Giới siêu giàu bị cáo buộc 'chen hàng' để tiêm vaccine sớm

Trong danh sách tiêm vaccine ở các nước, có không ít người thuộc tầng lớp giàu có, nắm quyền lực. Nghi vấn họ lợi dụng quan hệ, địa vị để sớm được tiêm chủng nảy sinh từ đó.

"Đối với những người thắc mắc, chúng tôi có đủ điều kiện để được tiêm vaccine trước. Những người bạn bác sĩ đã khuyên tôi là sếp, vậy nên tôi cần cho nhân viên thấy việc tiêm vaccine là cần thiết", Kim Lim - rich kid Singapore nổi tiếng - đáp trả những lời chỉ trích nhắm vào việc cô được tiêm vaccine sớm.

Kể từ khi vaccine chống Covid-19 được sản xuất và nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng rộng rãi, các câu hỏi về tính minh bạch trong quá trình tiêm cũng xuất hiện nhiều hơn.

 Rich kid nổi tiếng Kim Lim thuộc diện những người được tiêm vaccine sớm ở Singapore. Ảnh: Straits Times.

Rich kid nổi tiếng Kim Lim thuộc diện những người được tiêm vaccine sớm ở Singapore. Ảnh: Straits Times.

Trong khi danh sách chờ tới lượt tiêm có thể rất dài, một thực tế là nhiều trường hợp người giàu, có địa vị đã tìm đủ cách để sớm có trong tay liều vaccine Covid-19 thông qua tận dụng mối quan hệ, tiền bạc.

Trước nghi vấn cùng làn sóng chỉ trích, có người lên tiếng phủ nhận, người bị sa thải, cảnh sát điều tra.

Người giàu có, quyền lực "chen hàng"

"Người giàu không muốn đợi đến lượt, vì vậy họ tìm cách kiếm vaccine Covid-19 sớm, giống như có được vé hạng nhất bằng cách chi số tiền lớn hơn người khác. Họ xem vaccine và xét nghiệm như một mặt hàng mình có thể mua", R. Couri Hay, nhà nghiên cứu xã hội ở New York, nói với Insider.

Tuy nhiên, không phải vụ việc nào cũng trót lọt.

Miguel Angel Villarroya, vị tướng hàng đầu của Tây Ban Nha đã từ chức vào tháng trước sau khi xuất hiện những cáo buộc nói rằng ông đã tận dụng vị thế của mình để được tiêm vaccine trước các nhóm ưu tiên.

Hồi đầu năm, các hãng thông tấn Tây Ban Nha đưa tin tướng Miguel Angel Villarroya, tham mưu trưởng quốc phòng Tây Ban Nha, và các sĩ quan quân đội cấp cao khác đã nhận những mũi tiêm vaccine đầu tiên của họ. Thông tin này làm dấy lên sự phẫn nộ trong cộng đồng.

 "Người giàu không muốn đợi đến lượt, vì vậy họ tìm cách kiếm vaccine Covid-19 sớm, giống như có được vé hạng nhất trên một chuyến bay bằng cách chi số tiền lớn hơn người khác". Ảnh: Bloomberg.

"Người giàu không muốn đợi đến lượt, vì vậy họ tìm cách kiếm vaccine Covid-19 sớm, giống như có được vé hạng nhất trên một chuyến bay bằng cách chi số tiền lớn hơn người khác". Ảnh: Bloomberg.

Sau tuyên bố từ chức, Bộ Quốc phòng nước này cho biết tướng Villarroya "đã đưa ra những quyết định mà ông cho là đúng đắn" nhưng đã "làm hỏng hình ảnh của lực lượng vũ trang".

Tướng Villarroya không phải là người duy nhất nắm quyền lực, có địa vị xã hội ở Tây Ban Nha đã "chen hàng" trong danh sách đợi tiêm vaccine.

Một số thị trưởng địa phương đã thừa nhận rằng họ được tiêm phòng trước khi đến lượt mình. Giám đốc y tế khu vực Ceuta, một thành phố tự trị của Tây Ban Nha, cho biết ông đã tiêm phòng sớm dưới áp lực của nhân viên.

Hồi tháng 1, CEO giàu có Rodney Baker (Canada) bị cáo buộc thuê máy bay riêng tới vùng hẻo lánh trong nước, giả làm người dân địa phương để được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19.

Ngày 19/1, Baker (55 tuổi) và vợ - diễn viên Ekaterina (32 tuổi) - di chuyển tới Whitehorse, thành phố thuộc vùng lãnh thổ Yukon, nằm gần biên giới với Alaska (Mỹ). Thường ngày, cả hai sống trong một căn hộ sang trọng ở thành phố Vancouver.

Đặt chân tới Yukon, cặp vợ chồng giàu có tiếp tục dùng máy bay riêng để tới khu Beaver Creek, cộng đồng dân cư hẻo lánh với khoảng 100 người sinh sống.

Khu vực này nằm trong diện ưu tiên tiêm vaccine bởi nhiều người lớn tuổi, điều kiện tiếp cận hệ thống y tế khó khăn.

Tại địa điểm tiêm vaccine lưu động, Rodney và Ekaterina nói dối, tự xưng mình là nhân viên làm việc cho một nhà nghỉ địa phương. Sau khi được tiêm, cả hai nhanh chóng quay về Whitehorse.

