các nước thành viên từ tháng 8-2022 đến tháng 3-2023, và mục tiêu này sẽ thành yêu cầu bắt buộc trong trường hợp cần thiết. EU cũng cảnh báo mức cắt giảm tiêu thụ khí đốt có thể mạnh hơn nữa nếu nhiệt độ trong mùa đông sắp tới xuống thấp hơn mức bình thường.

Gần 3/4 trong số 814 người được hỏi trong cuộc khảo sát MLIV Pulse dự báo giá điện và khí đốt tự nhiên sẽ thúc đẩy lạm phát toàn cầu trong mùa đông này. Một tỷ lệ tương tự người được hỏi cho rằng nếu có bất kỳ sự thiếu hụt năng lượng trong vòng 6 tháng tới, đó sẽ là các nhiên liệu quan trọng, bao gồm cả khí đốt.

Nhiều năm thiếu đầu tư đã khiến nguồn cung nhiên liệu hóa thạch toàn cầu không thể đáp ứng nhu cầu năng lượng phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19.

“Đó rút cục là ‘sự trả thù’ của nền kinh tế cũ. Nếu bạn không đầu tư vào nền kinh tế cũ, nó sẽ quay trở lại gây tổn thương bạn. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề năng lượng trong dài hạn là thông qua đầu tư và các công ty dầu là cầu nối cho các khoản đầu tư để giải quyết vấn đề”, Jeff Currie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Ngân hàng Goldman Sachs, nói khi ám chỉ đến dầu khí.

Đà tăng giá năng lượng đã tác động đến các nền kinh tế lớn với làn sóng lạm phát khủng khiếp, tăng lên mức kỷ lục ở khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) và đạt mức cao nhất trong gần 4 thập niên ở Mỹ.

Goldman Sachs cảnh báo lạm phát ở Anh có thể lên tới 22% trong năm tới nếu giá khí đốt tự nhiên vẫn tăng. Các nhà kinh tế đang dự báo cơn suy thoái kinh tế ở eurozone sẽ xảy ra trong những quí tới khi chi phí sinh hoạt tăng cao làm giảm nhu cầu và làm suy yếu sự phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Anna Mikulska, nhà nghiên cứu năng lượng tại Viện Chính sách Công Baker của Đại học Rice (Mỹ), nói: “Không chỉ giá cả đắt đỏ của hàng hóa năng lượng làm tăng lạm phát mà còn là phản ứng của chính phủ đối với chúng. Tác động tiêu cực của việc bơm nhiều tiền hơn vào nền kinh tế sẽ là lạm phát và việc ghìm giá năng lượng một cách giả tạo sẽ dẫn đến nhu cầu cao hơn và giá cả cao hơn”.

Katja Yafimava, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford, cho biết: “Thị trường khí đốt châu Âu có thể sẽ tiếp tục thắt chặt trong suốt những năm còn lại của thập niên 2020”.

Các nhà đầu tư lạc quan với ngành năng lượng có thể chịu thử thách lớn trong những tháng tới khi làn sóng lạm phát tấn công nền kinh tế toàn cầu. Nhu cầu ở Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, vẫn ảm đạm do tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản và các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19.

Hầu hết những người được hỏi trong cuộc khảo sát MLIV Pulse dự báo giá dầu sẽ duy trì trong khoảng từ 70 đô la và đến 139 đô la/thùng. Khoảng 46% người được hỏi kỳ vọng khủng hoảng năng lượng sẽ đẩy nhanh tốc độ phát điện sạch.

Tuy nhiên, những người lạc quan với thị trường dầu vẫn giữ vững lập trường. Ngay cả khi suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra, khiến giá dầu giảm, họ vẫn thấy một tuyến phòng thủ khác từ liên minh OPEC + do Saudi Arabia dẫn đầu. Liên minh này đã phát đi tín hiệu sẵn sàng can thiệp bằng cách thông báo cắt giảm một sản lượng dầu nhỏ, mang tính biểu tượng vào đầu tháng này.

Theo cuộc khảo sát MLIV Pulse , Saudi Arabia các đối tác trong liên minh OPEC+ có khả năng giữ ổn định hoặc cắt giảm sản lượng trong 6 tháng tới. Khoảng 44% số người được hỏi tin rằng giá dầu đang không phản ánh thực tế cung cầu, một sự mất kết nối gần đây đã được Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Abdulaziz bin Salman chỉ ra.

Theo Bloomberg

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gioi-dau-tu-toan-cau-nham-den-co-phieu-nganh-nang-luong/