Giữ rừng đặc dụng Xuân Nha

Rừng đặc dụng Xuân Nha có diện tích quy hoạch gần 18.268 ha, thuộc các xã Tân Xuân, Xuân Nha, Chiềng Xuân (Vân Hồ) và Chiềng Sơn (Mộc Châu). Rừng đặc dụng Xuân Nha có vị trí hết sức quan trọng và có giá trị bảo tồn cao, gồm có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đa dạng về các hệ sinh thái và sinh cảnh với nhiều kiểu rừng, có giá trị về bảo tồn nguồn gen và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó rừng đặc dụng Xuân Nha còn cung cấp dịch vụ môi trường rừng, điều tiết nguồn nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lực lượng kiểm lâm và dân quân bản Khò Hồng tuần tra bảo vệ rừng đặc dụng.

Lực lượng kiểm lâm và dân quân bản Khò Hồng tuần tra bảo vệ rừng đặc dụng.

Ông Trần Ngọc Tân, Giám đốc Ban quản lý, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha cho biết: Rừng đặc dụng Xuân Nha là khu hệ sinh thái rừng kín thường xanh núi cao vùng Tây Bắc, là kiểu rừng có diện tích lớn, nằm trong vành đai nhiệt đới. Trong rừng đặc dụng Xuân Nha hiện còn một số loại gỗ quý, như: pơ mu, sến, dổi; đặc biệt là thông đỏ thuộc nhóm IA, là loài đặc hữu có tên trong sách đỏ Việt Nam và xếp vào diện cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Với vị trí, vai trò hết sức quan trọng, những năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng đặc dụng Xuân Nha luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, lãnh đạo huyện Vân Hồ và Mộc Châu; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền các xã trên địa bàn. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng được triển khai đã góp phần thúc đẩy công tác quản lý bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, do có nhiều cộng đồng dân cư sống xen kẽ với rừng đặc dụng; trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động sản xuất và đời sống tác động trực tiếp đến rừng. Hiện, trong rừng đặc dụng Xuân Nha có 11 bản, với 1.076 hộ, 5.550 nhân khẩu và 11 bản tiếp giáp với ranh giới Khu bảo tồn, với hơn 1.000 hộ, khoảng 4.300 nhân khẩu. Bên cạnh đó, rừng đặc dụng Xuân Nha còn giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa và nằm trên đường biên giới Việt - Lào dài 10,7 km. Qua đó, việc triển khai các nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác phối hợp trong hoạt động tuần tra bảo vệ rừng ở những khu vực giáp ranh, nhất là những áp lực của cộng đồng dân cư sống trong vùng lõi và vùng vùng đệm của khu rừng đặc dụng.

Trạm kiểm lâm Chiềng Xuân nằm ngay bên tỉnh lộ 102, Trạm có nhiệm vụ quản lý 4.500 ha rừng và đất rừng, trong đó có 3.415 ha rừng nguyên sinh. Chị Hà Thị Duyên, Trạm trưởng chia sẻ: Trạm có 5 người, nhưng đều là nữ, diện tích rừng quản lý lớn, địa hình phức tạp, ngay trong vùng lõi của khu rừng đặc dụng lại có cộng đồng dân cư sinh sống, nên việc tuần tra bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Để huy động sự vào cuộc của cấp ủy, ban quản lý bản và các đoàn thể, Trạm đã thường xuyên tổ chức các cuộc tuyên truyền ở cơ sở, hướng dẫn bà con sản xuất nương rẫy và phối hợp tốt với lực lượng dân quân, tổ bảo vệ PCCCR tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm về quản lý bảo vệ rừng.

Bản Khò Hồng, xã Chiềng Xuân có 132 hộ đồng bào dân tộc Mông sống trong vùng lõi của rừng đặc dụng Xuân Nha. Bản không có lúa ruộng, sản xuất chủ yếu là trồng ngô, sắn và cây ăn quả trên nương, cả bản hiện còn 44 hộ nghèo. Trưởng bản Mùa A Thào thông tin: Những năm gần đây, cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp và xây dựng nông thôn mới đã giúp bà con từng bước thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất và tích cực tham gia bảo vệ rừng. Tổ bảo vệ PCCCR của bản có 16 thành viên, chủ yếu là dân quân và thanh niên, mỗi tháng phối hợp với Trạm kiểm lâm Chiềng Xuân thực hiện tuần tra bảo vệ rừng 3 lần, những tháng cao điểm mùa khô thì tăng lên. Nhiều năm nay, trong bản không còn tình trạng phá rừng làm nương, không để xảy ra cháy rừng.

Đặc biệt từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con có thêm điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển sản xuất, giảm phụ thuộc vào rừng. Trung bình mỗi năm, bản Khò Hồng được Ban quản lý rừng đặc dụng Xuân Nha chi trả 200-300 triệu đồng thông qua hợp đồng khoán bảo vệ rừng, trồng và chăm sóc rừng, từ nguồn kinh phí này, bản thống nhất chi 65% cho tập thể, hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng, 35% để xây dựng các công trình công cộng, mua dụng cụ phục vụ tuần tra, PCCCR. Cùng với nguồn hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn bộ các tuyến đường nội bản được bê tông hóa, sân vận động, nhà văn hóa được xây dựng với đầy đủ thiết bị. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây ở bản không xảy ra cháy rừng, không có tình trạng phá rừng làm nương và khai thác lâm sản trái phép.

Với mục tiêu quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng đặc dụng, bảo tồn đa dạng sinh học, Ban quản lý, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha đang tiếp tục chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tăng cường bám sát cơ sở, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các xã trong việc tuyên truyền chính sách, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng; nêu cao vai trò, trách nhiệm của các trưởng bản hướng dẫn quy định về sản xuất nương rẫy, PCCCR đến các cộng đồng dân cư; triển khai chính sách hỗ trợ công tác bảo vệ rừng, gắn với ổn định đời sống nhân dân sống trong rừng đặc dụng.

Ngọc Thuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/giu-rung-dac-dung-xuan-nha-39654