Tuy nhiên, danh tính của họ bị bại lộ khi một nhân viên y tế nghi ngờ đã xác nhận lại thông tin với nhà nghỉ và báo cáo chính quyền địa phương.

 Miguel Angel Villarroya, vị tướng hàng đầu của Tây Ban Nha đã từ chức vào tháng trước sau khi xuất hiện những cáo buộc nói rằng ông đã tận dụng vị thế của mình để được tiêm vaccine trước. Ảnh: EPA.

Miguel Angel Villarroya, vị tướng hàng đầu của Tây Ban Nha đã từ chức vào tháng trước sau khi xuất hiện những cáo buộc nói rằng ông đã tận dụng vị thế của mình để được tiêm vaccine trước. Ảnh: EPA.

Các nhân viên điều tra đã lần theo manh mối và truy vết họ tới sân bay ở Whitehorse, khi cả hai chuẩn bị bay về Vancouver. Hai vợ chồng sau đó bị cảnh sát cáo buộc ít nhất 2 tội danh.

Sau sự việc, ông Baker đã buộc phải từ chức giám đốc điều hành của công ty sòng bạc Great Canadian Gaming Corp (GCGC).

Phía GCGC cho biết ông Baker không còn bất cứ liên quan nào với công ty. Ban điều hành của GCGC khẳng định "không khoan nhượng đối với những hành động đi ngược lại các mục tiêu và giá trị của công ty".

"Chúng tôi có đủ điều kiện"

Lên tiếng phủ nhận chuyện mình đi "cửa sau" là cách nhiều người giàu có đáp trả khi bị chỉ trích dùng tiền và quyền để sớm có vaccine.

Ngày 14/1, Kim Lim, con gái của tỷ phú Peter Lim, đăng tải trên trang cá nhân hình ảnh cô nhận được mũi tiêm vaccine đầu tiên của mình.

Nhiều người dùng mạng lập tức phẫn nộ, buộc tội rich kid nổi tiếng đã dùng vị thế sẵn có để sớm được vào danh sách tiêm chủng.

Kim Lim giải thích việc cô sở hữu 3 phòng khám thẩm mỹ, đồng nghĩa với việc cô và nhân viên làm việc trong ngành chăm sóc sức khỏe, lĩnh vực được ưu tiên trong chương trình tiêm chủng Covid-19 của Singapore.

"Sẽ thật kỳ lạ nếu nhân viên của tôi tiêm vaccine còn tôi thì không. Trong công ty tôi điều hành, mọi người tin tưởng vào nhau. Nếu tôi sợ hãi, các nhân viên cũng sẽ lo lắng, hoang mang theo", cô nói với 8Days.

 Nhiều người giàu lợi dụng mối quan hệ hoặc quyên góp số tiền lớn để nhận vaccine trước. Ảnh: Reuters.

Nhiều người giàu lợi dụng mối quan hệ hoặc quyên góp số tiền lớn để nhận vaccine trước. Ảnh: Reuters.

Johann Rupert, tỷ phú giàu thứ tư ở châu Phi (theo xếp hạng của tạp chí Forbes) là một trong những người đầu tiên được tiêm vaccine ở Thụy Sĩ trước khi chương trình được triển khai chính thức ở quốc gia này.

Theo báo cáo, vị tỷ phú này đã bay đến Thụy Sĩ từ tháng 12/2020 và tiêm vaccine tại một phòng khám tư thuộc hệ thống bệnh viện Hirslanden ở bang Thurgau. Hệ thống này thuộc sở hữu của tập đoàn Mediclinic ở Nam Phi, nơi công ty của ông Rupert nắm 45% cổ phẩn.

Tháng trước, tỷ phú bác bỏ lời buộc tội rằng ông đã "chen hàng" trong danh sách tiêm chủng. "Tôi trên 70 tuổi và có các vấn đề về bệnh lý nền. Theo đúng quy định của Thụy Sĩ, bác sĩ đã sắp xếp cho tôi được tiêm phòng", ông Rupert cho hay.

Đại diện hệ thống bệnh viện Hirslanden nói thêm họ được phép cung cấp vaccine cho "các đối tượng thử nghiệm do họ lựa chọn" trước khi chiến dịch tiêm chủng toàn quốc bắt đầu.

Cuối năm ngoái, khi vaccine phòng Covid-19 mới chỉ được cung cấp cho nhân viên y tế tuyến đầu, gia đình của họ và cha mẹ có con sơ sinh ở Ba Lan, cựu thủ tướng Leszek Miller lại được tiêm dù không thuộc đối tượng nào kể trên.

Cựu thủ tướng 74 tuổi điều hành đất nước trong giai đoạn 2001-2004 và hiện là thành viên của Nghị viện châu Âu. Sau khi tin tức lan rộng, không khó hiểu khi nhiều người dân bày tỏ thái độ phẫn nộ.

Ông Miller sau đó giải thích với truyền thông Ba Lan rằng mình được tiêm vì ông là bệnh nhân dài hạn của trung tâm y tế Đại học Y Warsaw, nơi tiến hành tiêm chủng "ngoài trình tự".

"Tôi được tiêm với tư cách bệnh nhân, không phải là cựu thủ tướng. Những liều tiêm vaccine cung cấp cho trường đại học cũng được đem đi sử dụng cho các gia đình của nhân viên y tế hay những người bệnh khác", ông nói trên kênh tin tức Ba Lan TVN24.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-sieu-giau-bi-cao-buoc-chen-hang-de-tiem-vaccine-som-post1186720.html