Giữ vững chủ quyền biển, đảo trong giai đoạn phát triển mới

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, từ ngày 1/7/2025, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chính thức tổ chức lại thành Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh, trực thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh tuần tra, kiểm soát trên sông.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh tuần tra, kiểm soát trên sông.

Việc tổ chức lại lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh thể hiện quyết tâm chính trị và tư duy đổi mới nhằm nâng cao năng lực tác chiến, bảo đảm thích ứng linh hoạt với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

QUẢN LÝ ĐỊA BÀN BIỂN, ĐẢO CHIẾN LƯỢC

Sau sáp nhập, lực lượng Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh đảm nhiệm quản lý vùng biển rộng lớn, hơn 14.000 km² với 117 km đường biên giới biển, 325 km đường bờ biển cùng với quần đảo Côn Đảo, một địa bàn chiến lược đặc biệt về kinh tế và quốc phòng-an ninh của cả khu vực phía nam.

Với 16 đảo lớn nhỏ, hơn 200 km đường bờ biển và nhiều điểm mốc xác định lãnh hải quốc gia, Côn Đảo giữ vai trò quan trọng không chỉ trong thế trận phòng thủ mà còn là trung tâm du lịch tâm linh, sinh thái nổi bật. Lượng khách du lịch ngày càng tăng, kéo theo nhiều thách thức trong quản lý biên giới, kiểm soát xuất nhập cảnh, phòng chống tội phạm, bảo vệ tài nguyên môi trường và giữ vững trật tự xã hội.

Thiếu tá Trần Minh Nghĩa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Côn Đảo cho biết, cán bộ, chiến sĩ tại đây luôn xác định rõ vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực. Đồng thời, lực lượng tích cực phối hợp chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế biển và du lịch. “Chúng tôi xác định nhiệm vụ không chỉ dừng ở tuần tra, kiểm soát mà còn phải là điểm tựa vững chắc cho nhân dân, đồng hành cùng địa phương giữ gìn môi trường và phát triển bền vững....”, đồng chí Trần Minh Nghĩa nhấn mạnh.

Trong công tác đấu tranh với tội phạm, từ năm 2024 đến nay, Đồn Biên phòng Côn Đảo đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng. Điển hình là vụ phát hiện hơn 25 kg ma túy tổng hợp trôi dạt vào khu vực biển Bãi Vông, từ đó giúp mở rộng điều tra, triệt phá các đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Lực lượng kịp thời xử phạt, xua đuổi ba tàu nước ngoài xâm nhập trái phép, xử lý sáu trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU), góp phần ngăn chặn hành vi xâm phạm chủ quyền và tài nguyên quốc gia.

Trong bối cảnh Côn Đảo chính thức trở thành đặc khu kinh tế du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh, nguy cơ gia tăng tội phạm, ô nhiễm môi trường và các tình huống cứu hộ, cứu nạn đòi hỏi lực lượng biên phòng tại đây phải không ngừng nâng cao năng lực, siết chặt kiểm soát người và phương tiện ra vào đảo, ứng dụng công nghệ trong quản lý xuất nhập cảnh, chủ động bố trí lực lượng phản ứng nhanh trong các tình huống khẩn cấp.

ĐỒNG BỘ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM HIỆU QUẢ THỰC THI NHIỆM VỤ

Tại khu vực nội thành, sau khi tổ chức lại, nhiều đồn và trạm biên phòng sẽ phải bố trí đóng quân phân tán trên các tuyến biên giới biển và cửa khẩu cảng. Điều này đặt ra không ít khó khăn cho công tác chỉ huy, điều hành và bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho lực lượng.

Trước thực tế này, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời điều chỉnh phương thức hoạt động. Các cuộc họp được tinh gọn, ứng dụng công nghệ số vào điều hành; đồng thời quan tâm cải thiện chế độ, điều kiện ăn ở, làm việc cho cán bộ, chiến sĩ ở xa trung tâm. Mọi hoạt động được hướng tới mục tiêu hiệu quả thực chất, tiết kiệm nguồn lực nhưng vẫn bảo đảm triển khai nhiệm vụ kịp thời, chính xác.

Đại tá Nguyễn Văn Tiến, Phó Chính ủy Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trên các tuyến biên giới biển, cửa khẩu cảng, tình hình an ninh tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, đòi hỏi lực lượng phải chủ động nắm chắc địa bàn, xử lý nhanh, chính xác các tình huống phát sinh. Chúng tôi đã đề xuất điều chỉnh, bổ sung các văn bản pháp lý phù hợp thực tiễn nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác biên phòng”.

Cùng với đó, chuyển đổi số được xác định là một trong những định hướng trọng tâm. Theo kế hoạch, các đơn vị sẽ từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong các mặt công tác như quản lý xuất nhập cảnh, giám sát vùng biển, xây dựng cơ sở dữ liệu số phục vụ quản lý địa bàn. Đặc biệt, từng cán bộ, chiến sĩ được khuyến khích phát huy sáng kiến trong xây dựng phần mềm, ứng dụng nội bộ nhằm nâng cao hiệu quả chuyên môn tại đơn vị. Những nỗ lực này đang dần hình thành nền tảng quản lý biên phòng hiện đại, hiệu quả, phù hợp yêu cầu trong tình hình mới.

Việc tổ chức lại lực lượng biên phòng không chỉ là sắp xếp lại tổ chức mà còn là dịp để củng cố, nâng cao toàn diện năng lực sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo trong giai đoạn mới.

Đảng ủy, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh xác định rõ tinh thần “chủ động-đổi mới-trách nhiệm” là phương châm hành động xuyên suốt. Trên cơ sở đó, toàn lực lượng tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ máy tổ chức; tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ.

Thời gian qua, các đơn vị biên phòng đã tăng cường phối hợp các lực lượng công an, dân quân tự vệ, chính quyền địa phương trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc. Các đơn vị luôn chú trọng công tác dân vận, phát huy vai trò “đội quân công tác” trong tham gia xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân vùng biển, đảo phát triển sinh kế bền vững.

NHẬT THÀNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giu-vung-chu-quyen-bien-dao-trong-giai-doan-phat-trien-moi-post894467.html