Giúp học sinh nâng cao văn hóa học trực tuyến

Trong thời gian COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường tại TP. Đông Hà, việc 100% số trường từ tiểu học đến THPT trên địa bàn thành phố tổ chức dạy học tuyến là phương pháp hữu hiệu nhất. Đây cũng là cơ hội để cả giáo viên và học sinh có thêm tâm thế thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. Tuy nhiên, học sinh cũng phải được hướng dẫn để nâng cao văn hóa học tập, tránh tâm lý chủ quan, cho rằng học trên mạng thì có thể ăn mặc xuề xòa, thiếu nghiêm túc trong thực hiện nền nếp của trường, lớp nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất của giờ học.

 Nhiều phụ huynh ở Đông Hà ngay từ đầu đã tạo nền nếp nghiêm túc cho con mình trong lớp học trực tuyến -Ảnh: TÚ LINH

Nhiều phụ huynh ở Đông Hà ngay từ đầu đã tạo nền nếp nghiêm túc cho con mình trong lớp học trực tuyến -Ảnh: TÚ LINH

Học trực tuyến cũng phải như học trực tiếp trong điều kiện bình thường, nghĩa là học sinh phải tuân theo những chuẩn mực trong học tập và ứng xử. Việc hướng dẫn này không chỉ từ phía nhà trường mà rất cần sự chung tay từ phía phụ huynh để cùng đi đến mục đích nâng cao văn hóa học trực tuyến cho học sinh.

Chị Bùi Thị Hường ở Phường 1 có con trai học lớp 4 chia sẻ, ngay từ khi được nhà trường thông báo học trực tuyến, chị đã hướng dẫn con trước mỗi buổi học nên hoàn thành mọi sinh hoạt cá nhân, thay áo quần đồng phục, mang nước uống vào phòng học. Vào học ngồi ngay ngắn, tập trung nghe cô giảng và chấp hành tốt những yêu cầu mà cô giáo đưa ra.

Ban đầu con trai chị hơi uể oải, cho rằng học ở nhà thì không cần thay áo quần đồng phục, có thể vừa ăn vặt vừa học hay vừa học, vừa chơi đồ chơi. Nhưng chị nhất quyết nhắc nhở, giám sát con thực hiện nghiêm túc các quy định của lớp học. Đến nay, qua gần 4 tuần học trực tuyến, cháu đã vào nền nếp ổn định. Có nhiều người thắc mắc tại sao học trực tuyến ngay tại nhà mà chị không để cháu mặc áo quần bình thường cho thoải mái thay vì phải mặc đồng phục. Chị cho biết, mặc áo quần đồng phục chỉnh chu giúp cháu ý thức hơn về nhiệm vụ học tập của mình và cũng là một cách tôn trọng bản thân, giáo viên và các bạn cùng lớp.

Đã khá quen thuộc với hình thức học tập trực tuyến, em Trần Anh Quân, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết, để có giờ học trực tuyến chất lượng, em và các bạn cùng lớp luôn xác định rõ mục tiêu học tập và nghiêm túc, tích cực khi tham gia lớp học. Trước khi tham gia lớp học trực tuyến cần lựa chọn không gian riêng, phù hợp để không bị gián đoạn trong quá trình học, bởi nếu không thì hình ảnh những người thân hay những âm thanh trong sinh hoạt gia đình có thể vô tình lọt vào màn hình. Ngoài ra, để có thêm tinh thần học tập, các bạn cùng lớp luôn nhắc nhau mặc đồng phục lịch sự, gọn gàng khi học trực tuyến để tạo không khí lớp học và luôn bật camera để tương tác tốt với thầy cô giáo trong suốt giờ học.

Nhiều giáo viên các bậc học THCS và THPT cho biết, trong các lớp học trực tuyến thường hay xuất hiện không ít hành vi thiếu chuẩn mực của học sinh. Một số học sinh có trang phục không lịch sự, trong giờ học thiếu tập trung, chat, xem phim, chơi game. Số khác thì có những lời lẽ khiếm nhã với thầy cô hay những biểu hiện quậy phá trong lớp học trực tuyến. Có nhiều tiết học chỉ có vài học sinh bật camera và phát biểu, tương tác với thầy cô giáo, các học sinh còn lại tắt camera và micro, im lặng từ đầu đến cuối giờ khiến tiết học trở nên đơn điệu. Những hành vi trên có thể xuất phát từ thái độ đối phó của học sinh với việc học trực tuyến.

