Góc khuất sau vụ người gốc Á bị xô chết trước mũi tàu ở New York

Martial Simon - người xô chết Michelle Go trước mũi tàu điện ngầm ở New York - bị mắc bệnh tâm thần trong nhiều năm, sống vật vờ trên đường phố mà không được chính quyền quan tâm.

Đối với những người vô gia cư xếp hàng bên ngoài Holy Apostles Soup Kitchen ở Manhattan, Martial Simon là nhân vật quen thuộc: Thiếu nghiêm chỉnh và thường tức giận về điều gì đó.

Trong suốt hàng chục năm tại Mỹ, Simon đã đi khắp các bệnh viện và nhà tù, tham gia những chương trình khám sức khỏe tâm thần ngoại trú và sống trên đường phố. Tuy nhiên, ông Simon - 61 tuổi, cựu quản lý bãi đậu xe taxi, người nhập cư Haiti đến Mỹ năm 13 tuổi và bắt đầu có triệu chứng tâm thần phân liệt ở độ tuổi 30 - dành phần đời còn lại sống tách biệt với xã hội.

Vào lúc 9h37 ngày 15/1, ông Simon đã xô ngã Michelle Alyssa Go, người ông không hề quen biết, trước đầu tàu điện ngầm tại New York. Người phụ nữ 40 tuổi đã tử vong ngay tại chỗ.

Các chuyên gia cho rằng tình trạng của Simon là minh chứng cho sự thất bại của hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần dành cho những người ốm yếu nhất trong xã hội. Cứ vài năm lại xuất hiện những người có tiền sử nhập viện vì bệnh tâm thần thực hiện các tội ác liên quan đến bạo lực tại Mỹ. Số lượng gần đây có xu hướng gia tăng khi giường bệnh dành cho bệnh nhân tâm thần nội trú phải giảm bớt do áp lực từ đại dịch Covid-19.

New York Times cho biết khi một người bị rối loạn tâm thần đến bệnh viện, bệnh nhân phải được đánh giá, đưa vào khu điều trị nội trú nếu cần thiết, điều trị cho đến khi ổn định và sau đó vẫn giữ liên hệ với dịch vụ chăm sóc.

Nhưng nhiều bệnh viện tại New York không tuân thủ những bước cơ bản đó. Họ từ chối tiếp nhận những bệnh nhân gây rối quá mức, hoặc chỉ nhận trong thời gian ngắn và cho xuất viện mà không có kế hoạch chăm sóc sau đó.

Nhiều người mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng có thể tự xoay xở với cuộc sống bên ngoài nếu họ nhận được hỗ trợ. Hầu hết người bị bệnh tâm thần, bao gồm cả tâm thần phân liệt - có dấu hiệu hoang tưởng và ảo giác - thường không có xu hướng bạo lực.

Tiến sĩ Xavier Amador, chuyên gia về bệnh tâm thần phân liệt đã làm việc trong các chương trình điều trị tâm thần nội trú ở New York trong nhiều thập niên, cho biết các bác sĩ đang thả tự do cho những bệnh nhân không thể tự khỏi.

"Hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần của chúng tôi đang đẩy bệnh nhân vào các khe nứt. Họ bị đẩy ra khỏi cửa, và trước cửa có vực thẳm", ông nói.

"Không ai chịu trách nhiệm"

Vụ giết cô Go, xảy ra trong bối cảnh tội phạm bạo lực gia tăng, làm kinh hãi cả New York. Cô Go làm việc tại công ty tư vấn Deloitte, sống ở Upper West Side và tình nguyện tư vấn cho các gia đình dễ tổn thương về dinh dưỡng và kỹ năng phỏng vấn xin việc. Một nhân chứng cho biết cô “chưa bao giờ nhìn thấy” ông Simon đang lao vào mình.

Cuộc tấn công đặt ra thách thức mới cho Thị trưởng Eric Adams, người đã hứa với cử tri rằng ông sẽ kiềm chế tội phạm bạo lực trong khi đảm bảo chăm sóc cho những người vô gia cư mắc bệnh tâm thần.

Ông Adams thề sẽ xây thêm "nhà ở hỗ trợ", nơi cung cấp dịch vụ xã hội tại chỗ. Ông kêu gọi tạo thêm nhiều "giường nghỉ ngơi" cho những người bệnh không đủ nặng để nhập viện nhưng không ổn nếu tái hòa nhập xã hội.

 Thị trưởng Eric Adams phát biểu trong buổi lễ vinh danh Michelle Alyssa Go. Ảnh: AP.

Thị trưởng Eric Adams phát biểu trong buổi lễ vinh danh Michelle Alyssa Go. Ảnh: AP.

Nhưng bác sĩ tâm thần có kinh nghiệm lâu năm trong phòng cấp cứu ở New York, Michael Pratts, nói rằng vấn đề cơ bản của hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện nay là không có ai dám chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của một người như ông Simon.

