Giới vận động viên Hồng Kông gặp khó với lệnh cấm thể thao

Việc thực thi các biện pháp phòng Covid-19 cứng rắn tại Hồng Kông khiến nhiều vận động viên trẻ và người dân không thể rèn luyện thể thao thường xuyên.

Mục tiêu của vận động viên bơi lội Jody Lee là tranh tài tại Thế vận hội Paris vào năm 2024. Nhưng trong khi chỉ còn 2 năm nữa để rèn luyện nhắm tới sự kiện này, việc các bể bơi của Hồng Kông phải ngừng hoạt động trong nhiều tháng đang khiến việc đạt được ước mơ của Lee trở nên khó khăn hơn.

Vận động viên không thể tập luyện

Hồ bơi và tất cả các cơ sở thể thao khác, bao gồm sân tennis, sân golf và phòng tập thể dục, đã đóng cửa từ tháng 1. Và cho tới nay, các cơ sở này đã phải đóng cửa hơn 13 tháng kể từ khi bắt đầu đại dịch vào năm 2020.

Vận động viên Lee, 15 tuổi, đã cố gắng giữ dáng bằng cách tập luyện dưới biển, bất chấp hiện tượng thủy triều đỏ (các đợt bùng phát tảo biển nở hoa) liên tục diễn ra. Tuy nhiên, việc thành phố này đã đóng cửa các bãi biển từ thứ Năm (17/3) khiến việc bơi lội thậm chí còn khó khăn hơn.

"Tôi không biết trình độ bơi lội của mình đến đâu ... Mọi thứ sẽ trở nên đặc biệt khó khăn đối với tôi khi xác định mình có đủ điều kiện tham dự Thế vận hội hay không".

Olympic đang đến gần và các vận động viên Hồng Kông gặp nhiều khó khăn khi tập luyện. Ảnh: Reuters.

Olympic đang đến gần và các vận động viên Hồng Kông gặp nhiều khó khăn khi tập luyện. Ảnh: Reuters.

Lệnh cấm diện rộng của Hồng Kông, một trung tâm tài chính toàn cầu, đối với các hoạt động thể thao, để phòng tránh sự lây lan của virus corona đã ảnh hưởng đến hàng nghìn vận động viên, người dân và doanh nghiệp phụ thuộc vào ngành thể thao và giải trí này, khiến họ khó khăn hơn trên con đường tìm kiếm vinh quang, mang lại niềm hạnh phúc và lợi nhuận.

Người dân cũng như các vận động viên đang rất bối rối trước điều họ cho là chính sách không nhất quán từ chính quyền Hồng Kông, khi cho phép các tiệm làm tóc mở cửa trở lại vào tháng 3 nhưng đóng cửa các bãi biển công cộng một tuần sau đó.

Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam nói rằng mọi người "cần" cắt tóc, và sau đó bảo vệ quyết định đóng cửa các bãi biển khi cần thiết là để ngăn chặn các cuộc tụ tập. Nhiều cư dân đã đổ xô đến các bãi biển và công viên ven biển để tham gia các hoạt động giải trí và các sân chơi sau khi trường học và hầu hết các địa điểm công cộng đều đóng cửa.

Hồng Kông đang thực hiện triệt để chính sách Zero Covid-19, tìm cách kiềm chế tất cả các đợt bùng phát ngay khi chúng xảy ra, tương tự như Trung Quốc đại lục.

Các nhà chức trách thành phố năm nay đã thực hiện các biện pháp cứng rắn nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020. Các ca nhiễm bệnh và tử vong vẫn tăng vọt và bà Carrie Lam không đưa ra lộ trình rõ ràng làm thế nào để Hồng Kông có thể trở lại bình thường.

Thiệt hại lớn về doanh thu

Các hiệp hội thể thao cho biết hàng chục nghìn người đã bị ảnh hưởng về mặt tài chính từ việc đóng cửa trên diện rộng. Trong đó, các huấn luyện viên và câu lạc bộ mất hàng triệu đô la doanh thu.

Sam Wong, giám đốc điều hành của Hiệp hội thể hình thành phố Hồng Kông, cho biết khoảng 10% trong số 1.800 trung tâm thể dục của Hồng Kông sẽ không thể tiếp tục hoạt động.

Nhà điều hành phòng tập thể dục Fitness First cho biết trong tuần này họ đã đóng cửa các phòng tập thể dục ở Hồng Kông do virus corona và vì đã phải ngừng hoạt động trong một thời gian dài.

Hiệp hội Quần vợt của thành phố cho biết các bên liên quan từ trọng tài, nhân viên phụ trách cho đến các nhà sản xuất thiết bị đều thiệt hại doanh thu đáng kể từ việc đóng cửa. Họ đã thúc giục chính quyền mở lại các sân vì hoạt động của môn thể thao này có thể "tự nhiên" thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Tại bãi biển Vịnh Repulse, ở mũi phía nam của Hồng Kông, người dân thất vọng nhìn những hàng rào tạm bợ ngăn họ tiếp cận bờ biển.

"Phi khoa học và phản lại điều bình thường," một người dân tên là Michael, người không muốn cho biết họ của mình chia sẻ.

'Nhiều vận động viên trẻ của thành phố đã được truyền cảm hứng sau màn trình diễn thành công nhất từ trước đến nay của Hồng Kông tại Tokyo vào năm ngoái. Bà Lam cho biết sau Thế vận hội, bà sẽ triển khai các nguồn lực lớn để hỗ trợ ngành thể thao, nhưng thực tế đã khác đi rất nhiều, người dân cho biết.

Michael Fasching, huấn luyện viên trưởng tại câu lạc bộ bơi lội Harry Wright International, nơi đã đào tạo vận động viên Olympic Siobhan Haughey cho biết: "Trong khi các chính trị gia Hồng Kông nhanh chóng chụp ảnh với các vận động viên Olympic nổi tiếng và sau sự thành công của tuyển bơi lội, họ dường như không quan tâm chút nào đến khó khăn tài chính mà chúng tôi phải chịu đựng do việc đóng cửa các cơ sở thể thao".

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/gioi-van-dong-vien-hong-kong-gap-kho-voi-lenh-cam-the-thao-20220321110611659.htm