Góc nhìn hôm nay 8/6: Không để lặp lại điệp khúc giải cứu vì 'ùn ứ nông sản' hay 'được mùa mất giá'

Thời gian qua, tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu đã khiến doanh nghiệp, người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Hơn bao giờ hết, cần những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, cũng như tăng cường tiêu thụ nội địa để giải quyết tình trạng này.

Các yếu tố đầu vào của sản xuất, đầu ra của nhiều loại sản phẩm hàng hóa nông nghiệp vẫn còn phụ thuộc vào một thị trường. Tình trạng này Quốc hội đã nhiều lần nhắc tới, tuy nhiên, đến nay việc khắc phục vẫn còn chậm. Một lần nữa, vấn đề này được nhiều ĐBQH thẳng thắn đề cập tại nghị trường.

Mời quý vị theo dõi phóng sự sau!

Từ đầu năm đến nay, nguồn cung các yếu tố đầu vào của sản xuất liên tục bị đứt gãy, giá cả tăng cao, sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản bị ứ đọng, có lúc hàng ngàn xe nông sản bị ách tắc tại các cửa khẩu, gây ra nhiều khó khăn, mất mát trong sản xuất và lưu thông. Từ thực tế này, nhiều đại biểu nhấn mạnh, không thể kêu gọi giải cứu hàng hóa mãi mà phải có giải pháp từ việc quy hoạch sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới đến việc dự báo thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

HUỲNH THANH PHƯƠNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: “Việc kiểm soát giá cả đầu vào của sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Cử tri cho rằng đây là một hạn chế lớn của sản xuất nông nghiệp nước ta, mặc dù những năm qua đã có khắc phục một phần, song vẫn còn khoảng cách rất xa so với yêu cầu của thực tế. Những hạn chế đó càng bộc lộ rõ nét khi thị trường thế giới đưa ra những yêu cầu cao hơn về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, nhất là trong điều kiện dịch bệnh vừa qua và như hiện nay.

Ông NGUYỄN TẠO - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: “Giá cả vật tư đầu vào, giá phân bón cho sản xuất nông nghiệp ở mức cao so với bình quân hàng năm. Do những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, giá xăng, dầu, các chuỗi giá trị nông sản còn bị hạn chế, chưa thực sự bền vững khiến việc tiêu thụ nguồn nông sản còn gặp nhiều khó khăn. Một số thời điểm giá sản phẩm xuống thấp, ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng tái đầu tư của nông dân.”

Trước thực tế này, nhiều đại biểu đề nghị kiềm chế giá phân bón tăng cao, cần thiết đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng; đồng thời thay đổi phương thức canh tác, hướng tới nông nghiệp xanh, an toàn, nhằm giảm chi phí đầu vào.

Bà CHÂU QUỲNH DAO - Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang:Tôi kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật 71 Quốc hội khóa XIII năm 2014, trong đó có quy định là giá phân bón là mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng. Tôi xin đề nghị là (phân bón) được chịu thuế giá trị gia tăng để được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước, ví dụ khoa học công nghệ, để giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm có lợi cho người dân".

Rõ ràng, bài toán về giá không phải bây giờ mới xảy ra, nhưng việc giải bài toán này vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Người nông dân vẫn oằn mình, loay hoay trước “cơn bão giá”.

Tìm đầu ra bền vững cho nông sản Việt là câu chuyện không hề mới khi đã được bàn rất nhiều lần. Vậy nhưng suốt bao nhiêu năm nay chúng ta vẫn cứ loay hoay để rồi ùn ứ nông sản, "được mùa mất giá" trở thành điệp khúc tái diễn hết năm này qua năm khác. Làm thế nào để nông sản Việt Nam trở thành hàng hóa, có đầu ra ổn định, bền vững, có thể đến với nhiều thị trường khó tính thay vì chỉ một vài thị trường truyền thống? Đây chính là những trăn trở của đại biểu khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn Lê Minh Hoan vào chiều ngày 7/6.