Hồ sơ y tế của ông Simon chưa được công khai. Nhưng một người giấu tên cho biết vào năm 2017, ông đã nói với một bác sĩ tại Trung tâm Tâm thần Manhattan rằng việc ông đẩy một phụ nữ xuống đường ray chỉ là vấn đề thời gian. Simon được xuất viện ngay sau đó.

Phát ngôn viên của cơ quan điều hành trung tâm từ chối bình luận về ông Simon, nói rằng "nếu một bệnh nhân nói họ gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác, cơ quan sẽ thực hiện tất cả bước cần thiết để bảo vệ bệnh nhân cũng như công chúng".

Tiến sĩ Amado nói rằng nếu một bệnh nhân có tiền sử tâm thần phân liệt nói mình muốn giết ai đó, người này không nên xuất viện và phải được điều trị cho đến khi không còn suy nghĩ đó.

Xuất hiện ảo giác từ năm 30 tuổi

Trước khi bị bệnh, Martial Simon là người chăm chỉ và là vận động viên. Ông chơi bóng đá tại trường trung học ở Newark. Vào mùa đông, ông xúc tuyết để giúp đỡ gia đình, chị gái Josette Simon - 65 tuổi - cho biết.

Ở độ tuổi 20, ông lái taxi, làm việc trong các gara đậu xe và cuối cùng lên chức quản lý. Nhưng sau khi bước sang tuổi 30 và sống với gia đình chị gái, hành vi của ông thay đổi.

 Ông Simon năm 17 tuổi. Ảnh: New York Times.

Ông Simon năm 17 tuổi. Ảnh: New York Times.

Ông hỏi vay khoảng 2.000 USD. Một lần khác, ông mượn xe của chị gái và chỉ trả lại chìa khóa, nói rằng xe đã bị hỏng.

Một ngày nọ, ông Simon nói với chị rằng mọi người đang bước ra khỏi tivi và theo dõi ông.

Khoảng năm 1995, mẹ ông phải gọi cảnh sát vì ông đứng bên ngoài căn hộ của bà ở East Orange, New Jersey hét ầm lên vì ảo giác. Vào một đêm mùa hè năm 1998 ở Manhattan, ông cầm hai cây cải bắp trong vòng hai giờ, cho tay vào áo khoác như thể ông đang cầm súng. Ông bị bỏ tù trong 18 tháng.

Năm 2002, ông Simon đến sống với bà Josette ở Virginia và được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt. Bà chở em trai đến bệnh viện để tiêm thuốc hàng tuần. Lúc này ông vẫn còn ảo tưởng, nhưng không hành động theo các ảo giác đó.

Cuối cùng, ông quay trở lại New York, và gặp rắc rối. Thỉnh thoảng Simon gọi điện cho chị gái từ nhà tù hoặc bệnh viện.

“Nếu bạn nhìn thấy em ấy, bạn biết có điều gì không ổn. Nhưng họ chỉ bắt em ấy lại rồi sau đó lại thả ra đường", bà nói, cho biết thêm lần cuối bà nghe tin từ em trai là vào khoảng năm 2013.

Bệnh viện quay lưng, sống vật vờ trên đường phố

Hệ thống tàu điện ngầm của New York, lâu nay là nơi ẩn náu cho những người vô gia cư, đã chứng kiến sự gia tăng các vụ tấn công. Các vụ hành hung nghiêm trọng trong tàu điện ngầm tăng gần 25% so với năm 2019. 30 người bị đẩy vào đường ray vào năm 2021, tăng từ 20 người vào năm 2019 và 9 người vào năm 2017. Không rõ có bao nhiêu cuộc tấn công là của những người bị bệnh tâm thần.

Từ năm 2012-2019, số lượng người lớn điều trị tâm thần nội trú tại New York đã giảm từ 4.100 xuống còn khoảng 3.000. Điều này diễn ra sau khi Medicaid giảm tỷ lệ hoàn trả cho những bệnh nhân tâm thần nằm viện dài hạn, gây áp lực tài chính lên các bệnh viện.

Nhưng số người đang cần sự giúp đỡ vẫn không hề giảm. Từ năm 2013-2020, số người vô gia cư ở New York mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng đã tăng lên khoảng 13.200 từ 11.500 người.

Vào cuối tháng 12/2021, BronxWorks - tổ chức phi lợi nhuận điều hành bảy nơi trú ẩn cho người vô gia cư trong thành phố, trong đó có một nơi dành cho 200 người bị bệnh tâm thần - đã gửi dự thảo báo cáo liên quan tới vấn đề này cho tân thị trưởng.

BronxWorks viết rằng hoạt động của một số bệnh viện “dẫn đến sức khỏe yếu kém và gia tăng tội phạm mắc bệnh tâm thần ở những người vô gia cư tại New York”.

