Góc nhìn từ những Chủ tịch Công đoàn cơ sở

Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động quận Long Biên, thời gian qua, Công đoàn cơ sở khối trường học trên địa bàn đã phối hợp với chuyên môn triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành, thu hút đoàn viên tích cực tham gia các hoạt động. Để có được kết quả đó, có đóng góp rất quan trọng từ đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở.

Thay mặt lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng trao Bằng khen cho các Công đoàn cơ sở khối trường học tiêu biểu. Ảnh: B.D

Thay mặt lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng trao Bằng khen cho các Công đoàn cơ sở khối trường học tiêu biểu. Ảnh: B.D

Liên đoàn Lao động quận Long Biên hiện quản lý và chỉ đạo trực tiếp 318 công đoàn cơ sở trực thuộc với 13.450 đoàn viên. Trong đó: Công đoàn cơ sở trường học công lập là 80 công đoàn cơ sở với 3.443 đoàn viên; công đoàn cơ sở sự nghiệp ngoài công lập 33 công đoàn cơ sở với 702 đoàn viên.

Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động quận, thời gian qua, công đoàn cơ sở khối trường học đã phối hợp với chuyên môn tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành như: Phong trào “Hai tốt”, “Cô giáo tài năng duyên dáng”, “Cô giáo người mẹ hiền” và cuộc vận động “Nhà giáo Hà Nội giúp đỡ học sinh có khó khăn”…

Đồng thời các công đoàn cơ sở đã tổ chức tuyên truyền pháp luật lao động, Luật Viên chức, Luật Công đoàn trong cán bộ, giáo viên, nhân viên bằng nhiều hình thức đa dạng và thiết thực, giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật, tuân thủ các quy định của nhà nước và của nhà trường, nâng cao ý thức, tác phong, kỷ luật lao động.

Cùng đó, các công đoàn cơ sở cũng tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi, trợ giúp khó khăn, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao... qua đó ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn.

Trao đổi về vai trò của công đoàn và cán bộ công đoàn tại cơ sở, chị Nguyễn Thị Minh Thu - Chủ tịch Công đoàn Trường Trung học cơ sở Thạch Bàn cho rằng: Công đoàn cơ sở là nơi trực tiếp thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, các mối quan hệ của tổ chức công đoàn, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, kế hoạch của Công đoàn cấp trên, là nơi diễn ra các hoạt động trực tiếp tuyên truyền vận động, tập hợp công nhân, viên chức, lao động vào tổ chức Công đoàn. “Công đoàn cơ sở có vững mạnh thì tổ chức Công đoàn mới vững mạnh và phát triển”, chị Thu khẳng định.

Do đó, chị Nguyễn Thị Minh Thu cho rằng, Công đoàn muốn mạnh, muốn phát triển, không thể thiếu đi sự ủng hộ, phối hợp của Ban Giám hiệu nhà trường và sự đoàn kết, thống nhất trong đoàn viên, người lao động.

Năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định chủ đề hoạt động công đoàn là “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở” nhằm tạo sự chuyển biến ở một trong những khâu quan trọng hiện nay ở cơ sở là cán bộ công đoàn, trong đó tập trung cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, trước hết là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Với yêu cầu đó, năm 2021, Liên đoàn Lao động quận Long Biên tiếp tục yêu cầu các công đoàn cơ sở đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, qua đó thu hút đông đảo người lao động tham gia hoạt động công đoàn. Trong đó, công tác chăm lo, bảo vệ lợi ích cho đoàn viên, người lao động được coi là điều kiện, tiền đề để vận động, thu hút người lao động vào tổ chức Công đoàn.

Lấy ví dụ từ phát động phong trào thi đua, chị Thu cho biết: Trong việc phát động, triển khai các phong trào thi đua, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở phải phối hợp chặt chẽ với Tổ trưởng chuyên môn trong việc lập kế hoạch để phát động phong trào thi đua với các nội dung cụ thể, trọng tâm, định hướng từng nội dung cụ thể cho từng đợt thi đua, cách thức tiến hành của các bộ phận từ Ban Chấp hành Công đoàn đến Tổ Công đoàn và đoàn viên.

Từ thực tế hoạt động, chị Nguyễn Thị Nhài - Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Long Biên chia sẻ kinh nghiệm: Chủ tịch Công đoàn phải “sát” vào việc. Chị Nhài cho biết: Trong công tác chỉ đạo, Công đoàn Trường Tiểu học Long Biên luôn linh hoạt, phát huy được ý chí tập thể, tinh thần trách nhiệm của từng đồng chí ủy viên ban chấp hành.

Trong công tác thi đua, luôn coi trọng chất lượng và hiệu quả công việc, thúc đẩy công tác chuyên môn; tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường khen thưởng thỏa đáng, phát hiện động viên kịp thời những điển hình, gương người tốt việc tốt, đồng thời theo dõi giúp đỡ hoặc nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm. Định kỳ, Công đoàn phải tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm ghi nhận, đánh giá chính xác, công bằng các hoạt động, từ đó mới tiếp tục thu hút được đoàn viên, người lao động tham gia phong trào.

“Có thể khẳng định trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Công đoàn, nếu có sự chỉ đạo đúng đắn, có sự phối hợp chặt chẽ với Ban Giám hiệu nhà trường, nếu biết phát huy vai trò quan trọng của Công đoàn trong việc phát động, triển khai các phong trào thi đua thì nội bộ sẽ luôn đoàn kết, nhất trí và cộng đồng trách nhiệm, chất lượng giáo dục của nhà trường sẽ luôn ổn định và được nâng cao”, chị Nguyễn Thị Nhài nhấn mạnh.

Đồng thuận với quan điểm trên, chị Phạm Thị Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Trường Trung học cơ sở Thượng Thanh cho rằng: Mọi chủ trương, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ kể cả Công đoàn hay chuyên môn, muốn đạt kết quả tốt cần phải có sự phối hợp thực hiện, trong đó vai trò chủ đạo thuộc về người đứng đầu là Chủ tịch Công đoàn và Hiệu trưởng.

Nếu giữa Ban Chấp hành Công đoàn và Ban Giám hiệu nhà trường không tạo ra sự đoàn kết, thống nhất, đồng bộ và nhất quán thì sẽ gặp khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thực hiện chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động./.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/goc-nhin-tu-nhung-chu-tich-cong-doan-co-so-120085.html