Nhiều học sinh nghĩ rằng trên môi trường số không ai biết mình, vì vậy cứ thoải mái làm những gì mình thích. Nếu cha mẹ không kịp thời chú trọng đến chuyện học của con, trong khi thời gian học trực tuyến kéo dài, học sinh dễ chán nản, chểnh mảng và bắt đầu có những hành vi lệch chuẩn. Phụ huynh Nguyễn Văn Lành ở phường Đông Lương có con trai học lớp 8 chia sẻ, anh vừa nghe con kể lại vừa qua trong lớp có bạn nam ở trần khi học trực tuyến mà quên tắt camera, bị cô giáo và cả lớp phát hiện, bị cô giáo nhắc nhở. Nếu tái phạm cô giáo sẽ báo với gia đình và có biện pháp giáo dục phù hợp. Có bạn vì không muốn bị thầy cô giáo gọi phát biểu và kiểm tra nên giả vờ thông báo loa của máy tính bị hỏng, camera bị mờ để không xuất hiện trong nhiều tiết học, sau đó thì chơi game và chat thoải mái trên mạng nên bị các bạn khác trong lớp phát hiện báo lại với giáo viên chủ nhiệm.

Cũng theo các thầy cô giáo, một thực tế là đối với học sinh tiểu học, phụ huynh luôn ngồi cạnh con để hỗ trợ học tập, nhưng không ít phụ huynh trong thời gian qua đã can thiệp quá sâu vào những tiết học trực tuyến của con tại nhà. Khi thấy con làm bài chưa đúng hoặc chậm là nóng ruột, lập tức xen vào chỉnh sửa, thậm chí quát mắng. Phụ huynh cần hiểu rằng việc học trực tuyến cũng giống như khi con đang đến trường, quá trình học tập, tiếp thu kiến thức xảy ra bình thường, học sinh có thể sai và được sửa chữa. Thêm vào đó, khi phụ huynh can thiệp quá sâu vào việc học của con sẽ khiến giáo viên cảm thấy vai trò hướng dẫn, cung cấp kiến thức của mình chưa được tôn trọng.

Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Đông Hà Lê Thị Tú Lệ, để xây dựng nền tảng văn hóa lớp học trực tuyến cho học sinh cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường và phụ huynh, bản thân học sinh. Nhà trường ban hành nội quy, quy định của lớp học chặt chẽ hơn gửi đến phụ huynh và học sinh. Đối với học sinh, nhất là em tiểu học, phụ huynh nên sắp xếp cho con em nơi học tập phù hợp, nếu có điều kiện thì nên có một không gian riêng, tránh việc ở nhà nên muốn tùy tiện ngồi ở đâu học cũng được. Phụ huynh tìm cách thiết lập chế độ mờ hình nền camera khi con học trực tuyến để tránh những sinh hoạt gia đình có thể lọt vào khung hình. Học sinh nên mặc đồng phục, đầu tóc gọn gàng khi ngồi học để học tạo không khí như đang tham dự một lớp học trực tiếp, biểu hiện sự tôn trọng thầy cô giáo và các bạn; hoặc có thể mặc thoải mái hơn một chút nhưng phải đảm bảo lịch sự.

Cùng với đó là việc chuẩn bị kỹ lưỡng các trang thiết bị phục vụ học tập trước mỗi buổi học như kiểm tra tai nghe, micro có hoạt động ổn không để kịp thời tương tác với thầy cô giáo và các bạn khi được yêu cầu. Chú ý thực hiện các nguyên tắc của lớp học do thầy cô giáo quy định như tắt micro khi có người khác đang phát biểu và ấn nút “giơ tay” khi muốn trình bày ý kiến. Trong suốt tiết học học, sinh không được ăn quà vặt hay làm việc riêng; không bật quá nhiều chương trình, ứng dụng khác không liên quan làm ảnh hưởng việc tiếp thu bài học…

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=161307&title=giup-hoc-sinh-nang-cao-van-hoa-hoc-truc-tuyen