Có trường hợp sau khi một người bị thương, một bệnh viện đã “từ chối tiếp nhận anh vì cho rằng anh gây ra rủi ro quá lớn cho nhân viên và các bệnh nhân khác”. BronxWorks yêu cầu chuyển anh đến bệnh viện có phòng cấp cứu tâm thần chuyên biệt. Tuy nhiên, người này lại được xuất viện.

Tiến sĩ Amador nói rằng đã có sự thay đổi trong ngành tâm thần học khi các bác sĩ né tránh theo dõi bệnh nhân suốt đời.

“Các bác sĩ tâm thần không còn được đào tạo để xem xét nhu cầu lâu dài của ai đó", ông nói. “Họ bị biến thành thợ máy, phân phát thuốc tâm thần trong khoảng thời gian 72 giờ hoặc một tuần, và sau đó nói 'Công việc của tôi đã xong'".

Thông thường ở New York, tội ác kinh hoàng của người mắc bệnh tâm thần sẽ kích thích sự thay đổi của hệ thống. Năm ngoái, Rigoberto Lopez bị buộc tội trong các vụ tấn công bằng dao trên tàu điện ngầm nhằm vào 4 người vô gia cư khiến cảnh sát tham gia giám sát hệ thống chuyển tuyến.

Trước ông Lopez, có West Spruill, người giết giám đốc trại tạm trú vào năm 2015, khiến thành phố lập các đội “Điều trị di động chuyên sâu” gồm các nhân viên sức khỏe tâm thần.

Chỉ vài ngày trước khi bà Go qua đời, Thống đốc Adams đã tổ chức họp báo, công bố lập đơn vị tiếp cận người vô gia cư chuyên biệt, các nhóm “Hỗ trợ Lựa chọn An toàn” bao gồm y tá và chuyên gia sức khỏe hành vi.

Thị trưởng đã thông báo một đợt điều động thêm sĩ quan cảnh sát vào tàu điện ngầm. Hai cảnh sát đang ở cuối sân ga khi ông Simon đẩy cô Go.

 Ông Simon đầu thú mình xô ngã một người phụ nữ trước đầu tàu. Ông bị buộc tội giết người cấp độ hai. Ảnh: New York Times.

Ông Simon đầu thú mình xô ngã một người phụ nữ trước đầu tàu. Ông bị buộc tội giết người cấp độ hai. Ảnh: New York Times.

"Em tôi không phải người xấu"

Guồng quay cuộc sống của ông Simon cứ lặp đi lặp lại không hồi kết: Nhập viện, xuất viện, bắt giữ, bỏ tù, trả tự do, lỡ hẹn tạm tha, lệnh trát.

Larry Williamson, người vô gia cư có biết tới Simon, cho biết ông thường bày tỏ sự thất vọng khi không thể tìm được nhà ở ổn định và các đơn thuốc chống loạn thần của ông đã hết.

"Ông ấy cáu gắt về mọi thứ: Dòng người di chuyển quá chậm, thức ăn không đủ", William Taylor, 76 tuổi, cho biết. Mặc dù Simon luôn chửi bới, những người vô gia cư biết đến ông chưa bao giờ thấy ông động chân động tay với ai.

Ông Williamson cho biết lần cuối gặp ông Simon là khoảng hai năm trước: "Anh ấy phàn nàn về thuốc và việc các bác sĩ làm điều sai trái với mình".

Vào ngày 20/7/2021, ông Simon ra khỏi Bệnh viện Tâm thần Bronx. Ngày hôm sau, ông lỡ hẹn với sĩ quan ân xá và lại biến mất khỏi tầm kiểm soát của cảnh sát.

Vào ngày 17/12/2021, các nhân viên của Ủy ban Cư dân Bowery đã bắt gặp ông tại một ga tàu điện ngầm ở Jamaica, Queens. Một nhân viên giấu tên cho biết ông tự lẩm bẩm một mình nhưng trông khá dễ chịu và không hung hăng.

Ông Simon nhận được yêu cầu chuyển đến nơi ở như kiểu doanh trại, gồm 20 người đàn ông sống chung phòng. Ông lịch sự từ chối.

29 ngày sau, điện thoại của Josette Simon đổ chuông. Đó là phóng viên New York Post, thông báo em trai bà vừa giết người. Josette đã khóc rất nhiều, cho cả gia đình cô Go và cho em trai.

"Em trai tôi đã tước đi mạng sống của một người khác, không phải vì nó là kẻ xấu, mà vì nó không được giúp đỡ. Tôi thật sự không thể chịu được", bà bộc bạch.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/goc-khuat-sau-vu-nguoi-goc-a-bi-xo-chet-truoc-mui-tau-o-new-york-post1294390.html