Theo Bộ trưởng, định vị lại thị trường, tổ chức lại sản xuất chính là lời giải cho những khúc mắc trên. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của nước ta, nhưng khi thị trường bạn thay đổi tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm nhập khẩu, lập tức người nông dân trong nước lại điêu đứng. Việc chậm thích nghi, quá lệ thuộc vào thị trường này đã cho thấy những bất lợi rõ ràng. Nếu không nâng cao chất lượng nông sản, giữ sự đa dạng trong thị trường xuất khẩu thì khó mà xây dựng được một nền xuất khẩu bền vững.

Ông HOÀNG ANH CÔNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: “Cử tri rất lo lắng về tình trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc, gây nên rất nhiều khó khăn, tốn kém rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến nền sản xuất nông nghiệp. Một trong những nguyên nhân là do chính sách nhập khẩu liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa nông sản phía Trung Quốc có nhiều thay đổi, đòi hỏi chất lượng nhập khẩu ngày càng cao hơn, yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn như các nước Châu Âu và Hoa Kỳ. Theo Bộ trưởng, chúng ta cần có giải pháp gì để giúp người nông dân để nâng cao chất lượng hàng nông sản, nâng cao giá trị nông sản và qua đó để tăng cường xuất khẩu và xây dựng một nền xuất khẩu bền vững?”

Ông LÊ MINH HOAN - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Thị trường Trung Quốc là thị trường ngày càng khó tính hơn, rất nhiều năm chúng ta quen tư duy rằng thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính. Khi Trung Quốc họ thay đổi những biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng như an toàn, vệ sinh thực phẩm thì chúng ta chậm thay đổi. Tất nhiên, trong này có trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tức là chậm thông tin để cho người dân biết.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Ngoại giao cũng đã dự thảo xây dựng riêng một thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc để chúng ta chuyển dần theo chỉ đạo của Chính phủ là từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Tôi dùng từ "chuyển dần", chúng ta không thể nào đột ngột được, bởi vì cả 2 phía tương tác với nhau, một ngày nào đó chúng ta danh chính ngôn thuận để hàng hóa của chúng ta đạt tiêu chuẩn”

Ông DƯƠNG KHẮC MAI - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông: Điệp khúc được mùa mất giá và những cuộc giải cứu nông sản chưa có hồi kết; tiêu thụ còn phụ thuộc và một số thị trường; sản xuất nông nghiệp vẫn theo chiều rộng, tự phát, tiêu thụ phụ thuộc số ít thị trường. Giải pháp căn cơ để giải quyết các vấn đề này là gì?"

Ông LÊ MINH HOAN - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Chúng ta chuẩn hóa nông sản để đáp ứng thị trường, để đi thông suốt giảm áp lực. Tôi muốn nói rằng tiêu chuẩn và quy chuẩn là cái mà trong thời gian vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận một khuyết điểm rằng chúng ta còn dễ dãi trong điều hành để mà chuẩn hóa mặt hàng nông sản. Bởi vì, như tôi nói, chúng ta chưa tổ chức lại sản xuất thì chúng ta sẽ chưa thành công.

Câu chuyện được mùa mất giá, tôi nói lại là chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, chính quy lại nguồn hàng, thông tin minh bạch số lượng mùa vụ cho từng loại nông sản và phân bổ trong từng loại thị trường, thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận trách nhiệm với Thủ tướng Chính phủ và sẽ sớm cùng với các cơ quan thương vụ của chúng ta ở nước ngoài làm việc này.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng cho biết thêm, theo thống kê, hằng năm có hàng nghìn thay đổi của các thị trường nhập khẩu nông sản, nghĩa là trung bình một tháng có cả trăm thay đổi của các quốc gia. Có thay đổi họ yêu cầu Việt Nam phải đáp ứng ngay, nhưng cũng có thay đổi họ cho thời gian để thích ứng. Chúng ta phải chủ động thay đổi cách sản xuất mới thích ứng được sự thay đổi chóng mặt của thị trường.

