GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: TĂNG SỐ LƯỢNG ĐBQH CHUYÊN TRÁCH SẼ GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

Nhiều ĐBQH cho rằng Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định tăng ĐBQH chuyên trách lên 5% là phù hợp thực tiễn, góp phần nâng cao hoạt động của Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp. Điểm mới này cũng tác động đến công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ngày 23/5/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; là dịp để nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Ngày bầu cử cũng là dịp để Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Ngày 23/5/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ảnh minh họa).

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 có một số khác biệt về số lượng, cơ cấu thành phần đại biểu. Những thay đổi này có ý nghĩa, sẽ tác động đến hoạt động của Quốc hội, của các địa phương. So với nhiệm kỳ trước, trình tự thủ tục trong quy trình bầu cử không có sự thay đổi nhiều vì vẫn áp dụng Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, do Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có sửa đổi nên ít nhiều tác động đến công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Một trong những điểm mới đáng chú ý trong cuộc bầu cử sắp tới là có sự thay đổi về số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách. Theo đó, Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định số đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40% so với tổng số đại biểu Quốc hội là 500 người (tăng 5% so với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014). Điểm mới này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đồng thời là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách trong các cơ quan của Quốc hội.

Với mong muốn xây dựng Quốc hội ngày càng hoạt động hiệu quả, chất lượng, xứng đáng với vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân thì việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách có ý nghĩa rất quan trọng.

Đại biểu Trần Văn Lâm – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Đại biểu Trần Văn Lâm – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, nêu quan điểm: Quốc hội cần có những giải pháp đồng bộ để nâng cao các chức năng: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trên chức năng lập pháp, Quốc hội cần tham mưu, lấy ý kiến, tổng kết, đánh giá thực tiễn các dự án luật một cách bài bản và toàn diện. Điều này tránh hiện tượng có dự án luật trình lên Quốc hội xem xét, thảo luận nhưng chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, thiếu luận cứ khoa học.

Về chức năng giám sát, Quốc hội cần tạo điều kiện cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban tổ chức kịp thời các đoàn giám sát những vấn đề đang nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống. Còn giám sát trên nghị trường, Quốc hội cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm, nổi bật của đất nước để các đại biểu đóng góp ý kiến, giám sát hoạt động của các Bộ ngành.

Để quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước một cách khách quan, sát thực, vấn đề quan trọng là phải nâng cao trình độ, năng lực của đại biểu Quốc hội. Cùng với cơ cấu hợp lý theo tiêu chí về dân tộc, tôn giáo, tuổi tác thì Quốc hội cần có cơ cấu phù hợp hơn đối với đại biểu chuyên trách và không chuyên trách. Song song với đó, Quốc hội cần giới thiệu được những người thực sự tiêu biểu để tham gia đóng góp vào công tác xây dựng pháp luật. Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ để thu hút người có đủ phẩm chất, năng lực làm đại biểu chuyên trách, hay thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành ở các lĩnh vực đóng góp vào các hoạt động của Quốc hội.

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Nhà sử học Dương Trung Quốc và cũng là đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, trong suốt gần 20 năm liên tục, từ khóa XI, XII, XIII, XIV bày tỏ ý kiến: Trong thời gian qua, Quốc hội đã thực hiện khối lượng công việc, soạn thảo được nhiều luật nhưng hoạt động vẫn còn chưa chuyên nghiệp. Một trong những nguyên nhân là do số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách còn ít.

Hiện nay, đại biểu Quốc hội phần đông là không chuyên trách, thậm chí nhiều người còn đang giữ chức vụ. Thực sự, đại biểu Quốc hội đang đương chức có thế mạnh là họ có trải nghiệm thực tiễn trong quá trình quản lý nhưng có thể có những hạn chế khi họ còn phân tâm vào nhiều việc khác nên chưa chú trọng đến các hoạt động của Quốc hội. Để hoạt động của Quốc hội phát huy hiệu quả hơn, chúng ta cần nâng cao trình độ, kỹ năng và thay đổi cơ cấu của đại biểu Quốc hội. Theo đó, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, chúng ta cần có số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách nhiều hơn. Vì vậy, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách thêm 5% là hoàn toàn hợp lý.

Còn đại biểu Nghiêm Vũ Khải- Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng, nêu quan điểm: Trên thực tế, hoạt động giám sát của Quốc hội được thực hiện thường xuyên và bài bản hơn. Tuy nhiên, có thể nói, lực lượng giám sát thực hiện chính sách pháp luật của các cơ quan của Quốc hội còn thiếu. Việc giám sát, giải quyết những vấn đề bất cập hay đề xuất các phương hướng điều chỉnh luật, chính sách để xây dựng năng lực quản lý chưa kịp thời. Một số lĩnh vực mà nhiều người cho là tế nhị chưa được giám sát kỹ lưỡng nên khi Quốc hội thảo luận, tranh luận chưa đi đến cùng được vấn đề cần giải quyết.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải- Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng.

Trong công tác xây dựng hệ thống pháp luật, nếu trước kia, thời gian tồn tại của một luật khi được áp dụng trong đời sống thường là 10 năm thì nay một số luật thay đổi rất nhanh. Có luật chỉ ban hành áp dụng trong thực tế với thời gian từ 3 đến 5 năm đã phải thay đổi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nguồn nhân lực tập trung vào nghiên cứu luật còn chưa bài bản, chưa chuyên sâu và chưa phù hợp so với thực tiễn.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, Đại biểu Nghiêm Vũ Khải nêu ý kiến: Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định số đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40% so với tổng số đại biểu Quốc hội là 500 người (tăng 5% so với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014). Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đồng thời là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách trong các cơ quan của Quốc hội.

Ngoài ra, Quốc hội nên mở rộng chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao mà không phải là đại biểu Quốc hội như các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực đóng góp ý kiến, nghiên cứu thảo luận vào việc xây dựng hệ thống pháp luật./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=53418