Gỡ khó cho giáo dục mầm non ngoài công lập

Sau đại dịch Covid-19, nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập gặp khó khăn và có nguy cơ giải thể. Ngày 27-4-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng dịch bệnh. Từ khi chính sách được ban hành, đông đảo người dân thể hiện sự đồng tình ủng hộ về tính nhân văn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục mầm non chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trên cả nước. Tại tỉnh Bình Phước, nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã được tiếp cận vốn vay ưu đãi kịp thời, giúp các trường tháo gỡ khó khăn sau đại dịch.

Khó khăn trăm bề

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, toàn tỉnh có 3 trường, 41 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị giải thể. Nhiều giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải nghỉ việc, không trở lại làm việc khi trường hoạt động trở lại. Ông Nguyễn Văn Diễn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Chơn Thành cho biết: Thị xã hiện có 31 trường, cơ sở mầm non ngoài công lập, trong đó có 10 trường và 21 cơ sở, giảm so với trước khi xảy ra dịch bệnh 2 trường và 1 cơ sở. Trong 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn gặp khó khăn về tài chính, thiếu chi phí đầu tư, sơn sửa, mua sắm lại các trang thiết bị do không hoạt động một thời gian dài đã bị hỏng và xuống cấp.

Một lớp học của cô và trò Trường mầm non tư thục Họa Mi ở phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành

Một lớp học của cô và trò Trường mầm non tư thục Họa Mi ở phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành

Hiện nay, không ít cơ sở đang nợ ngân hàng do vay tiền trả chi phí thuê mặt bằng để duy trì hoạt động trong thời gian nghỉ dịch. Tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên cũng là vấn đề mà nhiều trường phải đối mặt. Bà Dư Thị Vui, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường mầm non tư thục Họa Mi, phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành chia sẻ: “Trường đã đón 150 em đến lớp, bình quân mỗi lớp 30 em. Mặc dù địa bàn có khu công nghiệp, nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh nhiều nhưng do số lượng giáo viên của trường không đủ đáp ứng nên không thể nhận thêm trẻ. Vì vậy, trường cần thêm nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng thêm giáo viên có tâm huyết với nghề”.

Bà Lê Thị Tám, chủ cơ sở mầm non Thiên Thư ở khu phố 2, phường Minh Hưng, bày tỏ: “Cơ sở thành lập đúng vào thời điểm dịch bùng phát tháng 4-2021, nên xây dựng xong chưa kịp nhận trẻ thì phải đóng cửa để phòng, chống dịch. Trong thời gian đó, tôi phải trả tiền thuê mặt bằng mỗi tháng 17 triệu đồng. Trường đã hoạt động trở lại gần 1 năm nay, nhưng lượng trẻ đầu vào vẫn còn ít, nguồn thu chỉ đủ duy trì trả lương cho giáo viên”.

Nhờ vay vốn ưu đãi, cơ sở mầm non Thiên Thư ở khu phố 2, phường Minh Hưng, TX. Chơn Thành đã sửa chữa lại cơ sở vật chất sau đại dịch Covid-19

Nhờ vay vốn ưu đãi, cơ sở mầm non Thiên Thư ở khu phố 2, phường Minh Hưng, TX. Chơn Thành đã sửa chữa lại cơ sở vật chất sau đại dịch Covid-19

Trong thời gian nghỉ dịch, toàn bộ giáo viên và nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đều phải tự trang trải cuộc sống bằng cách tìm công việc khác. Đến nay, nhiều giáo viên đã quay lại với nghề. Có được điều này là nhờ các trường, cơ sở đã hỗ trợ, thu hút giáo viên với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng, đóng bảo hiểm và có chính sách miễn học phí cho giáo viên có con đang theo học tại trường.

Chính sách nhân văn, kịp thời

Thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động tháo gỡ khó khăn cho giáo viên và các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Ngay sau khi có các chính sách của Chính phủ ban hành để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, tỉnh Bình Phước đã tuyên truyền, hướng dẫn để các đối tượng trong diện hưởng chính sách được tiếp cận và hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ theo quy định.

Ngày 11-1-2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có gói tín dụng ưu đãi 1.400 tỷ đồng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch để phục hồi hoạt động dạy và học sau đại dịch. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Quyết định được ban hành rất kịp thời và hết sức nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục, nhất là các cơ sở mầm non chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, giúp các đơn vị khôi phục hoạt động.

Theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg: Mức cho vay tối đa 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục. Mức cho vay cụ thể đối với mỗi trường hợp do Ngân hàng Chính sách xã hội xác định dựa trên phương án vay vốn của cơ sở giáo dục. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng, lãi suất 3,3%/năm. Về thủ tục vay vốn, với mức vay dưới 100 triệu đồng không cần tài sản đảm bảo. Mức vay trên 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định, Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn cụ thể về tài sản đảm bảo này.

Thủ tục vay vốn đơn giản do UBND cấp xã xác nhận, Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho vay vốn trong thời hạn từ 5-10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Tính đến nay, toàn tỉnh đã triển khai cho 29 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vay với tổng vốn 2 tỷ 360 triệu đồng. Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Chơn Thành đã triển khai cho vay hơn 1 tỷ đồng/12 cơ sở. Nguồn vốn vay dùng để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19; mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động.

Cô và trò cơ sở mầm non Ngôi Sao Vàng, phường Minh Hưng, TX. Chơn Thành trong giờ học

Cô và trò cơ sở mầm non Ngôi Sao Vàng, phường Minh Hưng, TX. Chơn Thành trong giờ học

Bà Đặng Thị Hương Dung, chủ cơ sở mầm non Ngôi Sao Vàng ở phường Minh Hưng, phấn khởi cho biết: “Sau thời gian đóng cửa vì dịch bệnh, cơ sở vật chất xuống cấp và không có nguồn thu để tu sửa. Chính sách của Nhà nước ban hành rất kịp thời, nhờ có vốn vay mà trường đã được sửa chữa, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ dạy học. Chúng tôi sẽ cố gắng đầu tư xây dựng thêm cơ sở vật chất để có môi trường xanh - sạch - đẹp cho các con học tập”.

“Để chính sách tín dụng ưu đãi đến với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập kịp thời, Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị UBND cấp xã tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xác nhận điều kiện vay vốn. Đồng thời, tiến hành niêm yết văn bản, hướng dẫn hồ sơ, quy trình và thủ tục cho vay theo quy định, đảm bảo đơn giản, rõ ràng, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện cho vay. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục cử cán bộ tín dụng đến các cơ sở mầm non trên địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ đối với các cơ sở có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn, tạo điều kiện cho họ được tiếp cận nguồn vốn kịp thời và nhanh chóng”.

Bà Lê Thị Hạnh, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Chơn Thành

Vốn tín dụng ưu đãi đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập sẽ tiếp tục triển khai đến hết ngày 31-12-2023. Có thể thấy, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải tỏa áp lực cho các trường mầm non công lập, đáp ứng nhu cầu của đông đảo phụ huynh. Do vậy, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương trong thời điểm này sẽ phần nào giúp các cơ sở mầm non ngoài công lập tháo gỡ khó khăn, từng bước ổn định, phát triển quy mô trường, lớp.

Thùy Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/143114/go-kho-cho-giao-duc-mam-non-ngoai-cong-lap