Giữa khó khăn, chăn nuôi vẫn tăng trưởng

Hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, giữa bối cảnh đó, ngành chăn nuôi trong 7 tháng đầu năm vẫn duy trì đà tăng trưởng, đảm bảo phục vụ nhu cầu thị trường trong tỉnh và một lượng lớn xuất ra ngoài tỉnh.

Nhờ chủ động nguồn con giống và liên kết với doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí trung gian, trang trại nuôi 10 nghìn gà thương phẩm của gia đình chị Nguyễn Thị Hà, xã Hương Sơn (Bình Xuyên) trừ chi phí thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Thế Hùng

Nhờ chủ động nguồn con giống và liên kết với doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí trung gian, trang trại nuôi 10 nghìn gà thương phẩm của gia đình chị Nguyễn Thị Hà, xã Hương Sơn (Bình Xuyên) trừ chi phí thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Thế Hùng

Từ đầu năm đến nay, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh diễn ra trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi thị trường tiêu thụ không ổn định. Giá bán một số sản phẩm chăn nuôi nhiều thời điểm ở mức thấp, nhất là chăn nuôi lợn. Cùng với đó là dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cả nước diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan diện rộng. Tuy vậy, sản xuất chăn nuôi 7 tháng đầu năm vẫn duy trì ổn định và có bước phát triển khá.

Theo thông tin từ Cục thống kê, sang tháng 7/2022, tổng đàn lợn tăng 3,23%, đàn gia cầm tăng 0,85% so với cùng thời điểm năm trước. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng và các sản phẩm chăn nuôi chủ yếu khác đều tăng so với cùng kỳ.

Tính chung 7 tháng đầu năm, ngoài sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng đạt giảm 1,18%, thịt lợn hơi tăng 5,74%; thịt gia cầm hơi tăng 3,58%; sản lượng trứng gia cầm tăng 6,04%; sản lượng sữa bò tươi tăng 13,62% so với cùng kỳ.

Được biết, 6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm GRDP ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,81% so với cùng kỳ, đóng góp 0,12% vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Trong đó, chăn nuôi vẫn đóng vai trò chủ đạo với mức tăng 4,91%.

Giữa bối cảnh chăn nuôi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, chủ động về con giống, liên kết tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo vệ sinh, an toàn sinh học.

Với quy mô 80 con lợn nái, gần 400 con lợn thịt và 1,5 nghìn gà thịt, chị Chu Thị Hồng, chủ trang trại chăn nuôi tại xã Chấn Hưng (Vĩnh Tường) cho biết: “Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, song các chi phí nhân công, điện nước, thuốc men không thể cắt giảm.

Nhiều thời điểm chúng tôi đã phải thu hẹp quy mô đàn. Rất may là với việc chủ động nguồn con giống và liên kết được với doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi để mua thức ăn tận gốc, giảm chi phí trung gian nên hạn chế thua lỗ. Đặc biệt trong 1 tháng trở lại đây, giá lợn hơi tăng trở lại, chúng tôi đã có thể thở phào khi lợi nhuận đang rất khả quan”.

Bên cạnh đó, các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được cơ quan chức năng và các hộ chăn nuôi quan tâm thực hiện tốt. Công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm và phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt 1/2022 đạt tiến độ, kế hoạch đề ra.

Trong nửa đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh mới chỉ xuất hiện 1 ổ dịch cúm gia cầm tại 1 hộ chăn nuôi của Vĩnh Yên, ngoài ra không phát hiện các ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.

Từ nay đến cuối năm 2022, ngành chăn nuôi tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn như dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao…

Để hoàn thành mục tiêu trong 6 tháng cuối năm phấn đấu đưa sản lượng thịt lợn hơi các loại đạt trên 57,8 nghìn tấn, sản lượng sữa bò đạt 23,6 nghìn tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 294,5 triệu quả, Sở Nông nghiệp và PTNT xác định cần tăng cường kiểm tra, chỉ đạo sản xuất, tiếp tục triển khai các nội dung thực hiện cơ cấu lại chăn nuôi.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, tự phối trộn thức ăn trong chăn nuôi nhất là trong thời điểm giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, để tận dụng tối đa các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có nhằm giảm chi phí đầu vào, giữ hiệu quả chăn nuôi; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chăn nuôi.

Đồng thời, tổ chức tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm và phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi đợt 2 năm 2022 đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm đảm bảo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/82139/giua-kho-khan-chan-nuoi-van-tang-truong.html