Mặt khác, trong những năm qua, tuy kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam tương đối cao, trung bình đạt khoảng trên 48 tỷ USD/năm, tuy nhiên chủ yếu vẫn là xuất khẩu thô và gần 80% là xuất khẩu tiểu ngạch. Trong các ngành nông, lâm, thủy sản, chúng ta có nhiều ngành gần như chiếm tỷ trọng tuyệt đối về mặt chế biến, đó là ngành thủy sản, ngành chế biến gỗ và ngành cao su. Khó nhất và rủi ro nhất của chúng ta là ngành trái cây.

Ông NGUYỄN VĂN THI - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới Bộ có giải pháp, chính sách nào để tăng tỷ lệ nông sản đưa ra thị trường đã qua chế biến, tăng tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam?

Ông LÊ MINH HOAN - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Ở đây, tôi nói luôn vấn đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến. Một trong những quan tâm nhất của doanh nghiệp khi gặp tôi, một là chất lượng nguyên liệu không ổn định, thậm chí đi theo mùa, chỉ có một mùa. Thí dụ tôi nói Bắc Giang, nếu chúng ta không giải quyết được câu chuyện hết mùa vải thì mùa gì nữa để chúng ta chế biến, các doanh nghiệp rất ngại, 1 năm chỉ dồn vào 2 tháng, 10 tháng còn lại là nhà máy làm gì?

Nghĩa là các địa phương phải chủ động liên kết với các địa phương khác để làm sao thu hút được doanh nghiệp. Sự thuyết phục của doanh nghiệp đối với người nông dân và sự tin tưởng của người nông dân, sự chia sẻ của người nông dân với doanh nghiệp, hai bên cùng chia sẻ nhau, đôi khi niềm tin còn mạnh hơn những khế ước. Tất nhiên, chúng ta không phải tất cả sống bằng niềm tin, nhưng trong lúc chúng ta đang nghiên cứu, nhất là đại biểu Quốc hội có những người làm luật ở đây có thể tư vấn cho Bộ trưởng Nông nghiệp để giúp cho Bộ trưởng Nông nghiệp trong vấn đề mà bản thân chúng tôi cũng còn rất lúng túng."

Thực tiễn chứng minh vừa qua, nếu ở đâu cấp ủy chính quyền vào cuộc mạnh mẽ thay cho vai trò của hợp tác xã truyền thống trước đây thì ở đó sản phẩm nông sản trở thành hàng hóa được và lưu thông thuận lợi.

Mỗi sở nông nghiệp và phát triển nông thôn địa phương cần phải xác định trách nhiệm không chỉ giúp bà con trong sản xuất được nhiều mà còn phải kết nối được tư duy kinh tế với tư duy thị trường. Nếu không kết nối được thị trường dù trong nước hay nước ngoài, chúng ta sẽ bị động ngay trong tiêu thụ nông sản. Khi dư thừa thì phải tăng chế biến, để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa nông sản để thị trường thông suốt. Do đó, giải pháp cho câu chuyện “được mùa mất giá” là tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa.

Bài học tiêu thụ vải của Bắc Giang, Hải Dương hay xoài, nhãn của Sơn La là những minh chứng rất rõ, khi chính quyền vào cuộc, đồng hành cùng nông dân thì việc tiêu thụ nông sản không phải là quá khó khăn. Có thể khẳng định rằng, với cơ chế thị trường hiện nay, việc chấm dứt tình trạng giải cứu nông sản là chưa thể thực hiện trong một sớm một chiều. Trong những thời điểm nhất định, ngành nông nghiệp sẽ kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản nhưng không nên dùng từ "giải cứu" vì sẽ tạo ra tâm lý thương cảm. Thay vào đó, cần có những hành động hỗ trợ cụ thể hơn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có những lời giải mang tính chất dài hạn, bền vững hơn là đợi đến dư thừa mới ra quân thì đã muộn và giá trị nông sản thì cũng đã xuống.

Thực hiện : Dương Dung Phan Hằng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-86-khong-de-lap-lai-diep-khuc-giai-cuu-vi-un-u-nong-san-hay-duoc-mua-mat-gia