Góc nhìn nghị trường: Tạo động lực để vươn lên thoát nghèo

Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cùng với nỗ lực của các địa phương và cộng đồng dân cư đã tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực. Cùng với đó, phong trào xây dựng nông thôn mới cũng góp phần 'thay da đổi thịt' nhiều khu vực nông thôn, miền núi của đất nước.

Tuy nhiên, một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên tại Kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XV) đó là việc giảm nghèo, thoát nghèo bền vững.

Các chính sách, chương trình hỗ trợ người nghèo, khu vực khó khăn cần tạo điểm tựa, động lực để người dân vươn lên, xây dựng sinh kế lâu dài, từ đó thay đổi căn bản đời sống bản thân, gia đình.

 Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Theo đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An), có hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025 vì khi đạt chuẩn nông thôn mới các xã này không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn, sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức.

Chia sẻ với ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhìn nhận, có một áp lực kép giữa một bên là mong muốn tất cả các xã đều đạt chuẩn nông thôn mới để hoàn thành đúng chỉ tiêu và một phần có nhiều xã không mong muốn lên nông thôn mới, bởi vì khi đó sẽ bị giới hạn một số nguồn lực hỗ trợ.

Cũng giống như tư duy giằng co giữa thoát nghèo và nghèo. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, các chính sách hỗ trợ cần tạo ra một năng lực cụ thể cho địa phương, không thể mỗi giai đoạn ngân sách nhà nước lại đầu tư vì không nguồn lực nào đầu tư được trong khi chúng ta chưa phát huy hết nội lực của cộng đồng.

Quan tâm đến sinh kế của người dân là giải pháp quan trọng hàng đầu để hướng đến xóa đói, giảm nghèo bền vững theo định hướng "trao cần câu chứ không trao con cá". Trong đó có việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia tăng giá trị, tham gia các chuỗi liên kết phù hợp với nhu cầu thị trường. Cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo.

Đồng thời, hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, giúp người nghèo nâng cao thu nhập trên chính mảnh đất quê hương. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng còn khó khăn, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đã được quan tâm, đầu tư. Mặc dù vậy, cần quan tâm đến chất lượng đầu tư và tính cấp thiết của các công trình, dự án. Tùy theo mỗi địa phương, việc lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư cần được phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để phát huy hiệu quả của từng đồng vốn bỏ ra.

Muốn phát huy nội lực của cộng đồng thì sự tham gia một cách tích cực, chủ động của từng người dân cần được khơi dậy và đề cao hơn nữa. Cần xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa mỗi người dân với cộng đồng, xã hội, để cùng hướng đến một mục tiêu chung.

MẠNH HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/goc-nhin-nghi-truong-tao-dong-luc-de-vuon-len-thoat-ngheo-749648